(TG) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Hội Truyền nhiễm Việt Nam tiếp
tục phối hợp với cơ quan truyền thông cần tăng cường các biện pháp
truyền thông về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh
viêm gan C, giúp cho nhiều bệnh nhân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe và hạn chế tới mức thấp nhất các biến chứng của bệnh.
Ngày 28/7/2015, tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối
hợp với Hội Truyền nhiễm Việt Nam tổ phát Lễ phát động Tháng hành động
hưởng ứng Ngày viêm gan thế giới 28/7/2015 với chủ đề “Phòng ngừa bệnh
viêm gan: tất cả tùy thuộc vào bạn!”.
Tham dự buổi Lễ có PGS.TS. Nguyễn
Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh
viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; đại diện một số vụ, cục, đơn vị trực
thuộc Bộ Y tế; Ban giám đốc Bệnh viện; đại diện các trưởng, phó khoa
phòng của Bệnh viện.
Trong bối cảnh gánh nặng bệnh gan do vi rút
viêm gan ngày càng trở nên nặng nề, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các
quốc gia và các đối tác phát triển xây dựng chiến lược hiệu quả với mục
tiêu đối phó với các thách thức của bệnh gan và nâng cao nhận thức của
người dân về căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy ngày 28/7 hàng
năm là “Ngày viêm gan thế giới” và lần đầu tiên được tổ chức vào năm
2011. Năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành Khung chương trình
hành động toàn cầu về Phòng chống nhiễm vi rút viêm gan với tầm nhìn
không còn lây truyền viêm gan vi rút trên thế giới và tất cả bệnh nhân
đều được tiếp cận về chăm sóc, điều trị an toàn, hiệu quả. 4 năm qua,
Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực hưởng ứng ngày này.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, theo Tổ chức y tế Thế giới, Việt Nam
là một trong những quốc gia ở khu vực tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm
vi rút viêm gan cao. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B từ 15% - 20% dân số,
nhiễm vi rút viêm gan C từ 2% - 6%. Nhiều trường hợp tử vong vì xơ gan
và ung thư gan có liên quan đến viêm gan B và C. Tuy nhiên, đối với viêm
gan B, nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng nên con số mắc mới đã
giảm. Viêm gan siêu vi C được ví như "sát thủ thầm lặng", bởi ngoài yếu
tố dễ nhiễm cao tại cộng đồng qua đường máu và dịch tiết, hầu hết các
trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C không có biểu hiện, triệu trứng trong
giai đoạn đầu, cho đến khi bùng phát hoặc gây biến chứng như xơ gan,
hay ung thư gan thì người bệnh mới biết. Để hạn chế, tránh lây nhiễm
trong cộng đồng, mỗi người dân nên tự đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi
mắc bệnh nên điều trị sớm, tránh để lại những hậu quả nặng nề. Nhân dịp
này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ tổ chức khám, tư vấn, xét
nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan C miễn phí cho 1.000 người tại Khoa Khám
bệnh của Bệnh viện.
Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng
Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Hiện nay, bên cạnh các bệnh không lây nhiễm
có chiều hướng gia tăng thì các bệnh lây nhiễm cũng đang diễn biến phức
tạp, trong số đó có bệnh viêm gan do vi rút viêm gan C. Theo thống kê,
hiện nay trên thế giới có khoảng 185 triệu người nhiễm vi rút viêm gan
C, mỗi năm có 350.000 trường hợp tử vong do viêm gan C. Tại Việt Nam,
theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 4-5 triệu người nhiễm vi rút viêm
gan C (chiếm khoảng 6% dân số). Tuy nhiên, bệnh viêm gan C hoàn toàn có
thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời,
đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành”.
Thứ trưởng đề nghị,
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Hội Truyền nhiễm Việt Nam tiếp
tục phối hợp với cơ quan truyền thông cần tăng cường các biện pháp
truyền thông về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh
viêm gan C, giúp cho nhiều bệnh nhân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức
khỏe và hạn chế tới mức thấp nhất các biến chứng của bệnh./.
TG