Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 11/3/2012 18:30'(GMT+7)

Tái diễn điệp khúc “trúng mùa - rớt giá"

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

“Lúa IR50404 đừng kêu!”…

Theo Viện lúa ĐBSCL, vụ đông xuân 2011-2012, toàn vùng xuống giống khoảng 1,6 triệu ha. Đến thời điểm này, các địa phương ở Kiên Giang, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp… đã thu hoạch được hơn 600 ha. Từ trung tuần tháng 3, ĐBSCL sẽ bước vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân, tức cùng thời điểm VFA triển khai thu mua tạm trữ.

Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ đông xuân đến nay, chỉ một vài địa phương chỉ thu hoạch lác đác và sản lượng lúa hàng hóa cũng không nhiều nhưng giá lúa gạo trong nước liên tục sụt giảm. Hiện giá lúa khô loại thường tại nhiều tỉnh miền Tây chỉ khoảng 5.000 – 5.150 đồng/kg, lúa hạt dài cao hơn khoảng 300 đồng/kg (mua tại kho) nhưng nhiều doanh nghiệp lại không mua hoặc chỉ mua cầm chừng.

Đáng lo nhất là lúa IR50404, thường được thương lái gọi là lúa ngang (thường) chế biến gạo phẩm cấp thấp 25% tấm đang rớt giá thê thảm. Sở NN&PTNT nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL thông báo giá lúa IR50404 hiện khoảng 4.200 đồng/kg lúa tươi và 5.200 đồng/kg lúa khô, nhưng thực tế nông dân không thể bán được giá này. Một số nơi hiện vẫn mua lúa IR50404 nhưng giá thấp hơn thị trường từ 200 đồng/kg và chỉ mua lúa khô, chứ không mua lúa tươi như trước đó. Còn nhiều nơi khác thương lái thẳng thừng từ chối không mua lúa IR50404.

Chị Phạm Thi Ngân ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp chỉ vào đống lúa nằm chình ình ngoài sân cả tuần nay mà vẻ mặt vô cùng buồn bã. Chị Ngân nói, suốt tuần rồi vợ chồng chị bỏ hết công việc thay phiên nhau ngồi “canh” ghe mua lúa nhưng vẫn chưa bán được. Lúc lúa chưa thu hoạch thì ghe chạy dập dìu, thương lái săn đón hỏi han, còn bây giờ cả ngày chỉ thấy một hai ghe đã mừng lắm rồi. “Có khi đợi cả ngày mới thấy một ghe mua lúa, mừng quá tôi gọi í ới nhưng họ chẳng buồn ghé lại. Sau khi biết tôi muốn bán số lúa IR50404 này, chủ ghe đã vồ ga bỏ đi. Một lúc sau gặp một ghe khác tới, tôi gọi lại nhưng họ dựng ngay tấm bảng trước mũi là “lúa IR50404 không mua”, chị Ngân bộc bạch.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, diễn biến thị trường lúa gạo trong nước năm nay khá phức tạp. Theo kinh nghiệm, vụ đông xuân những năm trước cánh thương cứ ráo riết lùng sụt tìm mua lúa IR50404, vậy mà năm nay “chưa đến chợ đã dội hàng”. “Chuyện “trúng mùa rớt giá” đã trở thành điệp khúc quen thuộc với nông dân ĐBSCL nhưng không thể nói là không mua loại lúa này hay giống lúa khác, nhất là IR50404. Hiện giống lúa này chiếm khoảng 40-50% tổng diện tích gieo sạ ở ĐBSCL.

Sỡ dĩ nông dân vẫn chuộng IR50404 vì dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất lại cao. Trong khi giá bán của loại này không thấp hơn bao nhiêu so với loại chất lượng cao nên nông dân vẫn trồng. Mặt khác năm nào ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân không nên trồng lúa IR50404 hoặc trồng không quá 20% diện tích/tỉnh nhưng thực tế không ai kiểm tra việc này. Mấy ngày nay đi khảo sát nhiều nơi, thấy các ghe lúa treo bảng “lúa IR50404 đừng kêu” mà tôi thấy xót lòng cho người trồng lúa quá”, Tiến sĩ Bảnh trải lòng.

Nguy cơ tồn ứ lúa trong dân

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết, với diện tích 1,6 triệu ha, năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha, sản lượng lúa đông xuân năm nay tại ĐBSCL đạt khoảng 11 triệu tấn. Điều này cho thấy, lượng lúa hoàng hóa trong dân rất lớn nhưng các doanh nghiệp, thương lái không mặn mà thu mua hoặc chỉ mua cầm chừng sẽ làm tồn động lúa trong dân. Vì FVA chỉ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tức tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa. Ngoài một số để làm giống cho vụ tiếp theo, đảm bảo an ninh lương thực, lượng lúa hàng hóa có nguy cơ tồn động trong dân khoảng hơn 5 triệu tấn. “Kinh nghiệm cho thấy, cứ tồn động lúa trong dân là giá lại lại tiếp tục giảm. Lúc đó người nông dân phần vì lo lắng giá lúa sẽ tiếp tục giảm nên bán đổ, báo tháo, phần vì áp lực nợ nần (mua thiếu vật tư nông nghiệp) nhiều người không thể trữ lúa chờ giá mà phải bán ngay sau khi thu hoạch. Thiệt thòi vẫn là người lao động quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này”, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh chia sẻ.

Nhận định thị trường lúa gạo trong nước khi VFA tiến hành phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp thành viên từ 15-3 tới, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng tình hình sẽ không chuyển biến bao nhiêu. Bởi theo thông tin từ VFA, hiện gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Ấn Độ, nhất là mặt hàng gạo cấp thấp nên VFA phải giảm giá xuất khẩu. Mặt khác, lượng hợp đồng xuất khẩu tập trung ký được với đối tác nước ngoài cũng rất ít, ảnh hưởng đến thị trường trong nước cũng chậm theo. “Mặc dù đến thời điểm tiến hành thu mua tạm trữ thì giá lúa gạo trong nước vẫn không tăng vì VFA sẽ không mua giá cao hơn 5.000 đồng/kg (thường lấy mốc tối thiểu).

Thực tế những năm trước, mặc dù giá thu mua tạm trữ được quy định rõ nhưng nhiều doanh nghiệp tại một số nơi lại mua thấp hơn từ 200-500 đồng kg. Nông dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận thông tin dễ bị thiệt thòi, bị doanh nghiệp ép giá. Thật ra, doanh nghiệp không mặn mà gì với việc mua tạm trữ cho nông dân đâu nên đến thời điểm sát giờ “G” mà họ vẫn chưa có động thái gì tích cực. Một số đơn vị còn vì lý do này lý do khác để tiến hành mua tạm trữ càng trễ càng tốt. Trong khi mua tạm trữ là có lợi cho họ đó chứ, vì dễ dàng thu gom được số lượng lớn nguyên liệu với giá rẻ, cung ứng cho chế biến xuất khẩu, lại được Nhà nước hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Thế mà có lắm doanh nghiệp kêu ca kêu khổ mỗi khi thu mua tạm trữ”, ông Bảnh nói./.

(Theo: Quốc Dũng/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất