Thứ Hai, 30/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 15/12/2011 21:10'(GMT+7)

Tăng cường sự tiếp cận bình đẳng của công dân đối với các dịch vụ an sinh xã hội

 Khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý nhấn mạnh: thiết lập một hệ thống an sinh xã hội phù hợp và mang lại cơ hội cho tất cả người dân là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các quốc gia. Tuy nhiên, thế nào là một hệ thống an sinh xã hội lý tưởng vẫn còn là câu hỏi lớn đối với tất cả các quốc gia. Thực tế cho thấy khả năng tiếp cận hạn chế của người dân đối với các dịch vụ an sinh xã hội đang là một vấn đề chung của nhiều nước. GS.TS Lê Hồng Hạnh đánh giá hệ thống an sinh xã hội nước ta vẫn còn nhiều bất cập như mức độ bao phủ còn thấp, nhu cầu cơ bản của một bộ phận dân cư khó khăn chưa được đảm bảo kịp thời, trợ cấp xã hội chưa đầy đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhiều đối tượng, năng lực tự đảm bảo an sinh xã hội của người dân thấp và nhiều vấn đề khác đã và đang phát sinh...


Trao đổi tại hội thảo, TS Lưu Bình Nhưỡng (Bộ Tư pháp) cho rằng phát triển dịch vụ an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng với sự phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập và nền kinh tế thị trường, những vấn đề xã hội càng được quan tâm để bảo đảm sự cân bằng, bình đẳng và chất lượng cuộc sống giữa các tầng lớp dân cư. Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, việc phát triển các dịch vụ an sinh xã hội phải được thực hiện trên cơ sở các định hướng cơ bản: thể chế hóa toàn diện quan điểm, đường lối của Đảng về an sinh xã hội; hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý về an sinh xã hội; xã hội hóa công tác an sinh xã hội; nâng cao chất lượng các dịch vụ an sinh xã hội. TS Lưu Bình Nhưỡng đánh giá các dịch vụ an sinh xã hội hiện nay đã bước đầu giải quyết được một số nhu cầu xã hội nhưng theo đánh giá chung chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chăm sóc người có công, trợ giúp xã hội... còn ở mức độ chưa cao. Vì vậy, một mặt cần thực hiện các giải pháp xây dựng, hoàn thiện pháp luật, xã hội hóa..., đồng thời cần tìm các giải pháp cải tiến, đổi mới các dịch vụ cũ, tìm ra các cách thức mới để các dịch vụ an sinh xã hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của người dân.

TS Võ Đình Toàn (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý) khẳng định: chế độ an sinh xã hội của nước ta là chế độ an sinh xã hội được tạo lập trên cơ sở nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên cần phải giải quyết một cách hợp lý quan hệ giữa quy luật kinh tế thị trường với vai trò định hướng của Nhà nước. Trong lĩnh vực an sinh xã hội cần giải quyết các vấn đề: tôn trọng quy luật chung của chế độ an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường; thực hiện bảo hiểm như một nghĩa vụ đối với người dân; xác định ranh giới quản lý nhà nước và xã hội hóa an sinh xã hội.


Bàn về các rào cản trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội, TS Bùi Xuân Dự đánh giá có 3 nhóm chính: nhóm liên quan đến nội dung chính sách và các quy định, hướng dẫn thực hiện; nhóm rào cản hệ thống cung cấp dịch vụ và nhóm các trở ngại khác (yếu tố cá nhân của người hưởng và cảm nhận chất lượng dịch vụ được cung cấp). TS Bùi Xuân Dự đề xuất 3 nhóm giải pháp để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội cho người dân gồm: giải pháp về thiết kế chính sách; giải pháp về nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ an sinh xã hội và cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức để người dân nhận biết và chủ động tiếp cận dịch vụ.../.


QH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất