Sáng 10/12, với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán
thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp
xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai
đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo Tờ trình của Chính phủ
do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày, giai đoạn 2023 -
2025, tỉnh Ninh Bình thực hiện sắp xếp 2/8 đơn vị hành chính cấp huyện
(1 huyện, 1 thành phố) và 32/143 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã, 3
phường, 6 thị trấn (trong đó có 22 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 10 đơn vị
liền kề). Đồng thời, tỉnh Ninh Bình còn đề nghị thành lập 2 phường trên
cơ sở nguyên trạng 2 xã (trong đó có 1 xã thuộc thành phố Ninh Bình và 1
xã thuộc huyện Hoa Lư).
Về phương án nhập huyện Hoa Lư với thành phố Ninh Bình để thành lập
thành phố Hoa Lư mới và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã
thuộc thành phố Hoa Lư mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nhập toàn bộ
103,49 km² và 83.613 người của huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình để
thành lập thành phố Hoa Lư mới. Thành phố Hoa Lư (tại thời điểm nhập
huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình) có 150,24 km² (đạt 100,16% tiêu
chuẩn) và 238.209 người (đạt 158,80% tiêu chuẩn) và 25 đơn vị hành chính
cấp xã (13 xã, 11 phường, 1 thị trấn).
Sau khi nhập huyện Hoa Lư với thành phố Ninh Bình và thực hiện 16
phương án sắp xếp, thành lập 34/143 đơn vị hành chính cấp xã để hình
thành 16 đơn vị hành chính cấp xã mới, tỉnh Ninh Bình không thay đổi về
diện tích tự nhiên và quy mô dân số; giảm 1 huyện (huyện Hoa Lư), còn 7
đơn vị hành chính cấp huyện (5 huyện, 2 thành phố) và giảm 18 đơn vị
hành chính cấp xã (giảm 18 xã và 1 thị trấn, tăng 1 phường), còn 125 đơn
vị hành chính cấp xã (101 xã, 18 phường, 6 thị trấn).
Bên cạnh đó, đề nghị không thực hiện sắp xếp 12 đơn vị do có yếu tố
đặc thù quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Nội
dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025
của tỉnh Ninh Bình phù hợp với các quy hoạch có liên quan theo quy định
tại các nghị quyết của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ
quan thẩm tra nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các
phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phương án sắp xếp
tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người
hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp
xếp; việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; bố trí, sắp xếp trụ sở,
tài sản công và việc giải quyết chế độ, chính sách đặc thù của các đơn
vị hành chính hình thành sau sắp xếp của tỉnh Ninh Bình. Thành phần hồ
sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ, đúng quy định; quá trình chuẩn bị Đề án bảo
đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Ủy ban Pháp luật cho rằng thành phố Hoa Lư
hình thành sau sắp xếp đã đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên,
quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy
định tại Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 35.
Theo Tờ trình của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình có 12/34 đơn vị hành
chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng đề nghị không thực hiện
sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 do có yếu tố đặc thù. Căn cứ nội
dung giải trình của Chính phủ, đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 3
của Nghị quyết số 35, Ủy ban Pháp luật nhận thấy đề xuất của Chính phủ
về việc không thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính nêu trên
là có cơ sở, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong thời
điểm hiện nay. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Ninh
Bình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án và lộ trình để bảo đảm
thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính này trong những năm tiếp theo
theo đúng quy định./.
TTXVN