Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 26/10/2014 10:28'(GMT+7)

Tăng lương - cần sự hợp lý và hiệu quả

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Phát biểu trong phiên họp thảo luận ở tổ và trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương vì tăng lương mới bảo đảm được đời sống cho người lao động hưởng lương. Bảo đảm đời sống tốt thì năng suất lao động sẽ tăng lên. Tăng lương sẽ góp phần hạn chế được vấn đề tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ do khó khăn quá dẫn đến sai lầm tiêu cực. Tăng lương còn làm tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng để sản xuất phát triển… Vì lý do này, nhiều đại biểu đề nghị không thể chần chừ việc tăng lương.

Thế nhưng, cũng có không ít đại biểu lo ngại về khả năng cân đối ngân sách Nhà nước để tăng lương. Nếu tăng lương trong năm 2015 đối với cán bộ công chức thì chắc chắn bội chi ngân sách sẽ lớn và nợ công ngay từ năm 2015 sẽ vượt trần. Vì vậy, đã có một số đại biểu Quốc hội đề nghị trước mắt chưa nên tăng lương, nên giãn lại tiến độ cải cách tiền lương. Mặt khác, tốc độ tăng lương phải phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Hiện tại, năng suất lao động xã hội của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước khu vực, thậm chí bằng một phần nhỏ của một số nước ở Đông Nam Á.

Về nguyên tắc, tiền lương là giá cả của lao động và phải bảo đảm tái sản xuất sức lao động. Chính sách tiền lương phải đặt trong tổng thể chính sách phân phối và tái phân phối, bảo đảm công bằng xã hội, việc làm và gắn với vị trí lao động cụ thể, phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Tiền lương được xác định là một trong những nhân tố làm tăng năng suất lao động, trong lúc đất nước ta năng suất lao động thấp, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Theo lộ trình cải cách tiền lương, việc tăng lương tối thiểu vào năm nay đã bị lùi do chưa bố trí được nguồn ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, việc cân đối ngân sách của ta rất khó khăn, thu không đủ chi. Chúng ta còn đang phải tập trung cho xóa đói giảm nghèo bền vững, giải quyết đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vùng sâu, rồi giải quyết các vấn đề bức xúc về y tế, giáo dục… Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, thì vẫn có thể thực hiện việc tăng lương nếu tính toán khoa học và cơ cấu lại nguồn chi một cách hợp lý. Trước hết là phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp theo là rà soát, tinh giản biên chế bộ máy hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Khu vực đơn vị sự nghiệp công nên chuyển sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp ngân sách Nhà nước khó cân đối cho việc tăng lương dàn trải thì cũng nên ưu tiên tăng lương trước cho một số nhóm đối tượng như công chức có thu nhập thấp, cán bộ  lực lượng vũ trang…

Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương theo hướng thực hiện trả lương theo vị trí, chức danh, công việc và hiệu quả công tác; khắc phục tính cào bằng của việc gắn hệ số lương với mức lương tối thiểu chung. Đặc biệt, có cơ chế đặc thù, trả lương đặc biệt và tôn vinh xứng đáng lương của cán bộ lực lượng vũ trang, lương của các nhân tài và lao động lành nghề, chuyên môn cao trong khu vực Nhà nước./.

(QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất