Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 16/10/2017 16:10'(GMT+7)

Thận trọng kiểm soát CPI những tháng cuối năm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Như vậy, sau chín tháng năm 2017, CPI tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2016 và tăng 1,83% so với tháng 12-2016. Nếu chỉ tính trong vòng ba năm gần đây, CPI tháng 9-2017 kể cả so tháng trước đó hay tính bình quân đều cao hơn so với năm 2015 và 2016. Năm 2015, CPI tháng 9 thậm chí còn giảm 0,21% so tháng trước đó; còn CPI bình quân chín tháng chỉ tăng 0,74%. Năm 2016, mức tăng tương ứng là 0,54% và 2,07%. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát năm nay đang trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan.

Dù nền kinh tế đang có bước tăng trưởng đột phá, kinh tế vĩ mô ổn định, song, vẫn còn nhiều thách thức có thể sẽ phải đối mặt. CPI bình quân đã tiệm cận mức trần 4%, cho nên dư địa điều hành lạm phát không còn nhiều. Xu hướng lạm phát những tháng cuối năm còn nhiều phức tạp, rủi ro. Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, dự báo, tăng trưởng GDP quý IV-2017 sẽ đạt khoảng từ 7,5 đến 7,7% nhờ cầu tiêu dùng, cầu đầu tư tăng mạnh hơn khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh. Xuất khẩu có thể tiếp tục tăng mạnh do những diễn biến thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới cũng như tăng trưởng thương mại toàn cầu. Về tăng trưởng tín dụng, Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng mức tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21%. Nếu không kiểm soát tốt, điều này sẽ gây sức ép lên lạm phát, vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và gây “tăng trưởng bong bóng” ở một số lĩnh vực, nhất là bất động sản, ảnh hưởng lớn đến tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô. Cuối năm, vốn đầu tư được tập trung giải ngân, giá xăng dầu có thể sẽ tiếp tục tăng, cùng sự điều chỉnh giá của một số loại hàng khác sẽ tác động tới CPI.

Lạm phát là đỉnh quan trọng trong “tứ giác mục tiêu” (tăng trưởng, lạm phát, cán cân thanh toán và thất nghiệp), đồng thời là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Do vậy, diễn biến của lạm phát cần được theo dõi chặt chẽ. Cần theo dõi sát thị trường, không để xảy ra biến động và tiếp tục quan tâm tới chất lượng tín dụng, bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án. Công tác quản lý, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.

Cuối năm là thời điểm nhạy cảm về tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá dầu,... do vậy, cần nghiên cứu, theo dõi sát biến động tài chính, tiền tệ quốc tế để có phản ứng chính sách phù hợp. Cần thận trọng trong điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, điều hành tín dụng nên tập trung theo hướng tăng trưởng ở mức hợp lý, có thể hướng tới mục tiêu cao nhất là 21%, nhưng cần bảo đảm kiểm soát chất lượng tín dụng. Điều hành CPI những tháng cuối năm 2017 phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.

Theo nhandan.com.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất