(TG)- Thời gian qua, công tác đốc thu, thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được Ngành BHXH tỉnh An Giang nỗ lực triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của BHXH Việt Nam giao, An Giang cần phải phấn đấu thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc đôn đốc thu, thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Công tác thu, thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đặc thù kinh tế của An Giang là nông nghiệp với thế mạnh là 2 mặt hàng lúa và cá, 06 tháng đầu năm thị trường, giá cả của 02 mặt hàng trên tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chế biến thủy sản thu hẹp sản xuất dẫn đến lao động giảm mạnh, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn tiếp tục tăng, một số doanh nghiệp khó khăn dừng hoạt động, chờ làm thủ tục phá sản, chuyển đổi sở hữu,… dẫn đến nợ BHXH, BHYT không có khả năng thanh toán.
BHXH đã tiến hành khởi kiện 33 doanh nghiệp, đã có kết luận của Tòa án, nhưng đến nay vẫn chưa thi hành án được, dẫn đến tình trạng số nợ ngày càng tăng với tổng nợ trên 11 tỷ đồng.
Đến nay, số nợ của 93 doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, mất tích, tự giải thể phá sản với số tiền 15.900 triệu đồng vẫn chưa xử lý được.
Thực hiện quy định của Luật BHXH năm 2014, Liên đoàn lao động tỉnh chưa khởi kiện được các doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nguyên nhân là không có ủy quyền của Công đoàn cơ sở (Công đoàn của doanh nghiệp).
Tính đến 30/6/2017, tổng thu BHXH, BHYT của An Giang là 1.110.665 triệu đạt 44,27% kế hoạch được giao. Số tiền nợ của các đơn vị sử dụng lao động là 88.182 triệu chiếm 3,37% kế hoạch thu, trong đó: Nợ chậm đóng (dưới 1 tháng) là 12.106 triệu đồng, chiếm 13,73% so với tổng nợ; nợ đọng (từ 1 đến 3 tháng): 47.720 triệu đồng, chiếm 54,12 % so với tổng nợ; nợ kéo dài (trên 3 tháng): 28.356 triệu đồng, chiếm 32,16% so với tổng nợ, trong đó có 11.029 triệu của 33 đơn vị đã khởi kiện ra tòa nhưng không thi hành án được.
BHXH tỉnh An Giang đã chủ động, tích cực đồng bộ triển khai các giải pháp thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT. Ngoài các giải pháp như cử cán bộ đối chiếu, đốc thu, lập biên bản xác nhận nợ và yêu cầu cam kết trả nợ BHXH, BHYT; gửi văn bản nhắc nhở các đơn vị thực hiện đúng cam kết theo lộ trình trả nợ,… định kỳ hằng tháng, BHXH tỉnh, huyện thực hiện gửi báo cáo danh sách nợ cho Thường trực UBND tỉnh, huyện; trong đó nợ trên 03 tháng (khối doanh nghiệp) gửi cho ngành LĐTB&XH; nợ trên 01 tháng (khối hành chính sự nghiệp) gửi Ngành Tài chính và Kho bạc đề nghị các ngành và Thường trực UBND hỗ trợ công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT tại địa phương.
Lãnh đạo BHXH tỉnh, Giám đốc BHXH cấp huyện chủ động, bám sát Ngành Tài chính, Ngành LĐTB&XH để thanh toán kịp thời các nguồn ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT. Ngân sách địa phương đã chuyển dứt điểm tiền 06 tháng đầu năm.
BHXH tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Thanh tra ngành LĐTB&XH tổ chức thanh tra chuyên đề về nợ BHXH (06 tháng đầu năm đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 02 đợt tại 57 đơn vị sử dụng lao động, kết quả thu hồi về quỹ được 4.818 triệu đồng); phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh lập hồ sơ khởi kiện ra tòa, 06 tháng đầu năm đã ung cấp hồ sơ 15 đơn vị cho Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện với số tiền nợ 2.876 triệu.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH, BHYT theo kế hoạch, giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHXH An Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 2% vào cuối năm.
Để thực hiện mục tiêu này, An Giang tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai các giải pháp thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT như: Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành liên quan hỗ trợ ngành BHXH trong công tác thu hồi nợ đọng tại các đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là xử lý tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng trước ngày 31/12, không để nợ sang năm sau; chủ động, phối hợp với các cơ quan quản lý tiếp tục thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên kéo dài từ 3 tháng trở lên; kiên quyết xử lý những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; tiếp tục thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ trên 03 tháng; tiếp tục phối hợp hệ thống ngân hàng (BIDV, Vietinbank...) đã ký thỏa thuận về việc thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khi cho đơn vị vay để trả lương cho người lao động hoặc cho vay theo gói thầu có trả lương cho người lao động thì phải bắt buộc kèm theo tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phần trách nhiệm phải đóng của đơn vị, đồng thời trích tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động chuyển cho cơ quan BHXH./.
PV