Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 21/2/2011 9:7'(GMT+7)

Suy ngẫm về sự học

 

Trong thời buổi kinh tế thị trường, cuộc sống có nhiều cái mới, có vui có buồn và có cả những nhức nhối khi ai đó dành nhiều suy nghĩ về thân phận của con người. Trong xu thế hội nhập, người ta không thể xem thường khái niệm về sự bình đẳng trong hội nhập, theo nghĩa hội nhập, du nhập hay học tập gì đó, vẫn không mất đi vị thế của mình, nói khác đi, không trở nên yếm thế trong quá trình này, nói mạnh hơn là không nên để ai đó thấy một tâm thế nô lệ, phụ thuộc, hoặc giả là cái sự ăn theo, nói theo, sự bắt chước đến nỗi đánh mất bản sắc của chính mình.

Người xưa vẫn bảo “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Sự học nói nên xem là điều cần thiết đầu tiên khi chúng ta “chào anh, chào bạn”. Tuy vậy, cái sự học nói cũng chẳng hề đơn giản. Trước đây, cố Tổng Bí thư Trường Chinh nhận xét: “Hồ Chủ tịch nói tiếng nói của dân tộc, của nhân dân Việt Nam, nhiều từ ngữ dân gian được Bác đưa vào ngôn ngữ của mình rất tự nhiên, hợp lý, sáng tạo... Người còn làm giàu thêm cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc bằng nhiều từ mới, từ rút ngắn như vùng trời, giặc đói, giặc dốt...” Đó là một nhận xét, là khẳng định của một nhà lãnh đạo, trong điều kiện đất nước ta đang phải dồn toàn bộ sức lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chưa có nhiều thời gian lo những cái khác, chẳng hạn việc làm trong sáng tiếng Việt, như Bác Hồ vẫn ước mong và từng nêu gương.

Đón xuân Tân Mão, nếu ngẫm lại lời người xưa, lại thấy có một bộ phận người xứ mình đang sa vào cơn sốt học theo cái mới mà chưa mới, chưa đại diện cho tâm tư và suy nghĩ của đa số và điều này chắc sẽ được cơ quan có trách nhiệm tính toán bằng các hoạt động nào đó mang tính nghiệp vụ. Tuy thế, sự nhức nhối của dư luận trước nhiều cách ăn nói đang tác động đến lớp trẻ và những tác động ấy không phải lúc nào cũng mang tính tích cực.   

Ai cũng biết nhiều từ nước ngoài đã được Việt hóa, vừa gọn vừa dễ hiểu và lại khó dùng tiếng Việt để diễn tả cho ngắn gọn. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng cũng có không ít những cụm từ hay danh từ tiếng Việt không sao gây hiệu quả tốt khi chuyển ngữ. Vậy mà trong thực tế ta thấy chỉ có sự học đòi tiếng nước ngoài chứ không hề thấy có một quy trình ngược và điều đó phải chăng chính là dấu hiệu phản ánh sự lép vế của tiếng Việt và lại do chính người mình tạo ra?

Hãy nói vài điều dễ thấy. Đi đâu cũng thấy nói đến từ “tặc”, nào không tặc, hải tặc, lâm tặc năm xưa cho đến tin tặc, cát tặc, đinh tặc... nghe mà chán, dù như đã dẫn, Bác Hồ từng chuẩn xác khi nói giặc đói, giặc dốt... Khi xưa, để chứng tỏ mình là người thuộc giới thượng lưu, người thành thị ưa nói tiếng bồi như “toa”, “moa”, rồi “gác măng dê”, “rô bi nê”..., bây giờ, lại xuất hiện những kiểu nói bằng ngôn từ nước ngoài như con cái ưa gọi bố mẹ là “papa”, “mama”, rồi mời nhau tham dự “pác-ty”, làm “cô-ta”, đi “tua”, đi mua đồ “xi-can-hen” và vô số ngôn từ thời A-còng vừa xô bồ lại mất gốc.

Gần đây, việc lạm dụng cụm danh từ có từ “quốc” lại lên cơn sốt, đó là phong trào tìm quốc hoa, quốc phục, quốc tửu. Khoan nói cách làm, sau những  từ quốc ca, quốc kỳ đã có  quá trình Việt hóa và được thừa nhận, liệu 3 từ này đã là chuẩn xác chưa, câu trả lời là rất khó xác định. Nhiều người bày tỏ, liệu trên thế giới đã có thứ luật lệ, văn bản nào quy định là mọi quốc gia phải có những thứ đó, câu trả lời là không. Có nhiều nước ưa thích loài hoa nào đó, nhưng loài hoa ưa thích và quốc hoa là hai khái niệm khác nhau. Chúng tôi có chia sẻ ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, theo đó, đã là cái gì đó có từ “quốc” ở đây, tất sẽ phải do cơ quan lập pháp tối cao của chúng ta quy định, tức là Quốc hội. Nếu Quốc hội có quy định này tất sẽ trao cho Chính phủ và Chính phủ sẽ giao cho Bộ, ngành nào đó tổ chức thực hiện mà không thể do một Bộ nào đó tự nêu sáng kiến rồi phát động và lôi kéo theo lối mà công chúng vẫn thấy như bỏ phiếu bầu kỳ quan nào đó hay những cuộc thi ca hát trên sóng nào đó... Chúng tôi cũng chia sẻ ý kiến của nhiều bậc trí giả và những người tâm huyết, theo họ, thời điểm này đất nước còn quá nhiều việc phải lo và phải làm mà có lẽ chưa cần thiết việc lựa chọn mấy thứ được cho là tiêu biểu kia.

Nhưng ngẫm ra thì càng thấy rằng việc học hỏi cái hay cái tốt và sự học đòi theo kiểu a dua rồi đánh mất bản sắc và bản ngã, đôi khi chỉ cách nhau một làn ranh nhỏ bé. Tết này, trên nhiều đường phố và trước cửa nhiều căn nhà lại đỏ rực đèn lồng. Ôi chao, những chiếc đèn lồng xuất hiện từ đời vua Nghiêu, vua Thuấn, cùng tục lệ đốt vàng mã ra đời từ thời Ngũ đại, chẳng hiểu sao lại rầm rộ đến như thế. Giáo sư Phan Huy Lê đã chia sẻ bức xúc chuyện này, theo ông thì đó là biểu hiện của sự học đòi không phải lối. Cái kiểu treo đèn để chứng tỏ đẳng cấp đại gia có quyền năm thê bảy thiếp như hình ảnh trong một bộ phim Tàu nào đó, xem ra không phù hợp với văn hóa Việt.

Trước đây, UNESCO từng khuyến cáo mỗi quốc gia khi hội nhập chớ nên đánh mất bản sắc văn hóa của mình, bởi nếu như chúng ta không tỉnh táo tất sẽ trở thành nạn nhân của những cuộc xâm lăng văn hóa... và vì thế, cứ theo thiển nghĩ của chúng tôi, gây đời sống mới, bảo đảm an sinh xã hội và lo nâng cao tính bình đẳng trong cuộc sống của nhân dân mới là cái đáng suy nghĩ nhất cho chúng ta mà chưa phải là những việc làm quá ư xa lạ hoặc chưa đến lúc phải làm, từ cấp vĩ mô hay chỉ trong mỗi gia đình mỗi con người. Khi xem phóng sự về giáo dục ở tỉnh Yên Bái chiếu trên VTV1 vào ngày mồng 3 Tết, thấy cảnh nhiều cháu học sinh mẫu giáo chưa có tấm áo đủ ấm, bữa cơm vẫn còn măng độn gạo, biết bao người đã phải xúc động. Hoặc giả là nỗi bức xúc khi nghe những ý tưởng trong việc chữa trị các vết thương trên lưng của Cụ Rùa Hồ Gươm. Vì thế, phải chăng mấy hiện tượng ấy cũng là một trong những nỗi lo lắng mang tính xã hội đang cần được xem xét, hơn là việc ngồi đó mà bàn tính xem nên lấy hoa gì, áo gì...

Ngẫm ra mới thấy, quả là cái sự học cũng có đến dăm bảy đường. Học đấy, còn hành thì sẽ ra sao?

Theo Ama Lâm/ĐĐk
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất