(TG)-Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam quy định về việc cấp mã số BHXH đã có hiệu lực từ ngày 1-5-2017, đây là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), giúp hoàn thiện quy trình quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Kết cấu mã số BHXH và tác động của việc cấp mã số BHXH
Những điều chỉnh mới về quy trình cấp mã số BHXH sẽ tác động theo hướng thuận lợi hơn cho người lao động. Đồng thời, việc cấp mã số mới cũng chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử. Mã số BHXH là dãy số tự nhiên bao gồm 10 chữ số (gồm 2 số đầu là mã tỉnh, 8 số tiếp theo là số tự nhiên) và là số sổ BHXH và là 10 số cuối thẻ BHYT. Sổ BHXH, thẻ BHYT được cấp mới, cấp lại theo mẫu (mới) theo mã số BHXH từ ngày 1-8-2017.
Cụ thể: Thay thế cụm từ “Số sổ:” in trên bìa và tờ rời của sổ BHXH bằng cụm từ “Mã số:”. Ví dụ: bìa và tờ rời sổ BHXH trước đây in “Số sổ: 0118000001”, nay được in là “Mã số: 0118000001”. Thay thế từ “Số:” in trên thẻ BHYT bằng cụm từ “Mã số:” và thời hạn sử dụng thẻ BHYT: chỉ in “Giá trị sử dụng: từ ngày.../.../....”.
Ông Vũ Mạnh Chữ - Phó trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết mã số BHXH sẽ giúp người tham gia BHXH dễ dàng quản lý thông tin BHXH cá nhân và góp phần hiệu quả hơn trong công tác quản lý của đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH.
Thứ nhất, đối với người tham gia BHXH. Trường hợp có mã số BHXH chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT được thuận lợi trên phạm vi toàn quốc. Trong trường người lao động hợp không nhớ, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý. Với trường hợp chưa có mã số BHXH khi tham gia kê khai lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT. Thông qua mã số BHXH, người tham gia tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Thứ hai, đối với đơn vị sử dụng lao động sẽ thuận tiện trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, giảm thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT. Thứ ba, đối với cơ quan BHXH sẽ giúp quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của người tham gia.
Qua đó, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử theo một mẫu thống nhất và có thể cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT tại bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, tổ chức với cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan BHXH trong việc tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Về mặt thủ tục, hồ sơ, việc cấp mới mã số BHXH sẽ giảm được 4 thủ tục, từ 9 thủ tục xuống còn 5 thủ tục hành chính. Về thời hạn giải quyết hồ sơ rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH, thẻ BHYT xuống còn 5 ngày. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH xuống còn 10 ngày. Hằng năm người lao động được thông báo tình hình đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thông qua niêm yết công khai tại đơn vị.
Theo ông Vũ Mạnh Chữ, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định. Cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Bên cạnh đó, dữ liệu thẻ BHYT được quản lý tập trung và liên thông với dữ liệu thu. Các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) khi tiếp nhận thẻ BHYT của bệnh nhân đến khám bệnh thực hiện tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT để xác định giá trị sử dụng của thẻ BHYT. Trên cơ sở kết quả tra cứu, cơ sở KCB BHYT thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các trường hợp người tham gia BHYT đang đóng BHYT và thẻ BHYT còn giá trị sử dụng. Đặc biệt, BHXH sẽ không thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các trường hợp người tham gia BHYT đã báo giảm đóng BHYT nhưng tại thời điểm KCB thẻ BHYT vẫn còn giá trị sử dụng.
Đáng chú ý, đối với đơn vị chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, thẻ BHYT hết giá trị sử dụng. Khi người lao động phát sinh chi phí KCB trong thời hạn thẻ BHYT hết giá trị sử dụng thì đơn vị sử dụng lao động phải chi trả, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh theo quy định sau khi đơn vị đã đóng đủ số tiền chậm đóng BHYT. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ chuyên quản thu đôn đốc, thông báo cho đơn vị sử dụng lao động sau 2 lần gửi thông báo mà đơn vị vẫn không nộp tiền thì mới thực hiện giảm giá trị sử dụng của thẻ BHYT.
Hạn chế lạm dụng việc khám chữa bệnh nhiều lần nhằm trục lợi Quỹ BHYT
Qua giám sát hệ thống thông tin giám định khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam phát hiện, 7 tháng năm 2017 đã có 1.580 bệnh nhân khám chữa bệnh nhiều lần, bình quân từ 8 lần/tháng, 732 bệnh nhân khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế, với số tiền đề nghị thanh toán hàng chục tỷ đồng. Bình quân chi phí khám chữa bệnh là 570.987 đồng/lượt. Trong đó có 15 tỉnh tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh: Bình Phước 39,9%; Khánh Hòa 34,2%; Hậu Giang 33%. Có 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016, một số tỉnh gia tăng trên 70% như Kon Tum, Lạng Sơn, Khánh Hòa.
Báo cáo về thực hiện giám định tự động, ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống thông tin giám định BHYT đã từ chối thanh toán chi phí của hơn 15 triệu hồ sơ. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đúng việc chuẩn hóa thông tin danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế theo bộ mã dùng chung của Bộ Y tế.
Cũng theo ông Đàm Hiếu Trung, ngoài tình trạng lạm dụng khám chữa bệnh nhiều lần để trục lợi Quỹ BHYT, tình trạng kéo dài ngày điều trị cho bệnh nhân cũng diễn ra ở nhiều bệnh viện. Điển hình như tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, ngày điều trị nội trú bình quân cao hơn mức bình quân của các bệnh viện chuyên khoa đối với trường hợp sau sinh thường 5,9 ngày, trong khi mức chung của các bệnh viện phụ sản toàn quốc là 3,7 ngày.
Đánh giá về tình trạng này, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, số lượt khám chữa bệnh BHYT đang tăng nhanh. Theo thống kê 8 tháng đầu năm 2017 có 104 triệu lượt người đi khám chữa bệnh, nghĩa là chỉ trong vòng 1 tháng, đã tăng thêm 13 triệu lượt. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp giám định quyết liệt để kiểm soát chi phí nhưng nếu tiếp tục đà này, Quỹ BHYT năm 2017 sẽ bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Tình trạng gian lận trục lợi vẫn còn nguyên những hình thức cũ nhưng tinh vi hơn. Ông Phạm Lương Sơn cũng khẳng định BHXH Việt Nam giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2017 cho BHXH các tỉnh, thành phố không phải là để “siết chi” mà để sử dụng nguồn tiền hiệu quả nhất.
Đẩy mạnh công tác BHYT học sinh sinh viên
Trong những năm qua, ngành BHXH và ngành Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm chỉ đạo công tác BHYT học sinh, sinh viên (HSSV). Hằng năm, cơ quan BHXH cấp tỉnh, thành phố, huyện đều chủ động phối hợp với ngành Giáo dục cùng cấp tiến hành ký kết chương trình, ban hành Kế hoạch phối hợp, thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện công tác BHYT học sinh sinh viên, xây dựng và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể tới các trường học trên địa bàn. Cùng với sự nỗ lực của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trong các trường học, kết quả công tác BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT tăng dần qua các năm: năm học 2013 - 2014 số HSSV tham gia BHYT đạt 85%, đến năm học 2016 - 2017, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV có thẻ BHYT, hiện nay vẫn còn đến 7,5% số HSSV chưa tham gia BHYT, đặt ra nhiệm vụ nặng nề của phát triển BHYT HSSV năm học 2017 - 2018.
Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với HSSV nói riêng, vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách bắt buộc tham gia BHYT của HSSV. Một là, một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Hai là, một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV. Ba là, một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện BHYT HSSV, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong công tác rà soát, đối chiếu số HSSV đã tham gia và chưa tham gia BHYT để xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động phụ huynh và HSSV tham gia BHYT, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển HSSV tham gia BHYT. Bước vào năm học 2017-2018, do có việc tăng lương cơ sở theo Nghị định số 47/2017/NĐ-CP từ ngày 1-7-2017 từ mức 1.210.000đ lên mức 1.300.000đ, nên mức đóng BHYT của HSSV cũng bị điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của HSSV chỉ là 2.835 đồng/1HSSV/1 tháng.
Thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-6-2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 -2020, trong năm học 2017-2018, BHXH Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo từ Trung ương đến địa phương giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV, đảm bảo đến hết năm 2017 đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Thứ hai, tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, cụ thể: Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT học sinh sinh viên của những tháng còn lại năm 2017. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Thứ ba, kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu BHYT HSSV, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định. Đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp thực tế như: Trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang học sinh lớp 1 mà sinh vào các ngày trong tháng sau ngày 30/9 thì được sử dụng đến hết tháng của tháng đủ 72 tháng tuổi; học sinh lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến 30/9 thay vì cấp thẻ đến 31-5 (kết thúc khóa học). Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến HSSV và các bậc phụ huynh. Đặc biệt nhấn mạnh thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước, khẳng định vai trò của BHYT trong bối cảnh viện phí điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.
Thứ tư, tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng trên địa bàn. Kiên quyết không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Dành một nguồn kinh phí hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong nhà trường, cơ quan BHXH Việt Nam chủ động cung cấp thông tin có nội dung tuyên truyền về BHYT để đưa vào nội dung sinh hoạt thưởng kỳ của tổ chức Đoàn - Hội Sinh viên và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Hoạt động này sẽ góp phần làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết của HSSV về tính ưu việt của chính sách BHYT đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường./.
Mai Thanh