Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 4/4/2019 9:52'(GMT+7)

Thái Bình: Tập trung xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu

Thí điểm xây dựng hai mô hình trên ở một số địa phương có điều kiện về quỹ đất và có nhu cầu phát triển nhà ở, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu trong năm 2019 hoàn thành thiết kế mẫu và ban hành các quy định khung về hai mô hình này để triển khai thực hiện. Đồng thời, hoàn thành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, quy định, chính sách có liên quan và triển khai quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Thái Bình phấn đấu mỗi huyện, thành phố triển khai thực hiện được ít nhất từ 1 - 2 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và quy hoạch, xây dựng được ít nhất 1 khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố thu hút được 8 - 10 dự án đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và có 80% số xã trở lên thực hiện quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu.

Theo đó, mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đáp ứng yêu cầu về vị trí phải nằm liền kề với những khu dân cư hiện có, kết nối với các thiết chế văn hóa thôn, làng, thuận tiện về giao thông nhưng không bám mặt đường, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, góp phần chỉnh trang nông thôn. Về quy mô, mỗi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu có diện tích từ 3 ha đến dưới 10 ha, các lô đất có chủ với diện tích tối thiểu là 200m2/hộ, tối đa là 500m2/hộ. Về kiến trúc, công trình nhà ở có mái dốc, lợp ngói đỏ, chiều cao tối đa 3 tầng, sử dụng cây xanh làm hàng rào ngăn cách giữa các lô đất...

Đối với mô hình khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu, vị trí phải ở cuối hướng gió chủ đạo so với các khu dân cư gần nhất, thuận lợi về giao thông kết nối với các thôn, làng và giao thông nội đồng, bảo đảm khoảng cách so với các nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư theo quy định. Tỉnh khuyến khích xây dựng tập trung một khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu cho một xã, thị trấn hoặc cụm xã, thị trấn, với diện tích từ 1- 2 ha, trong đó quy hoạch thành các khu vực hung táng, cát táng tiêu chuẩn, cát táng dịch vụ và chôn cất một lần dịch vụ với quy mô theo quy định hiện hành của Nhà nước, sử dụng dải cây xanh làm hàng rào ngăn cách giữa các khu vực chôn cất. Về kiến trúc mộ phần, thống nhất chiều cao ngôi mộ, chiều cao và hình thức gắn bia mộ, vật liệu xây dựng, lối đi lại, cây xanh, thảm cỏ xung quanh mộ, tạo sự trang nghiêm cho khu nghĩa trang nhưng vẫn gần gũi với các hoạt động của người dân...

Được biết, tại Thái Bình, việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện quy hoạch dân cư ở các địa phương thời gian qua chủ yếu là hình thức nhỏ lẻ, phân tán, bám đường giao thông, tận dụng hạ tầng hiện có, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng các khu đất bên trong, dễ dẫn tới lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai. Một số địa phương thực hiện việc quy hoạch dân cư và tổ chức đấu giá các khu đất để đạt đủ số thu nhưng giá trị quyền sử dụng đất thấp, hiệu quả sử dụng đất không cao.

Cùng với quá trình đô thị hóa, kiến trúc công trình nhà ở khu vực nông thôn mất dần phong cách kiến trúc nhà ở truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một bộ phận dân cư chưa chấp hành nghiêm các quy định của tỉnh về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc tang. Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất nghĩa trang nhân dân tại nhiều địa phương còn hạn chế. Các nghĩa trang xây dựng không có quy hoạch, nằm đan xen với khu dân cư, phần mộ lộn xộn, không theo quy định. Nhiều gia đình chiếm diện tích đất lớn tại nghĩa trang và xây dựng các công trình thờ cúng, lăng tẩm quy mô lớn, gây lãng phí đất đai.../.

 Nguyễn Công Hải/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất