Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 8/11/2008 19:53'(GMT+7)

Thận trọng tính hai mặt của bồi thường

  Sáng nay (8/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước. Đa số các ý kiến đại biểu đều đánh giá cao tầm quan trọng của dự án luật này, cho rằng cần phải có bộ luật để quy trách nhiệm của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức… bị thiệt hại do cơ quan Nhà nước gây ra.

Với tầm quan trọng như thế, dự án luật này sẽ tác động đến toàn bộ cơ quan Nhà nước, tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng),  công tác tổng kết thực tiễn thể hiện trong dự án luật chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá bước đầu. Việc quy định trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động quản lý Nhà nước, tố tụng hình sự, thi hành án vào một luật là chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Trong khi, có thể thấy rằng mọi hoạt động của cán bộ công chức đều tiềm ẩn những nguy cơ sai phạm cố ý hoặc không, do đó việc không tuân thủ pháp luật do lơ là, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả là điều khó tránh khỏi. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý cho rằng, với những quy định như trong dự thảo luật thì chưa đảm bảo công bằng, hợp lý giữa mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại với mục tiêu bảo đảm hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước cũng như giúp Nhà nước phòng ngừa vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức Nhà nước.

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đặt vấn đề có nên điều chỉnh bằng luật vấn đề bồi thường trong tố tụng hay chưa, hay chỉ nên điều chỉnh bằng một Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho cả hai lĩnh vực oan và sai trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự. Theo đại biểu Lê Thị Nga, bồi thường trong lĩnh vực tố tụng là vấn đề rất lớn, không những liên quan đến việc đảm bảo quyền cơ bản của nhân dân, mà còn đảm bảo sự ổn định và hoạt động bình thường ở các cơ quan tố tụng. Trong khi đó, có quá nhiều nội dung chưa được làm rõ trong dự thảo về mặt lý luận, thiếu tính thực tiễn và rất không khả thi. Đại biểu cho rằng, đối với bồi thường do oan trong hình sự, cần có thêm thời gian để tổng kết thực tiễn việc thi hành Nghị quyết 388 kỹ lưỡng hơn; đối với bồi thường do sai trong cả hai lĩnh vực hình sự và dân sự chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm thực tiễn, trong thực tế chúng ta cũng chưa giải quyết một trường hợp nào. Đại biểu kiến nghị, khi nào chúng ta có đủ kinh nghiệm và độ chín thì mới nâng lên thành luật.

Một số đại biểu đồng ý với Dự án luật, trước mắt chỉ nên áp dụng bồi thường với 3 lĩnh vực: quản lý hành chính Nhà nước; tố tụng hình sự; thi hành án, bởi phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó. Đại biểu Vũ Duy Hoà (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, nếu quy định, điều chỉnh toàn diện từ quản lý hành chính, quản lý kinh tế-xã hội đến hoạt động tố tụng hình sự, hành chính, thi hành án và cả hoạt động xây dựng pháp luật, trên thực tế, các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại do các cơ quan Nhà nước gây ra ở tất cả các lĩnh vực nêu trên, chứ không chỉ xảy ra ở một số lĩnh vực như dự án luật đề cập. Đại biểu phân tích, việc ban hành văn pháp luật không đúng cũng có thể dẫn đến thiệt hại cho nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trên diện rộng và hệ luỵ rất phức tạp. Do đó, nếu dự án luật không điều chỉnh toàn diện sẽ không đạt được yêu cầu bình đẳng, công bằng và dân chủ trong việc bồi thường thiệt hại.

Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu để đơn giản hoá hơn nữa các quy định về xác định thiệt hại và thủ tục bồi thường. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) và một số đại biểu khác lưu ý rằng, bồi thường do làm sai sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cán bộ công chức, nhưng cũng có thể khiến họ quá thận trọng hoặc không kiên quyết trong công việc dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Vì thế, ngoài việc người làm sai phải bồi thường, cần nghiên cứu mức hỗ trợ của Nhà nước để cùng bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cơ quan Nhà nước gây ra.

Chiều nay (8/11), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 với đa số phiếu tán thành.

Cũng trong buổi làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị.

Theo Tờ trình của Chính phủ, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam những năm qua diễn ra với tốc độ khá cao. Đến nay đã có khoảng gần 30% dân số của cả nước sống và làm việc trong khu vực đô thị. Đây là khu vực có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng còn có rất nhiều bất cập, nhất là trong quản lý và phát triển đô thị, mà một nguyên nhân quan trọng là do khâu quy hoạch đô thị làm chưa tốt.

Tại buổi thảo luận, đa số ý kiến đều tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị để điều chỉnh các hoạt động về lập quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch. Các đại biểu cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị chưa đầy đủ nên trong thực hiện và xử lý còn lúng túng. Việc ban hành Luật quy hoạch đô thị sẽ tạo điều kiện để quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị được hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý hơn; tiết kiệm kinh phí của Nhà nước, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong công tác quy hoạch và xây dựng đô thị; bảo đảm mỹ quan và kiến trúc đô thị theo định hướng phát triển lâu dài, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Quy hoạch phải gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận chiều nay là về trách nhiệm lập tổ chức quy hoạch. Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn thành phố Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, nên giao cho chính quyền địa phương thành lập quy hoạch đô thị cho địa phương mình, sau đó trình chính quyền cấp trên trực tiếp phê duyệt. Quy trình này cũng được thực hiện đối với các quy hoạch đặc biệt, sau đó địa phương cần trao đổi với Bộ Xây dựng trước khi trình Chính phủ phê duyệt. “Quy hoạch bền vững chỉ khi nó được gắn với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chính quyền địa phương là người hiểu rõ hơn ai hết sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương mình, vì thế giao cho họ quy hoạch sẽ là phương án tốt nhất”- đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị.

Không tán thành quan điểm của đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh, các đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang), Nguyễn Thị Mai (đoàn Ninh Thuận) và một số đại biểu lại cho rằng, quy hoạch đô thị của các thành phố trực thuộc Trung ương có tầm quan trọng quốc gia vì các đô thị này có ảnh hưởng tới sự phát triển của cả nước hoặc vùng lãnh thổ rộng lớn. Vì vậy, đề nghị Luật quy định giao Chính phủ tổ chức lập quy hoạch đô thị đối với các thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (đoàn Ninh Thuận) đề nghị thêm rằng, không nên giao cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập quy hoạch đô thị vì năng lực lập quy hoạch của cấp này là hạn chế, không khớp nối được quy hoạch chung. Cấp huyện cũng không đủ năng lực về nhân lực, vật lực trong việc lập quy hoạch, sẽ dẫn đến chất lượng quy hoạch manh mún, không hiệu quả. Hơn nữa, đô thị là một thể thống nhất, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật liên thông, chỉ nên giao cấp tỉnh lập quy hoạch.

Cần thiết phải có ”nhạc trưởng” trong quy hoạch?
Về vai trò của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng cũng được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến trong buổi thảo luận. Các đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang), Hoàng Văn Toàn (đoàn Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Gia Lai) đều băn khoăn về chức danh này. Theo các đại biểu, Dự thảo Luật nên cân nhắc có cần thiết không phải có chức danh kiến trúc sư trưởng, bởi thực tế ở các đô thị đều đã có các cơ quan chuyên môn giúp UBND thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tham mưu cho Chủ tịch UBND những vấn đề về xây dựng, quy hoạch đô thị như là Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc. Mặt khác, trong dự thảo Luật đã có quy định về Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thực hiện các nhiệm vụ tương tự như Kiến trúc sư trưởng.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Mai (đoàn Ninh Thuận) và một số đại biểu lại cho rằng, có thể có chức danh kiến trúc sư trưởng. Nhưng cần phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và vị trí độc lập của Kiến trúc sư trưởng; mối quan hệ giữa kiến trúc sư trưởng với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng. “Năm 1992 đã làm thí điểm mô hình kiến trúc sư trưởng, nhưng đến năm 2002 lại thôi không thí điểm mô hình này nữa và giao lại nhiệm vụ này cho Sở Quy hoạch đô thị. Trước khi thực hiện mô hình Kiến trúc sư trưởng như Dự án Luật, Chính phủ cần có đánh giá, tổng kết mô hình chức danh Kiến trúc sư trưởng đã áp dụng những năm trước đây ở một số đô thị, trên cơ sở đó cần quy định rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Kiến trúc sư trưởng”- đại biểu Nguyễn Thị Mai đề nghị.

Một số đại biểu đề nghị có cả 2 chức danh Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng nhưng chỉ ở thành phố trực thuộc Trung ương. “Nên quy định Kiến trúc sư trưởng có nhiệm vụ tham mưu, định hướng về quy hoạch đô thị, bảo đảm tính thống nhất của quy hoạch đô thị về không gian, kiến trúc, hệ thống hạ tầng trong thời gian của quy hoạch, qua đó hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch đô thị khi thay đổi người lãnh đạo của cơ quan quản lý đô thị”- đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị.

Quy hoạch đô thị phải bảo đảm tính ổn định lâu dài
Các đại biểu đã đóng góp ý kiến về thời hạn của quy hoạch đô thị. Một số ý kiến tán thành với thời hạn quy hoạch chung đô thị là từ 20 đến 25 năm như Dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu lại cho rằng, các đô thị ở nước ta hiện đang có tốc độ phát triển rất nhanh nên cần xem xét các loại thời hạn quy hoạch nhằm bảo đảm thuận tiện và tính khả thi cho công tác quản lý. Quy hoạch đô thị phải bảo đảm tính ổn định lâu dài, vì thế nên có thời gian dài từ 40-50 năm. Đồng thời, để tránh tình trạng quy hoạch “treo” như hiện nay, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng phải có thời hạn nhất định phù hợp với trình độ quản lý và phát triển đô thị.

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về các nội dung như: phân loại đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, đối tượng của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị và nhiều điều khoản cụ thể trong dự án Luật./.

(VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất