Thứ Sáu, 27/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 8/4/2012 8:5'(GMT+7)

Thái Nguyên: Cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4

Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI (ngày 28 - 29/3/2012).

Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh Thái Nguyên quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI (ngày 28 - 29/3/2012).

Đồng chí Phạm Xuân Đương, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, ngày 3/4/2012 đã ký ban hành Kế hoạch số 16-KH/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đây là Kế hoạch đặc biệt quan trọng nhằm cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 24/2/2012 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI). Trước khi ban hành, dự thảo Kế hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên xem xét, cho ý kiến và được Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI thảo luận, góp ý với 125 ý kiến đóng góp.

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu thực hiện là phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ, tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương; nhanh chóng sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao... xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân.

Một trong những yêu cầu khi thực hiện là: trong kiểm điểm tự phê bình, phê bình phải chân thành, thẳng thắn, xây dựng, dựa trên nguyên tắc của Đảng; không chủ quan, quy chụp, xen động cơ cá nhân; phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để xác định đúng tính chất, mức độ thiếu sót, khuyết điểm; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, phê phán các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và việc làm trong quá trình quán triệt và thực hiện Nghị quyết. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết phải đồng bộ, toàn diện, kiên trì, không nôn nóng, phải thận trọng, nghiêm túc; gắn việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội và chăm lo đời sống của nhân dân.

Theo Kế hoạch, đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt cùng cấp; trực tiếp truyền đạt nội dung của Nghị quyết; trưởng các ban xây dựng Đảng của cấp uỷ xây dựng và triển khai các kế hoạch, hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết. Ở cấp tỉnh sẽ tiến hành 03 hội nghị cán bộ (mỗi hội nghị trong 02 ngày), trong đó 01 hội nghị dành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh; 01 hội nghị dành cho các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và tương đương; 01 hội nghị dành cho cán bộ chủ chốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh. Ở các đảng bộ cấp huyện sẽ tổ chức 02 hội nghị; cấp cơ sở tổ chức hội nghị đến toàn thể cán bộ, đảng viên của đảng bộ, chi bộ (mỗi hội nghị trong 01 ngày).

Về tài liệu, ở cấp cơ sở ngoài các tài liệu dùng chung, các đồng chí bí thư chi bộ sẽ được cấp phát cuốn “Tài liệu hỏi - đáp Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (dùng cho hội viên, đoàn viên các đoàn thể chính trị - xã hội và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân) do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

Kế hoạch cũng nêu rõ về việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, tổ chức đảng (như nội dung và cách tiến hành kiểm điểm; kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ; kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp uỷ, tổ chức đảng cơ sở, đảng viên).

Đặc biệt, Kế hoạch đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; về cơ chế, chính sách; về công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm thực hiện Nghị quyết. Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ sẽ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ và các cơ quan chức năng tham mưu trình Ban Thường vụ xem xét cơ chế để hằng năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đóng góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; ban chấp hành các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp; xây dựng quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ phải xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác; thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp trên nói chung phải qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp dưới.

Ngoài ra, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu Ban Thường vụ xem xét Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng; xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ; quy định bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; đổi mới quy trình lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ để cán bộ dự kiến đề bạt, bổ nhiệm được tự giới thiệu, thể hiện trình độ, khả năng của mình; quy định bảo đảm tạo cơ hội tiến bộ cho những người có khuyết điểm hoặc bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đã thực sự nỗ lực phấn đấu, có thành tích và được tín nhiệm. Phối hợp với UBKT Tỉnh uỷ và các cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện và thực hiện thí điểm một số việc: tiếp tục thực hiện bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; tiếp tục thực hiện thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả; kiểm tra, chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình; sơ kết rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ có số dư; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp uỷ lựa chọn, giới thiệu để bầu cử uỷ viên thường vụ cấp uỷ; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó...

Về tổ chức thực hiện, các cơ quan tham mưu cho Tỉnh uỷ: Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và một số đơn vị được phân giao những nhiệm vụ cụ thể giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết đạt kết quả.

Kế hoạch cũng nêu rõ: giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng Đảng thuộc Tỉnh uỷ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện; 6 tháng và hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Triển khai thực hiện Kế hoạch này sẽ giúp cho việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh diễn ra một cách đồng bộ, nhất quán, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã chỉ ra./.

Tin, ảnh: Trần Thép
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất