Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 4/7/2016 21:7'(GMT+7)

Tập trung mọi nguồn lực để lấy lại đà tăng trưởng

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; lãi suất tương đối ổn định và có xu hướng giảm; tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định; huy động vốn đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả tích cực; thu hút vốn FDI tăng cao hơn nhiều so với năm trước; phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm…

Tuy nhiên, nhiều thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế phục hồi chậm; tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm (5,52%) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,32%); lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có khả năng tăng cao trở lại; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra; việc phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái còn nhiều yếu kém; đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường biển, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm phục hồi chậm chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng trong nông nghiệp vì thiên tai, hạn hán (giảm 0,78%) và công nghiệp khai khoáng (giảm 6,1%), chủ yếu do giảm 1/3 sản lượng khai thác dầu thô so với cùng kỳ.

Theo tính toán của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nếu giữ được mức tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng như cùng kỳ năm 2015 thì 2 lĩnh vực này cũng có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước 0,8% để đạt 6,3% mà chưa tính tới các lĩnh vực khác.

Do đó, Phó Thủ tướng nhận định “tăng trưởng 5,52% của 6 tháng đầu năm nay cũng là một nỗ lực lớn của cả nước”.

Đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về việc nền kinh tế đã có đà phục hồi tăng trưởng khi một trong những yếu tố tác động là giá dầu thế giới có xu hướng tăng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần phải tập trung tận dụng cơ hội để tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV năm 2016 để bù vào tăng trưởng chung của năm 2016.

Theo đó, Bộ Công Thương bám sát diễn biến của thị trường dầu thô thế giới để có phương án điều tiết và đẩy mạnh khai thác dầu thô. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tận dụng giá nguyên liệu rẻ để đẩy mạnh năng lực hoạt động của các ngành như giao thông, điện, nhiệt điện và khí điện đạm…

Ngành Công Thương cũng cần tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc, tăng cường chiếm lĩnh thị trường trong nước và tận dụng tối đa lợi ích từ giao thương biên mậu để bảo đảm phát triển thương mại, đóng góp vào tăng trưởng chung.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, các bộ, ngành liên quan có những chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn, gắn với đó là nhanh chóng thẩm định và phê duyệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (trong 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 26%) để góp phần tạo ra việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục quan tâm thực hiện các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, nhấn mạnh việc tăng cường đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ nhằm “rút ngắn khoảng cách giữa các quy định và việc thực thi chính sách”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý các bộ, ngành và địa phương phải quan tâm, theo sát diễn biến của lạm phát nhằm kiểm soát trong giới hạn cho phép, không để lạm phát ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, chỉ riêng mức tăng của các chỉ số y tế và dịch vụ y tế (34,02%), giáo dục (2,61%), giao thông (2,99%) và độ trễ của chính sách tín dụng (17,2%) đã làm cho lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 2,35%.

Mặc dù Chính phủ đã có kịch bản về kiểm soát lạm phát, nhưng Phó Thủ tướng tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường theo dõi việc tăng học phí trong tháng 9/2016. Giá dịch vụ y tế từ nay tới cuối năm sẽ điều chỉnh khoảng 3 đến 4 bậc giá thì các địa phương cần chủ động đăng ký điều chỉnh với Bộ Tài chính và Bộ Y tế  để tránh gây ra mức tăng lớn trong lĩnh vực này.

Đồng thời, các bộ liên quan sớm hoàn thành đề án đấu thầu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế để tiếp tục giảm giá thuốc, góp phần bù đắp vào phần tăng giá dịch vụ y tế trong 6 tháng cuối năm nay./.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất