Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 7/8/2023 8:54'(GMT+7)

Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Nhìn từ góc độ sai lệch chuẩn mực xã hội

Phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

Phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

THAM NHŨNG - HÀNH VI SAI LỆCH CHUẨN MỰC XÃ HỘI

Theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, tham nhũng là những hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào nhà nước và đến chừng mực nào đó gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và làm nhiễu loạn văn hóa.

Nhìn dưới góc độ xã hội, tham nhũng là hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội. Sai lệch chuẩn mực xã hội là những hành vi xã hội không phù hợp giá trị, chuẩn mực xã hội đang được thừa nhận; hành vi sai lệch những gì mà số đông đang chờ đợi trong hoàn cảnh nhất định; những hành vi xã hội trượt ra ngoài chuẩn mực, giá trị, hay là sự vi phạm các quy tắc chuẩn mực, giá trị xã hội. Các loại sai lệch chuẩn mực xã hội: pháp luật, chính trị, đạo đức, phong tục tập quán, tôn giáo,… Tham nhũng là hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật, đạo đức, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo,…

Nhìn dưới góc độ pháp luật, tham nhũng là hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật, nhưng nó còn là hành vi sai lệch chuẩn mực đạo đức, đạo đức của những người cán bộ trong bộ máy nhà nước, những người có chức, có quyền. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là chuẩn mực đạo đức của những người cán bộ, những “công bộc của dân”. Đã là cán bộ phải liêm chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, người cán bộ giữ mình trong sạch, không tham lam, đó là những cán bộ liêm chính; những người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, trộm của công làm của tư là bất liêm. Những cán bộ “dĩ công dinh tư” (lấy của công làm của tư) sẽ dẫn đến “nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động”, “làm cho dân chúng oán đến Chính phủ và Đoàn thể”(1).

Ở miền Bắc, có làng, khi xuân sang tổ chức hội thề không tham nhũng giữa đình làng, trước sự chứng kiến của người dân trong làng. Tham khảo một số hương ước dòng họ ở phía Bắc nhận thấy rằng, trong các điều của hương ước có điều quy ước về không ăn cắp, không tham ô của công. Như thế, có thể thấy rõ rằng, các dòng họ, làng xã Việt luôn đề cao sự liêm chính, trung thực, không vụ lợi, và xem đó là một chuẩn mực xã hội của những con người thuộc dòng họ, làng xã đó. Mỗi người thuộc dòng họ, làng xã phải lấy sự liêm chính để răn mình, giữ mình. Trên thực tế, có nhiều dòng họ kiêu hãnh về sự liêm chính của con cháu trong dòng họ, cũng có dòng họ cảm thấy hổ thẹn vì con cháu trong dòng họ tham ô, tham nhũng.

Không chỉ dòng họ, làng xã mà nhiều gia đình luôn đề cao sự liêm chính, răn dạy con cái lòng trung thực, không ăn cắp, không tham ô, không tham nhũng. Các gia đình đó xây dựng nền nếp, gia phong trên cái nền liêm chính. Ở nước ta, xưa cũng như nay, có rất nhiều gia đình liêm chính, cho dù gia đình họ có những người giữ chức vụ cao trong xã hội. Có lẽ, cũng nên tổ chức điền dã để nắm bắt, tổng kết, viết bài, xã hội hóa gương các gia đình, dòng họ liêm chính, như là một cách thức biểu dương người tốt, việc tốt, để rồi nhân lên, làm cho cả nước là một vườn hoa đẹp như Bác Hồ mong đợi. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: “Cổ vũ, biểu dương gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”(2). Nhìn nhận tham nhũng dưới góc độ sai lệch chuẩn mức xã hội để cho thấy tính đa dạng, nhiều chiều trong nhìn nhận, đánh giá về tham nhũng; tính phức tạp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cũng theo đó, phòng chống tham nhũng phải được triển khai dưới nhiều hình thức, với sự tham gia của nhiều nhóm xã hội, của toàn xã hội. Nó cũng đòi hỏi phải khơi dựng, bổ sung, phát triển, hoàn thiện hệ các chuẩn mực, giá trị xã hội, để làm cơ sở cho phòng, chống tham nhũng. Nghĩa là, không chỉ hoàn thiện pháp luật mà còn phải hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán, phát huy các chuẩn mực, giá trị của tập tục, tín ngưỡng, giáo luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Qua đây ta càng hiểu rõ hơn sự cấp thiết của việc hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người. Chấn hưng văn hóa góp phần phòng, chống tham nhũng từ gốc, là một hướng, biện pháp để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đi vào cuộc sống, mang lại kết quả cao. Những gia đình, dòng họ liêm chính là môi trường nuôi dạy cán bộ liêm chính, đồng thời sự chính liêm chính của gia đình, dòng họ là niềm kiêu hãnh tự hào, rào chắn từ bên trong mỗi người cán bộ để họ không thể, không dám tham nhũng.

BỒI ĐẮP, CỦNG CỐ, PHÁT HUY HÀNH VI ĐÚNG CHUẨN MỰC XÃ HỘI

Tham nhũng là hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vì thế để phòng chống tham nhũng hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện hệ chuẩn mực xã hội.

Tham nhũng là hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật, đạo đức, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo,… Theo đó, phải hoàn thiện các chuẩn mực mực pháp luật, đạo đức, văn hóa, phong tục tập quán,… Trong đó, trước hết cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đẩy nhanh chuẩn hóa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người. Đồng thời, quan tâm hơn nữa việc xây dựng hương ước làng xã, dòng họ theo quy định pháp luật, chú trọng định hướng trong mỗi hương ước có nội dung về chuẩn mực liêm chính. Chú trọng “Phát huy các nhận tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng”(3) trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.

Phòng, chống tham nhũng cũng nên từ trong mỗi gia đình, dòng họ, làng xã, khởi nguồn từ việc xây dựng hương ước dòng họ, làng xã, trong đó có những quy định không tham ô, không tham nhũng. Người Việt có đức tính trọng danh. Người cán bộ biết trọng danh dự liêm chính của gia đình, dòng họ, làng xã sẽ thực hiện đúng các quy định trong hương ước về liêm chính, từ đó sẽ dẫn đến giảm thiểu các hành vi tham nhũng. Nếu ở các buôn làng ở nước ta, khi xuân sang đều tổ chức hội thề không tham nhũng giữa đình làng trước sự chứng kiến của người dân trong làng, nếu hội thề không tham nhũng thành lệ làng ở khắp miền đất nước chắc sẽ làm cho phép nước nghiêm minh hơn, hành vi tham nhũng ít dần đi, theo đó xã hội ổn định bền vững. Lệ làng, phép nước hợp sức trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng thì cuộc đấu tranh này chắc sẽ hiệu quả hơn, tốt hơn.

Sống trong xã hội, con người luôn căn cứ vào chuẩn mực xã hội để hành động. Các hành vi của mỗi người trong một quan hệ xã hội xác định, trong các công việc cụ thể có thể đúng chuẩn, có thể lệch chuẩn. Hành vi lệch chuẩn có thể do vô thức, có thể do không hiểu rõ về hệ chuẩn mực xã hội, và có thể họ cố tình làm sai. Từ đó cho thấy, loại trừ hành vi vô thức, thì vấn đề đặt ra là phải hóa các chuẩn mực xã hội vào trong mỗi người và khơi dựng động cơ hành vi đúng chuẩn mực xã hội, để không tham nhũng. Trồng người, suy đến cùng và cốt lõi nhất là nhồi vào trong mỗi con người các chuẩn mực xã hội, hình thành trong mỗi người biết phân biệt hành vi đúng chuẩn và hành vi lệch chuẩn, tạo dựng động lực sống và làm việc theo đúng chuẩn mực xã hội, đúng pháp luật. Xây dựng hệ chuẩn mực xã hội là quan trọng hàng đầu trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng hóa các chuẩn mực xã hội thành ý thức trong mỗi con người, tạo dựng môi trường văn hóa thực hiện đúng các chuẩn mực xã hội bên trong mỗi con người. Hình thành ý thức hành động đúng chuẩn mực xã hội trong mỗi con người là công việc lâu dài, công phu, với sự hợp lực của cả xã hội, từ gia đình, dòng họ, làng xã, các đơn vị, cơ quan và toàn xã hội.

“Trồng người” là công việc đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển phồn thịnh, bền vững của đất nước theo định hướng hội chủ nghĩa, đồng thời cũng rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải bắt đầu từ việc dạy cho mỗi công dân biết sống và làm việc theo đúng các chuẩn mực xã hội, giữ mình liêm chính, không vụ lợi.

Trong bầu không khí dân chủ xã hội đang mở rộng trong xã hội hiện nay, nên cần tạo dựng dư luận xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Dư luận xã hội là một hiện tượng xã hội phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xã hội, có vai trò xã hội rất lớn. Dư luận xã hội góp phần nâng cao nhận thức của các nhóm xã hội về tham nhũng, phòng chống tham nhũng; điều chỉnh hành vi xã hội theo hướng khuyến khích hành vi đúng chuẩn mực xã hội, không tham ô, tham nhũng, lên án hành vi tham ô, tham nhũng. Sức mạnh của dư luận xã hội ở việc tạo áp lực xã hội của cộng đồng đối với những người có chức có quyền, buộc họ phải có những hành vi đúng chuẩn mực, không tham nhũng, nếu không sẽ bị xã hội tẩy chay.

(Ảnh minh họa: Quang Cường)

(Ảnh minh họa: Quang Cường)

Con người sống trong xã hội, những con người xã hội có thể vượt qua mọi khó khăn để sống và làm việc, song họ không thể dẫm đạp nên dư luận xã hội về hành vi tham nhũng của mình. Họ có thể không gánh chịu trực tiếp hậu quả của búa rìu dư luận, nhưng gia đình và con cháu của họ, dòng họ và làng xã của họ bị đè nén bởi dư luận xã hội về hành vi tham nhũng của họ. Sử sách nước ta đã lưu truyền danh tính nhiều quan thanh liêm và cũng đã bêu tên những ông quan tham ô, tham nhũng. Tạo dựng dư luận xã hội ủng hộ hành vi đúng chuẩn, nêu gương những cán bộ liêm chính, không vụ lợi, không tham nhũng; đồng thời tạo dựng dư luận xã hội lên án hành vi tham nhũng, phê phán cán bộ tham nhũng là một trong những cách thức phòng, chống tham nhũng, để “Mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ”(4).

Nếu quan niệm, văn hóa là hệ chuẩn mực, giá trị xã hội, thì vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay là xây dựng môi trường văn hóa trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc hoàn thiện các chuẩn mực xã hội cần đẩy mạnh xã hội hóa các chuẩn mực xã hội, hóa nó thành ý thức xã hội trong mỗi công dân, để mỗi công dân biết giữ mình liêm chính, không vụ lợi, không tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”(5).

PGS. TS. Phạm Xuân Hảo

---

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.4, tr. 21.

(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H, 2021, t.I, tr.184, 144.

(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 641, 642.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất