Hiệu quả rõ rệt trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những khuyết điểm, vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng
Trong thời gian qua, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy đã chủ động trong công tác tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác kiểm tra, giám sát, tạo sự chuyển biến rõ rệt về hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bộ tỉnh. Theo đó, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tập thể cấp ủy, cán bộ, đảng viên, kết quả đạt được cụ thể ở một số nội dung sau:
(1) Cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh triển khai và thực hiện nghiêm túc các kết luận kiểm tra, giám sát; quyết liệt chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, chấp hành và báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện theo yêu cầu tại các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan cấp trên.
(2) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và nhận diện cụ thể mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với một số cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu; kịp thời xem xét, xử lý nghiêm minh theo quy định của Điều lệ Đảng.
(3) Chủ động trong việc xác định những nội dung trọng tâm, những lĩnh vực trọng điểm cần tập trung kiểm tra, giám sát. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
(4) Lãnh đạo, chỉ đạo siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nhất là việc chấp hành và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng; chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát ngày càng được nâng lên, kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung kiểm tra đối với tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp và cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở; xem xét, đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng quy định đối với các tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm.
Có thể khẳng định rằng, công tác kiểm tra, giám sát kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã có tác dụng và hiệu quả rõ rệt trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những khuyết điểm, vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đã làm thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trong việc chấp hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, sau kiểm tra đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ cấp ủy, chính quyền đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt qua kết quả công tác kiểm tra, giám sát đã tạo được sự ủng hộ, đồng thuận và củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch vững mạnh.
4 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được nêu trên; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng còn có những mặt hạn chế, thậm chí là khuyết điểm cần khắc phục, đó là: Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở một số ít cấp ủy, tổ chức đảng còn chưa thực sự đúng với tầm quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Một số khuyết điểm, sai phạm tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện và khắc phục. Việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả của một số cuộc kiểm tra còn thấp. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng, giải quyết tố cáo một số vụ việc còn chậm so với thời gian quy định, còn tình trạng tái tố và đơn thư tố cáo, khiếu nại kéo dài. Công tác nắm bắt tình hình địa bàn còn nhiều hạn chế, dẫn đến thiếu chủ động trong công tác tham mưu chỉ đạo giải quyết một số vụ việc phức tạp phát sinh ở cơ sở. Việc thực hiện quy chế phối hợp đạt hiệu quả chưa cao. Công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các thông báo kết luận sau các cuộc kiểm tra, giám sát chưa được chú trọng.
Phát huy những thành tích và kết quả đạt được; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác kiểm tra, giám sát, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; quán triệt và nắm vững quan điểm của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, Cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh quyết liệt, chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, với quan điểm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, xem xét xử lý kỷ luật “công minh, chính xác, kịp thời”, công khai kết quả xử lý. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng bộ để phục vụ có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ ba, UBKT các cấp bám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, tình hình hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên thuộc Đảng bộ cấp mình, phối hợp với các Ban Xây dựng Đảng để tham mưu giúp cấp ủy xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm; trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chủ động tham mưu giúp cấp ủy xác định các nội dung trọng tâm, những lĩnh vực trọng điểm của công tác kiểm tra, giám sát, nhất là ở những lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Thứ tư, UBKT các cấp tăng cường công tác tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cấp uỷ viên, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, quản lý đất đai, tài chính, ngân sách... Giải quyết dứt điểm, kịp thời đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, xử lý đúng trách nhiệm người đứng đầu, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Nam Hải