ĐẢNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN - NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Một là, lý luận về Nhà nước pháp quyền XHXN Việt Nam không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.
Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng chính thức sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” và nêu cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền. Theo đó, tư tưởng về nhà nước pháp quyền có bước phát triển rõ nét và toàn diện; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền trở thành chủ trương chiến lược, bao trùm toàn bộ tổ chức, hoạt động của Nhà nước, trở thành định hướng cho toàn bộ quá trình và nội dung đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước.
Văn kiện Đại hội VIII và các Hội nghị Trung ương khóa VIII của Đảng về cơ bản cũng nêu những nội dung như Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã xác định, trong đó có 5 quan điểm và các nhiệm vụ xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, phần nội dung nhiệm vụ được cụ thể hóa hơn.
Đại hội IX và Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng làm sâu sắc thêm nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đặc biệt, tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.
Như vậy, từ nhận thức lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta về bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, đồng thời thống nhất chặt chẽ với tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc.
Hai là, Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy của Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Ba là, Đảng lãnh đạo xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Các cơ quan nhà nước cấp trên theo chiều dọc đều có quyền giám sát, kiểm tra các cơ quan nhà nước cấp dưới; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chung đều có quyền kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền riêng; các cơ quan tư pháp ở các mức độ khác nhau đều tham gia kiểm tra việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Bốn là, Đảng lãnh đạo bảo đảm vai trò của Hiến pháp và hệ thống pháp luật.
Hiến pháp giữ vị trí tối thượng trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội; mọi văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp và không được trái với Hiến pháp. Nhận thức được vị trí và vai trò quan trọng của Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, trên cơ sở kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, đồng thời thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Hiến pháp năm 2013). Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị.
Cùng với hoạt động lập hiến, Nhà nước ta đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khung pháp lý cho sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu và các hình thức sở hữu, địa vị pháp lý của các doanh nghiệp, thương gia, quyền tự do kinh doanh và tự do hợp đồng, các cơ chế khuyến khích và bảo đảm đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội đã từng bước được xác lập. Hệ thống pháp luật đã cơ bản được hoàn thiện cả về nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Việc thi hành Hiến pháp và các đạo luật được bảo đảm bởi Nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Nghĩa vụ tôn trọng và tuân theo Hiến pháp, pháp luật không loại trừ đối với bất cứ ai. Hành vi vi phạm pháp luật bị phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm pháp chế XHCN.
Năm là, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước không ngừng được đổi mới.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước đã có những bước tiến nhất định. Các nghị quyết của Đảng đã từng bước làm rõ những phương hướng cơ bản mối quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trên các lĩnh vực. Chất lượng lãnh đạo của Đảng được nâng cao hơn, tình trạng tổ chức Đảng bao biện làm thay Nhà nước đã có bước giảm đáng kể, việc dân chủ hoá phương thức lãnh đạo của Đảng có bước tiến quan trọng, trong khi vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững và tăng cường thì vai trò của Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể ngày càng được phát huy. Nhờ vậy, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện ngày càng tốt hơn. Cụ thể như sau:
Đối với Quốc hội, sự lãnh đạo của Đảng thể hiện ở việc xây dựng đường lối chiến lược, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu làm cơ sở, định hướng để Quốc hội thảo luận, quyết định.
Đối với Chính phủ, Đảng đã có những sự đổi mới quan trọng về phương thức lãnh đạo để ngày càng phù hợp với vị trí và trách nhiệm của Đảng cầm quyền cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ là cơ quan công quyền, vừa không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của Chính phủ; giảm bớt tình trạng bao biện, làm thay, “lấn sân” giữa Đảng và Chính phủ. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Chính phủ thế hiện ở chỗ: Đảng chỉ quyết định những vấn đề về quan điểm, tư tưởng, chủ trương lớn để chỉ đạo, định hướng cho Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật. Đảng không quyết định những chủ trương cụ thể thuộc phạm vi quản lỷ của Chính phủ, không làm thay chính quyển.
Đối với Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Đảng đã có chủ trương cải cách tư pháp. Thực hiện chủ trương này, nhiều quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đã được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Đảng lãnh đạo ngành Tòa án nhưng tôn trọng tính độc lập trong xét xử của Tòa án. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 103 Hiến pháp năm 2013). Tình trạng cấp ủy can thiệp vào công tác xét xử của Tòa án đã giảm nhiều.
Sáu là, Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trải qua quá trình phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức đã từng bước trưởng thành, công tác quản lý đã dần đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ sở pháp lý cho công tác cán bộ, công chức ngày càng đầy đủ và hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được chuẩn hóa, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và đã mang lại những kết quả nhất định. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, quan điểm lập trường đúng đắn, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Hoạt động công vụ, đội ngũ cán bộ, công chức đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho việc hội nhập sâu, rộng trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (từ ngày 18/9 đến 20/9/2024), cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam.
ĐẢNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN - MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Đảng lãnh đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Một số nội dung về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước còn chuyển biến chậm. Việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước còn nhiều điểm chưa rõ. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện một bước tiến bộ khi chỉ ra các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, song cách hiểu về nội hàm các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa đạt được sự thống nhất cao. Quốc hội mặc dù hoạt động ngày càng dân chủ và hiệu quả hơn nhưng kết quả trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước chưa đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước trên một số lĩnh vực chưa rõ; phân định chức năng, thẩm quyền quản lý, điều hành giữa Chính phủ (tập thể Chính phủ) và Thủ tướng chưa thật rõ ràng, rành mạch. Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hoạt động thiếu nhịp nhàng, thông suốt...
Đảng lãnh đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật có mặt chưa theo kịp tình hình thực tiễn.
Về hệ thống pháp luật, mặc dù quá trình đổi mới đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng có thể thấy rằng, hệ thống pháp luật của nước ta vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước cũng như việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Mặc dù, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật mới, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật hiện hành, song hệ thống pháp luật của ta vẫn chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, vẫn còn có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn. Một số luật được ban hành nhưng chất lượng chưa cao, chưa sát với cuộc sống, tính khả thi thấp, phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Một số luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể nên khi có hiệu lực chưa được thi hành ngay mà phải chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn, trong khi đó các văn bản loại này nhiều khi lại không được ban hành kịp thời nên pháp luật chậm đi vào cuộc sống và không tránh khỏi có những cách hiểu, cách làm khác nhau, dẫn đến sơ hở, lợi dụng trong việc thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong một số vấn đề còn chậm được khẳng định hoặc thiếu nhất quán nên cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác thể chế hóa thành pháp luật.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân còn chậm.
Phương thức lãnh đạo của một số cấp uỷ đảng còn chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, vừa có tình trạng buông lỏng và vừa có tình trạng bao biện, chồng chéo nên chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực điều hành của bộ máy nhà nước…
Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước có mặt còn hạn chế.
Chất lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thực thi chức năng, nhiệm vụ theo vị trí việc làm; năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu, kỹ năng hành chính của cán bộ, công chức thấp. Công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức chậm thay đổi. Văn hóa công sở, giao tiếp hành chính trong công sở và thái độ, ứng xử của một bộ phận công chức chưa đạt yêu cầu trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Một bộ phận công chức bị sa sút về phẩm chất đạo đức, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân...
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024.
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN GIAI ĐOẠN MỚI
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ, thể chế hóa kịp thời và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Nghị quyết số 18-NQ/TW); Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW) và các kết luận về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và các kết luận, nghị quyết về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện chính sách tiền lương. Chú trọng quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. Đồng thời, tập trung lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó, ý thức và lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là tư tưởng chủ đạo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung phù hợp về Hiến pháp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩaXHCN Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống giáo dục quốc dân để xây dựng ý thức pháp quyền và ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những nội dung về Nhà nước và pháp luật; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nói riêng để hình thành lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; xây dựng ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong đời sống Nhà nước và xã hội.
Thứ ba, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các chuẩn mực nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước và pháp luật, về xây dựng đội ngũ cán bộ, về bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao Giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả tại Lễ tổng kết và trao giải "Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương", ngày 1/10/2024.
Thứ tư, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong toàn hệ thống chính trị, trọng tâm là quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị: Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” và tới đây là quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; các luật về tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân để tạo sự đồng thuận xã hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình…
Thứ năm, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài; sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân. Thực hiện nghiêm, nhất quán Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm để các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để và thống nhất trong phạm vi cả nước, mọi hành vi vi phạm đều được phát hiện kịp thời, được xử lý nghiêm minh.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng bảo đảm khoa học, thực tiễn, hệ thống, chặt chẽ; quy định về việc tổ chức thực hiện và sơ kết, tổng kết chủ trương, đường lối của Đảng. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, cách thức tổ chức hội nghị của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp. Đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, hình thức linh hoạt, phù hợp, tăng cường hội nghị chuyên đề trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị từ đến địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở. Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, báo cáo trong Đảng, bảo đảm nhanh, chính xác, kịp thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin./.
ThS. VŨ VĂN KHIÊN - LÊ QUANG ĐẠT
Học viện Tài chính