Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 24/5/2012 21:53'(GMT+7)

Tăng chi cho an sinh xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Sẽ có tăng chi cho an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Sẽ có tăng chi cho an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Vĩnh Phúc) cho rằng: Một số vấn đề về giá đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nhưng khó kiểm soát, hay nói cách khác là Chính phủ kiểm soát không hiệu quả. Như giá xăng dầu, tăng cao giảm ít, giá thuốc, các loại phí… đều tăng vào thời điểm chưa thích hợp. Phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm của việc điều hành. Đồng thời, khi bàn đến việc thu các loại phí phải cân nhắc kỹ, kể cả việc phát biểu, tránh ảnh hưởng đến xã hội.

Theo Đại biểu quốc hội Đinh Thị Phương Khanh, đoàn Long An: Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4% khiến cho mục tiêu cả năm đạt 6-6,5% đang gặp những thách thức thật sự.

Quốc hội và Chính phủ cần có hệ thống giải pháp hiệu quả để xử lý tốt mặt trái của chính sách tiền tệ. Vì khi chúng ta thắt chặt tài chính (đương nhiên chúng ta phải làm) nhưng dứt khoát xảy ra những vấn đề mặt trái như: vốn ít, lãi suất cao, chi phí cao, tồn kho cao... làm cho sản xuất đình trệ, việc làm mất đi và có khả năng lạm phát càng cao thì đình trệ càng lớn. Chúng ta phải có những giải pháp để hỗ trợ, giải quyết ngay. Trong khi đó, đại diện của đoàn Tuyên Quang cho rằng các ngân hàng hiện nay cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Với tình hình hiện nay phải hạ lãi suất nhanh hơn vì lạm phát đang hạ rất nhanh. Giảm như hiện nay là hơi chậm. Hạ lãi suất nhanh hay chậm thì căn cứ vào lạm phát. Nếu so sánh như bây giờ thì lãi suất là 12%, còn lạm phát chỉ 10% như vậy lãi suất là thực dương rồi. Những tháng tiếp theo, dự báo lạm phát chỉ còn 7-8% thì lãi suất 12% là lãi suất thực dương rất cao.

Về tình hình thu ngân sách năm 2010, đại biểu Trần Đình Long (Đắc Nông) cho rằng, vẫn còn những điều chưa ổn, chưa sát với thực tế. Những hạn chế trong thu, chi ngân sách hiện nay bắt nguồn từ căn nguyên: thứ nhất là đầu tư dàn trải; thứ hai là thất thoát nhiều ở thất thu thuế, tham nhũng, lãng phí; thứ ba là hiệu quả thấp; thứ tư là giải ngân chậm.

Cần sớm có kế hoạch tạo nguồn thu mới, cơ cấu lại nguồn thu, chi ngân sách cho bền vững và công bằng, hợp lý hơn. Cần xác định rõ hơn tiêu chí về thứ tự ưu tiên, bởi nếu diện ưu tiên quá rộng, khó tránh khỏi đầu tư dàn trải trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp. Trường hợp dự án dở dang chưa thể làm tiếp, cần chọn điểm dừng thi công thích hợp, tiện cho việc nghiệm thu, thanh toán, hạn chế chi phí phát sinh và khó khăn đối với dân cư trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông. Tạo điều kiện cho các địa phương nghèo hoàn thiện về kết cấu hạ tầng thiết yếu, đề nghị sớm ban hành tiêu chí cắt giảm đình hoãn các dự án đầu tư công và có hướng dẫn cụ thể, kịp thời; đặc biệt cần có tiêu chí đặc thù đối với các địa phương còn khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa để có điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu Phạm Thị Loan lại tỏ ra lo ngại khi chi thường xuyên tăng cao và đề nghị sử dụng số vượt thu để giảm bội chi.

Còn đại biểu Phương Khanh (Long An) đề nghị điều hành ngân sách năm 2012 cần xây dựng sát với thực tế để con số thực hiện và con số dự toán không chênh lệch nhau nhiều, đồng thời, trong xây dựng ngân sách cũng cần minh bạch ngay từ tiêu chí trong các khoản chi, sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất cần tập trung cho các công trình sắp hoàn thành, các khu vực biên giới, hải đảo, hộ nghèo.

Trước những ý kiến phân tích của cac đại biểu, đại biểu Vương Đình Huệ (Bộ trưởng Bộ Tài chính) cho biết: sẽ có tăng chi cho an sinh xã hội. Nhấn mạnh việc điều hành ngân sách chúng ta vừa có nghị quyết 13 trên cơ sở đánh giá thực trạng sản xuất kinh doanh quý 1 và tháng 4, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 dự kiến tăng trưởng ở mức 9%. Với mục tiêu Chính phủ dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ 6-6,5%, việc xây dựng dự toán NSNN năm 2012 đã được triển khai một cách tích cực.
Bố trí dự toán chi NSNN năm 2012 theo nguyên tắc: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NSNN theo hướng ưu tiên đầu tư cho con người, ưu tiên cho cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Thứ hai, phân bổ chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, tập trung, chống dàn trải, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành. Thứ ba, bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia hợp lý để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Thứ tư, dự toán chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia với mức tăng tương ứng hoặc cao hơn tốc độ tăng chi chung của các lĩnh vực chi. Cân đối thu chi ngân sách, hướng tới tất cả thu ngân sách vào còn tất cả các khoản chi phải lập dự toán phân bổ theo đúng nhu cầu, đầu tư. Trái phiếu chính phủ mỗi năm 45.000 tỷ đồng, 5 năm 225.000 tỷ đồng.

Nguyên Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất