Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 14/9/2016 21:30'(GMT+7)

Tạo môi trường bình đẳng, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên họp cho biết, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung do Chính phủ trình, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, trong đó bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá (tài sản Nhà nước, tài sản về đất đai, tài sản thi hành án…); rà soát, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội-nghề nghiệp của đấu giá viên…

Thảo luận về dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng Ban soạn thảo cần tiếp tục cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản đối với chứng khoán và tài sản Nhà nước ở nước ngoài để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất; đồng thời đề nghị bổ sung điều chỉnh Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản khi chưa tiến hành chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị xem xét, thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá; bổ sung điều kiện người muốn tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; xem xét mở rộng đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá là những người có bằng cử nhân các ngành tài chính, ngân hàng; quy định cụ thể thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; quy định chặt chẽ, rõ ràng các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề xuất cần có các quy định rõ về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch. Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng của luật cũng nên bao quát hoạt động đấu giá tài sản của doanh nghiệp, người nước ngoài ở Việt Nam khi các cá nhân, tổ chức nước ngoài có nhu cầu. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản....

Về trình tự, thủ tục đấu giá, các thức tổ chức đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần phải quy định hết sức chặt chẽ; bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong đấu giá; tránh tình trạng dàn xếp; “quân xanh”, “quân đỏ”... Trong đấu giá cần luôn đặt lợi ích của tập thể lên cao nhất, nhất là đối với hoạt động đấu giá vì mục đích từ thiện...

Ngoài ra, vấn đề về giám định giá tài sản; hoạt động của trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá tài sản; tố cáo về hoạt động đấu giá tài sản; bồi thường thiệt hại khi kết quả đấu giá bị hủy; đấu giá đối với tài sản là chứng khoán; những tải sản liên quan đến lĩnh vực an ninh-quốc phòng... cũng là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu đề cập, đóng góp ý kiến khi thảo luận.

Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương với 79 điều, quy định cụ thể về tài sản đấu giá; nguyên tắc đấu giá tài sản; các hành vi bị nghiêm cấm; đào tạo nghề đấu giá; cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; xủ lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại; quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản...

PV 




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất