Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 15/5/2012 10:21'(GMT+7)

Tạo “đột phá” trong phát triển nguồn nhân lực ở Lào Cai

Tập huấn phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ nữ

Tập huấn phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ nữ

 

Dồi dào nhưng chưa mạnh

Kể từ khi tái lập tỉnh (1991) đến nay, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp và được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nên trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực địa phương đã được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2000, lao động chưa qua đào tạo là 84,3% thì đến năm 2010 là 61,6%; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng từ 15,7% (năm 2000) lên 38,38% (năm 2010). Song trên thực tế, nguồn nhân lực của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Theo con số thống kê, hiện nay toàn tỉnh có trên 616 nghìn người, chiếm 0,72% dân số trong cả nước. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động đạt gần 336 nghìn người. Cơ cấu nguồn nhân lực trẻ với tỷ lệ thanh niên trong nhóm 15- 34 tuổi chiếm 60,7% tổng số người trong tuổi lao động, cao hơn mức trung bình cả nước 7,8%. Tuy nhiên đến nay, Lào Cai mới chỉ có gần 129 nghìn người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề (chiếm 38,4% lực lượng lao động); có trên 14 nghìn người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 4,23% lực lượng lao động) và 8,6 nghìn người có trình độ cao đẳng trở lên (chiếm 2,58% lực lượng lao động).

Như vậy, vẫn còn đến 61,6% lực lượng lao động của địa phương chưa qua đào tạo, gây sức ép rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cũng là trở ngại lớn cần phải nhanh chóng vượt qua để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, vẫn còn hơn 78,7% lao động ở nông thôn và trên 72,2% lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với trình độ kỹ thuật thấp, lao động thủ công là chính, năng suất lao động thấp.

Một trong những ưu thế cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam là chi phí lao động thấp so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay ở Lào Cai có nghịch lý là hàng năm có số lượng lớn cử nhân, kỹ sư của tỉnh tốt nghiệp đại học ra trường, song số lao động tìm được việc làm tại địa phương thấp, ước tính chỉ có khoảng 50% trong số này tìm được việc làm.

Trong khi đó, các nhà đầu tư trên địa bàn lại rất khó tuyển kỹ sư, chuyên gia quản lý bậc trung trở lên để làm việc trong doanh nghiệp. Phần lớn lao động làm việc trong các công trình trọng điểm như: xây dựng các nhà máy thủy điện, luyện kim, hóa chất… là cán bộ, kỹ thuật, công nhân bậc cao ở các doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành Trung ương, người nước ngoài vào Lào Cai làm việc. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua. Đặc biệt, do nhiều nguyên nhân khác nhau, thiếu nguồn lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao phục vụ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, tình trạng thừa lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đó lại thiếu lao động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Tạo đột phá

Lào Cai là tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, là cửa ngõ của Việt Nam với miền Tây Nam - Trung Quốc; do đó, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đặc biệt là phát triển kinh tế cửa khẩu. Bởi vậy, để phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi có những giải pháp hệ thống, đồng bộ và tổng thể, trong đó phải xác định được những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá. Cần củng cố, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tạo nền tảng cơ bản vững chắc cho đào tạo nguồn nhân lực ở những giai đoạn, thang bậc trình độ cao hơn.

Đặc biệt, Lào Cai cần tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp giữa phát triển nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các địa phương khác trong cả nước; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người thiểu số, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực then chốt mà tỉnh có thế mạnh. Chú trọng xây dựng và phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý, đội ngũ chuyên gia tư vấn hoạch định chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, tư vấn pháp lý… góp phần tăng sức mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương nói chung và của các doanh nghiệp Lào Cai trong quá trình hội nhập.

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và phát triển nhanh đội ngũ lao động kỹ thuật, trong đó đặc biệt chú trọng đến đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao đạt chuẩn quốc tế để kịp thời đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó chú trọng đảm bảo lao động kỹ thuật cho các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn.

Nhanh chóng xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động và dịch vụ về đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm. Mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ; đa dạng hoá hình thức, phương pháp hợp tác, liên doanh, liên kết và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường đào tạo nhân lực trình độ cao và trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại và quản lý kinh tế ở nước ngoài. Mạnh dạn thuê giảng viên và chuyên gia giỏi là người nước ngoài và Việt kiều tham gia đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương để nhanh chóng đạt được đẳng cấp quốc tế trong đào tạo nhân lực.

Nguyên Sa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất