Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 7/2/2011 19:42'(GMT+7)

Tết của những du học sinh: Ăn Tết giữa sa mạc và biển

 1 chiếc bánh chưng, 5 tháng chuẩn bị

Ở đất nước mà phần lớn người dân theo đạo Hồi, không ăn thịt lợn, không uống rượu bia và không có lá dong như Ai Cập thì việc có được đủ nguyên vật liệu cho một chiếc bánh chưng Tết quả là nan giải.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập phải nhờ các đoàn đi công tác sang Ai Cập mua giúp gạo nếp, lạc rang, lá dong, đỗ xanh và gom nguyên liệu từ tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch. Hoặc mỗi người khi về nước mang theo sang 2 – 3 kg gạo nếp rồi góp lại để nấu bánh chưng. Lá dong được cho vào tủ đá để đảm bảo tươi nguyên, gạo nếp và đỗ cho vào tủ mát để không bị mối mọt. Thịt lợn được chuyển từ trong nước sang trước Tết khoảng một tháng để đảm bảo tươi ngon. Việc gom nguyên liệu mất khoảng 4 - 5 tháng.

Có năm ít đoàn sang thì thiếu đủ thứ. Bánh chưng thiếu thịt lợn buộc phải thay bằng thịt gà. Lá dong không có thì phải thay bằng lá chuối. Lá chuối ở Ai Cập có nhưng để tìm được vườn chuối, mà phải là chuối tiêu, cũng không phải dễ. Mọi người phải đi dọc lưu vực sông Nile tới các vườn chuối để xin lá.

 

f
Đại sứ quán thường tổ chức gói bánh chưng vào ngày 24 - 25 Tết.


Cả cộng đồng hơn 60 người gồm cả cán bộ, phu nhân, các cơ quan đại diện, lưu học sinh, Việt kiều cũng chỉ có vài ba người biết gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng nhân thịt lợn, Đại sứ quán cũng gói thêm hơn chục chiếc nhân thịt gà vì trong số Việt kiều và sinh viên có người theo đạo Hồi không ăn được thịt lợn.

Có bánh chưng rồi lại phải có dưa hành. Rất may là Ai Cập có hành tím củ nhỏ. Trước Tết một tháng, mọi người đi mua hành về làm dưa. Người dân Ai Cập cũng ăn dưa hành nhưng dưa hành của họ mặn và không giòn như dưa hành người Việt hay làm.

Hành trình “săn đào”

Ai Cập cũng có đào và hoa đào cũng nở vào dịp Tết của ta, dù là đào phai. Tuy vậy, để có được một cành đào trang trí cơ quan, ký túc xá hay gia đình vào dịp Tết cũng vô cùng khó khăn. Trước Tết khoảng 10 ngày, một số anh chị em cán bộ và sinh viên lái xe đi tới các trang trại trên đường cao tốc Cairo - Alexandria cách thủ đô Cairo hơn 100 km để “săn đào” dọc tuyến đường này.

Vì đào ở đây trồng thành vườn, trang trại và lấy quả nên hầu hết các chủ trang trại không cho cắt cành dù là to hay nhỏ. Dáng của đào ở đây cũng không đẹp như ở ta. Tìm được trang trại trồng đào cũng chưa phải là thành công, bạn phải mất nửa ngày để tìm và thuyết phục các chủ trang trại cho cắt cành đào. Đó là chưa kể tới ngày xuống cắt cành chủ trang trại lại đi vắng hoặc thay đổi ý định.

Nói chung là để có được một cành đào trang trí vào dịp Tết phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Chỉ riêng việc đi lại cũng đã mất khoảng 500 - 600 cây số. Có năm, “săn” đào không thành công, cán bộ sứ quán và anh em sinh viên lại lăn ra làm đào giấy. Tất cả chỉ đơn giản để có được không khí Tết như ở nhà.

Tết Việt nơi bốn bề là sa mạc và biển

Những ngày trước và sau Tết ở Ai Cập thật êm ả. Tết của người Ai Cập hay Lễ tế cừu theo lịch Hồi giáo thường vào dịp tháng 10 - 11 hằng năm. Vào những ngày này, người Ai Cập thường tấp nập chuẩn bị lương thực, thịt, bánh kẹo, đặc biệt là thịt cừu như Việt Nam chuẩn bị thịt lợn. Vào ngày đầu tiên của Lễ tế cừu, trẻ em mặc quần áo mới, đi chơi phố và được mừng tuổi, còn người lớn thì đi thăm gia đình, người thân và chúc Tết nhau.

Do cộng đồng người Việt ở Ai Cập không nhiều nên Đại sứ quán Việt Nam như ngôi nhà chung. Vào thời khắc giao thừa, giây phút Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết chính là lúc xúc động và nhớ nhà nhất. Điện thoại từ trong nước gọi đến, từ Ai Cập gọi về tíu tít. Ai cũng vui vẻ hạnh phúc nhưng không ai giấu được nỗi nhớ nhà. Nhiều sinh viên mới xa nhà lần đầu cũng không kìm nổi nước mắt vì nhớ gia đình và người thân. Mọi người khóc vì hạnh phúc được sống trong bầu không khí ngày Tết trong bữa tất niên có bánh chưng, dưa hành, cành đào ở một đất nước mà bốn bề là sa mạc và biển.

Đón Tết trong ngôi nhà chung tại Đại sứ quán còn có cả các bạn trẻ, sinh viên Việt kiều. Phần lớn họ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, có người chưa bao giờ về Việt Nam, họ chỉ biết về Tết qua lời kể của ông bà, cha mẹ hay qua sách báo, Internet.

Bạn Wafa, một sinh viên đang theo học tại Trường ĐHTH Cairo, Ai Cập, tâm sự: “Tôi không biết nhiều tiếng Việt, cũng chưa bao giờ được về Việt Nam. Tôi chỉ biết về Việt Nam, về Tết cổ truyền qua lời kể của má và qua sách báo. Tôi rất mong muốn được về thăm và làm việc tại Việt Nam nếu có cơ hội. Má nói nhiều về Tết cổ truyền nhưng vì bên Yemen không có nhiều người Việt nên không tổ chức đón Tết. Tôi rất muốn học tiếng Việt, muốn tìm hiểu về Việt Nam, về quê hương của má, đặc biệt là văn hóa truyền thống dân tộc...”.

Tuy nhớ nhà và khó khăn đủ đường trong việc đón Tết nhưng không ở đâu bạn có được chuyến du Xuân lý thú như ở đây. Du Xuân bên Kim Tự Tháp hay đi thuyền trên sông Nile chắc chỉ có cộng đồng sinh viên ở Ai Cập mới có. Ngày mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, mọi người tổ chức đi cưỡi ngựa hoặc lạc đà quanh Kim Tự Tháp, cũng có thể thuê thuyền đi dọc sông Nile ngắm thủ đô Cairo.

Theo Hạ Vy/Sinh viên Việt Nam số Tết 2011/KH&ĐS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất