Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Ngày 15/4, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” đồng loạt được triển khai tại các địa phương trên phạm vi toàn quốc với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.
Hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, đến nay nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức phát động và triển khai nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017 như: Hải Dương, Hà Nam, Trà Vinh, thành phố Hà Nội… Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã tổ chức Đoàn giám sát, hỗ trợ công tác an toàn thực phẩm tại 10 xã vùng cao thuộc các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa (Lào Cai). Đây hầu hết là các xã vùng cao, giáp biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (người Hà Nhì, Mông, Dao)… nên nhận thức về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm còn chưa cao. Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn về an toàn thực phẩm cho Trạm Y tế xã; giám sát việc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn đông người (đám hiếu, đám hỷ, lễ hội,…) của các hộ gia đình với UBND xã. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hoạt động chuyên môn về an toàn thực phẩm cho Trạm Y tế xã, Đoàn công tác cũng đã tiến hành lấy mẫu giám sát nguy cơ đối với rượu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn các xã, đặc biệt là tại các xã vùng cao giáp biên.
Tại Hà Nam, dịp này, công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm được đặc biệt chú trọng, kịp thời công khai các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành được tăng cường, đặc biệt là các hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập 134 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra được gần 1.500 cơ sở. Kết quả có 975 cơ sở đạt; 518 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, 72 cơ sở bị phạt với số tiền hơn 148 triệu đồng...
Dịp này, 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập tiến hành thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận và Phú Yên.
Bên cạnh 6 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương sẽ giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.
Theo Cục An toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” tập trung giải quyết căn bản những bức xúc nổi cộm về sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản), trọng tâm giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản. Đồng thời, Tháng hành động cũng nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi, sống (rau, thịt, thủy sản); giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng.
Các đoàn thanh tra liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản; kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề.
Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Tháng hành động năm 2017 kéo dài từ 15/4-15/5 là đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng an toàn thực phẩm và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói chung và do sử dụng rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng…/.
Thu Phương/TTXVN