XÂY DỰNG VĂN HÓA Ở CỘNG ĐỒNG CÁC KHU DÂN CƯ MỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY
Xây dựng văn hóa ở cộng đồng khu dân cư đô thị hiện đại được tiếp cận ở nhiều phạm vi khác nhau, mối cách tiếp cận phụ thuộc vào các quan điểm và lĩnh vực mà nhà nghiên cứu những định nghĩa nội hàm logic riêng khi hình thành các khái niệm. Vì vậy, trong nội dung của bài viết này, xây dựng văn hóa ở cộng đồng là những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình sống bởi sự tương tác lẫn nhau giữa con người với con người, con người với xã hội trong một không gian được giới hạn bởi phạm vi nhất định sinh sống của con người với tự nhiên. Những giá trị đó được các thành viên trong cộng đồng lựa chọn, thừa nhận và cùng nhau chia sẻ trong quá trình chung sống lâu dài với nhau. Ở đây cần hiểu rằng, văn hóa ở cộng đồng không phải là một tổng của các phép cộng các yếu tố văn hóa cá nhân riêng lẻ trong cộng đồng mà nó là tổng thể sống động những hoạt động chung về giá trị vật chất và tinh thần của toàn thể công đồng, được tất cả thành viên thừa nhận, tôn trọng và cùng nhau tự nguyện chia sẻ thực hiện trong quá trình sinh sống hàng ngày.
Sự đan xen và hòa trộn nguồn gốc xuất thân của các thành viên trong các khu dân cư hiện đại hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, quê hương, và cả nhu cầu cá nhân khác nhau mang đến trong cùng một khu vực sinh sống trải qua các giai đoạn khác nhau tiến tới sự hòa nhập và phát triển tạo nên lối sống mới ở khu đô thị. Đó là một quá trình mà mỗi thành viên trong cộng đồng thực hiện nếp sống mới theo những quy tắc, quy định của cộng đồng gắn với sự phát triển của đô thị.
Văn hóa cộng đồng ở khu dân cư đô thị hiện đại có vai trò quan trọng trong việc hình thành và củng cố những giá trị văn hóa của toàn thể dân cư. Thông qua văn hóa ở cộng đồng có tác dụng góp phần vào việc điều chỉnh hành vi, nếp sống của mỗi cá nhân trong cộng đồng tiến tới sự tôn trọng lẫn nhau như là một bản sắc riêng trong tính đa dạng tổng thể.
|
Tốc độ đô thị hóa gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh làm gia tăng sự hình thành các khu dân cư, khu đô thị mới hiện đại theo quy mô khác nhau dẫn đến sự hình thành các văn hóa ở cộng đồng cư dân khu dân cư, đô thị khác nhau góp phần vào sự phát triển chung của đô thị. Qua đó, việc xây dựng văn hóa ở cộng đồng đã tác động nhằm tái cấu trúc lại các cộng đồng trong những khu dân cư, đô thị mới. Mỗi thành viên khi đến và sinh sống trong khu đô thị, khu dân cư mới đều nhận thức được vai trò và vị trí của cá nhân là một phần trong tổng thể của khu quần cư mới và xác lập trách nhiệm mong muốn đóng góp chung sức vào cho cộng đồng. Do đó, văn hóa cộng đồng đã hình thành một mạng lưới gắn kết từng thành viên sinh sống trong cộng đồng bởi những giá trị lợi ích vật chất và tinh thần mà cá nhân thụ hưởng, thúc đẩy sự hiểu biết cùng chia sẻ và chung sống một cách có trách nhiệm.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Bên cạnh đó, chính những thiết kế nhằm thụ hưởng các điều kiện sống trong không gian của khu dân cư, đô thị hiện đại mới hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ tác động đến nhận thức và hình thành những nếp sống mới, ý thức chung trong các hoạt động liên quan đến cộng đồng cư dân khi chung sống. Những quy định mang tính chất nội bộ của cộng đồng cư dân đòi hỏi mỗi thành viên trong đó phải tuân thủ và thực hiện chính là một trong những tác nhân quan trọng góp phần hình thành nên ý thức chung của cộng đồng. Đồng thời, những yếu tố không phù hợp với những quy định chung có tính chất trái với lối sống của cộng đồng sẽ dần bị loại bỏ, hình thành một trật tự, nếp sống, kỷ cương mới, hiện đại mà tất cả thành viên khác trong đó phải tuân thủ nhằm hài hòa giữa tính cộng đồng và tính cá nhân, giữa chủ thể và khách thể. Qua đó cho thấy, xây dựng văn hóa ở cộng đồng là một tác nhân quan trọng nhằm thúc đẩy mỗi cá nhân trong cộng đồng phải điều chỉnh nhận thức và hành vi theo hướng phù hợp với một đô thị hiện đại, vượt qua khỏi sự tự ti vốn dĩ trong tập thể cộng đồng bởi các mối quan hệ mang tính gia đình, dòng họ như ở địa bàn khu vực nông thôn trước đây hay trong tâm thức vốn có của người dân Việt mang đậm yếu tố văn hóa nông nghiệp.
Mặt khác, bản thân quá trình xây dựng văn hóa ở cộng đồng các khu dân cư đô thị hiện đại hiện nay luôn biểu hiện tính năng động, cởi mở và thân thiện với các chủ thể bên trong và những khách thể bên ngoài. Trước hết, cộng đồng khu dân cư đô thị hiện đại là nơi biểu hiện các giá trị văn hóa của cá nhân, gia đình, gia tộc và địa phương của những thành viên đang sinh sống trong nó. Sau đó là một quá trình giao thoa và tiếp biến để khẳng định vai trò và vị trí của việc xây dựng văn hóa ở cộng đồng trong quá trình phát triển của khu dân cư gắn với sự vận động phát triển bên ngoài trong tổng thể thành phố Hồ Chí Minh gắn với các tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mô hình khu dân cư đô thị hiện đại được nhận diện qua nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có văn hóa cộng đồng của nơi đó. Xây dựng văn hóa ở cộng đồng hiện đại hướng sự mở rộng giao lưu và tiếp biến văn hóa với không gian cởi mở chứ không khép kín và biệt lập như văn hóa cộng đồng làng xã trong hoạt động sinh hoạt nông nghiệp nông thôn. Xây dựng văn hóa ở cộng đồng của khu đô thị mới hướng đến sự phát triển toàn diện, bền vững của đô thị hiện đại.
Văn hóa ở cộng đồng khu dân cư đô thị mới còn đáp ứng một yếu tố quan trọng của sự đổi mới, đa dạng hóa các nhu cầu văn hóa của chủ thể sinh sống trong cộng đồng. Quá trình hội nhập văn hóa gắn với quá trình hội nhập kinh tế nên khi xây dựng văn hóa ở cộng đồng không thể tồn tại độc lập, tách rời với thế giới bên ngoài mà phải có sự kết nối cùng với văn hóa thế giới bên ngoài thông qua sự giao lưu và tiếp biến văn hóa chính là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của văn hóa nói chung và xây dựng văn hóa ở cộng đồng nói riêng. |
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG XÂY DỰNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG CÁC KHU ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Một là, khả năng đáp ứng của các khu dân cư, đô thị mới ở thành phố Hồ Chí Minh với nhu cầu của cư dân về thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần của người dân.
Thực tế hiện nay, nhiều khu dân cư đô thị hiện đại ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng chưa thực sự “hiện đại” bởi sự chậm trễ trong quá trình thực hiện tiến độ của các dự án mà người dân đã dọn về sinh sống nhiều năm nhưng những tiện ích phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của cộng đồng chưa được đáp ứng, cụ thể như: dịch vụ về ăn uống, dịch vụ về giáo dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật…vui chơi, giải trí. Chính sự chậm trễ này tác động không nhỏ đến nhận thức và nếp sống, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân. Điều này buộc người dân phải di chuyển đến như khu vực khác để có thể thụ hưởng các giá trị văn hóa, giải trí…tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống giao thông, vận tải và rủi ro trong di chuyển. Đặc biệt, hệ thống cảnh quan, không gian xanh, điểm nhấn về kiến trúc và nghệ thuật ở các khu dân cư, đô thị mới còn thưa vắng và chưa đủ tạo ra một khoảng không có thể thu hút được sự thư giãn gắn với thiên nhiên của người dân với tư cách là những điểm sinh hoạt cộng đồng.
Hai là, vấn đề giữa năng lực nhận thức và hành vi theo nếp sống đô thị của các chủ thể với yêu cầu của lối sống hiện đại ở các khu đô thị mới thành phố Hồ Chí Minh.
Việc hình thành các khu dân cư, đô thị mới có xu hướng hiện đại hóa về cơ sở hạ tầng cùng với những tiện ích công cộng đã làm thay đổi không gian văn hóa vốn có trước đó có thể là những khu vực nông thôn hoặc đô thị hóa, điều này làm xuất hiện những chủ thể mới của văn hóa cộng đồng ở đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Điều này hoàn toàn khác biệt với văn hóa cộng đồng nông thôn làng xã ở các tỉnh khác. Đến đây có sự mẫu thuẫn giữa văn hóa nông nghiệp truyền thống vốn có từ trước ở các chủ thể nhập cư từ ngoại tỉnh với văn hóa cộng đồng hiện đại của các khu đô thị mới đang hình thành ở thành phố Hồ Chí Minh. Sự đan xen cùng tồn tại trong một cộng đồng giữa hai yếu tố văn hóa nông nghiệp làng xã “trọng tình” với văn hóa đô thị hiện đại “coi trọng và bắt buộc phải thượng tôn các quy định của pháp luật” tạo nên những mẫu thuẫn từ cả trong nhận thức, lối tư duy cho đến cách hành xử, sinh hoạt hàng ngày. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những ứng xử thiếu văn hóa, chưa văn minh giữa các chủ thể cùng tồn tại trong một cộng đồng văn hóa đang được xây dựng và phát triển giữa lòng đô thị hiện đại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời với những mâu thuẫn đó là việc thực hiện các quyền làm chủ của cộng đồng dân cư ở một số nơi chưa tôn trọng và bảo đảm tuân thủ theo đúng những quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng mẫu thuẫn gay gắt giữa cộng đồng cư dân với chủ đầu tư, giữa cư dân sinh sống với các ban quản trị, quản lý vận hành các cao ốc chung cư hoặc khu đô thị mới. Đó chính là những nhân tố “phi đô thị” mà hiện nay các khu dân cư đô thị hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh đang phải tiếp nhận những nhân tố này vào trong quá trình xây dựng văn hóa cộng đồng.
Cờ Tổ quốc được cư dân chung cư Conic, Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt treo nhân dịp Quốc khánh 2-9
Ba là, những mâu thuẫn giữa tính hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước với linh hoạt của văn hóa ở cộng đồng khu dân cư, đô thị hiện đại thành phố.
Hiện nay, dễ dàng nhận thấy việc xuất hiện những “khoảng trống” trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, cơ sở với các khu dân cư đô thị hiện đại với yếu tố “khép kín” của nó bởi các lớp bảo đảm an ninh trật tự an toàn của cộng đồng cư dân lập ra (các chốt bảo vệ; cửa thông minh, thang máy bằng thẻ từ, vân tay; …). Thực tế đặt ra là hiện nay phần lớn các cơ quan chính quyền đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn trong quá trình chuyển đổi từ quản lý địa bàn theo lãnh thổ sang chính quyền đô thị. Một số cao ốc chung cư có dân số tương đương ngang với một phường, hoặc có khu dân cư, đô thị nằm trải rộng trên một địa bàn có nhiều đơn vị hành chính (nhiều phường). Việc phối hợp các chủ thể quản lý để giải quyết một vấn đề theo địa giới hành chính thuộc nhiều phường sẽ có sự phức tạp nhất định, thậm chí là sự không thống nhất khi giải quyết một việc giống nhau. Điều này đòi hỏi một cơ chế phối hợp tốt để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của khu đô thị mới. Trong khi đó, hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, cơ sở mới chỉ dừng lại ở quản lý về con người, cư trú, nhân - hộ khẩu. Một khu đô thị hiện đại xây dựng văn hóa ở cộng đồng gắn với rất nhiều các yếu tố kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, giao thông, giải trí, thể thảo, nghệ thuật, không gian xanh… Tư duy quản lý hành chính của chính quyền cơ sở cần phải được thay đổi dựa trên nhận thức về việc quản lý theo yếu tố văn hóa ở cộng đồng cư dân trong khu đô thị đó.
Bốn là, sự thiếu vắng sự tham gia của những người trẻ trong xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng tại các khu dân cư đô thị hiện đại
Phần lớn nhóm người tuổi trẻ đang trong độ tuổi lao động nên việc tham gia vào quá trình xây dựng văn hóa ở cộng đồng của họ còn nhiều hạn chế. Những cư dân trẻ tuổi ít có những hoạt động tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là sự tập trung vào công việc và tham gia sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị là chủ yếu nên những đóng góp cho khu dân cư chưa nhiều. Cùng với những phát triển chưa đồng bộ của các tiện ích về văn hóa, giải trí, nghệ thuật, thể thao nên sự tham gia của người trẻ chưa được như kỳ vọng dù rằng đây là lực lượng có sức trẻ, năng động, tư duy hiện đại, cởi mở nhưng vai trò còn mờ nhạt. Những sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng khu dân cư chưa đủ cuốn hút nhóm cư dân trẻ tuổi tham gia, nhiều người trong số họ tập trung sự quan tâm cho công việc, quan hệ bạn bè và đồng nghiệp nhiều hơn là những mối quan hệ trong khu dân cư, trừ phi khu dân cư là nơi tập trung cư ngụ như các khu tập thể trước đây của các cơ quan, đơn vị nhà nước có cùng lĩnh vực, đơn vị công tác, hoặc như các khu tập thể cư dân của lực lượng vũ trang công an, quân đội.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN TRIỂN KHAI
Trước tiên, cần nâng cao nhận thức của các chủ thể cư dân trong cộng đồng về ý thức chung tay xây dựng văn hóa ở cộng đồng của khu dân cư đô thị hiện đại. Đây là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Muốn làm được điều này, cần có sự phối hợp với các đoàn thể và chính quyền cơ sở và ban quản trị, ban quản lý khu dân cư đô thị hiện đại quán triệt thực hiện hiệu quả những chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương, cơ sở. Song song đó, cần tiến hành đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp khi mà cộng đồng cư dân thuộc nhiều thành phần, nhiều đối tượng với những nguồn gốc xuất thân, lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Đặc biệt, công tác giáo dục, tuyên truyền cần phải phát huy vai trò của gia đình, các đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền địa phương. Đây là các chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng văn hóa ở cộng đồng của khu đô thị mới. Qua đó nâng cao sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa cộng đồng của khu đô thị mới, thúc đẩy sự tích cực, chủ động tham gia vào phát triển văn hóa của họ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về quản lý cộng đồng khu dân cư đô thị hiện đại một cách chặc chẽ phù hợp với những đặc thù của chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Tuân thủ theo pháp luật và những quy định thống nhất phù hợp với cộng đồng là một đặc trưng cơ bản, quan trọng và then chốt của xây dựng văn hóa ở cộng đồng và văn hóa đô thị.
Các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan quyền lực của nhân dân phải không ngừng hoàn thiện các quy phạm pháp luật về nhà ở, đô thị và về đời sống cộng đồng trong đô thị để đáp ứng yêu cầu quản lý và thụ hưởng của người dân các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần từ xã hội. Đồng thời đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước đối với cộng đồng các khu dân cư, khu đô thị hiện đại ở thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy và phát huy xây dựng văn hóa ở cộng đồng theo những định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước. Qua đó, thúc đẩy tính tự giác, ý thức tôn trọng của mỗi cá nhân trong cộng đồng cùng chung tay xây dựng, giữ gìn những giá trị, thành quả chung của cộng đồng chung sống, thỏa mãn như nhu cầu lợi ích chính đáng của các chủ thể.
Hiện nay, từ sự thiếu đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật cùng với sự chồng chéo trong cơ chế quản lý nhà nước đối với các khu dân cư đô thị hiện đại mới hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đến những mâu thuẫn trong cộng đồng cư dân, mâu thuẫn tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, mâu thuẫn giữa các đơn vị hành chính trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước khi mà các cụm, khu dân cư, đô thị hiện đại trải dài và rộng trên nhiều địa bàn của nhiều đơn vị hành chính. Vì vậy, cần có những quy định pháp luật chuyên biệt cho hoạt động quản trị của một đô thị hiện đại với tư cách là một đặc trưng của văn hóa cộng đồng, văn minh của xã hội công nghiệp, hiện đại.
Thứ ba, cần tăng cường, thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong cộng đồng các khu dân cư đô thị hiện đại, góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cộng đồng ở thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển đời sống văn hóa cộng đồng cư dân sinh sống ở các khu dân cư và đô thị. Qua đó, khuyến khích cư dân tích cực và chủ động tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng thông qua việc huy động các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức phong phú và đa dạng theo những định hướng và chính sách của Nhà nước. Xây dựng văn hóa ở cộng đồng khu dân cư chỉ có thể thực sự phát triển khi có sự định hướng bởi đường lối văn hóa của Đảng và những chính sách pháp luật khuyến khích phát triển của nhà nước. Trong đó xác định vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân là hết sức quan trọng trong việc định hình và từng bước xác lập những hoạt động hình thành giá trị của đời sống văn hóa cộng đồng để nó trở thành một bản sắc và tác động ngược trở lại đối với đời sống, gia tăng ích lợi thu hưởng cho cộng đồng.
Xây dựng văn hóa ở cộng động khu dân cư đô thị mới chỉ thực sự phát triển khi và chỉ khi vai trò của chủ thể là con người, cư dân sinh sống trong cộng đồng được phát huy. |
ThS. Võ Thu Hà - TS. Nguyễn Hữu Sơn