Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai tuần vừa qua đã có ba bệnh nhân được xác định mắc bệnh sởi nhập viện rải rác tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ bệnh sởi có thể quay trở lại theo chu kỳ 3-5 năm.
Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là một bệnh nhi 18 tháng tuổi, ngụ tại Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình cho biết trước đó bệnh nhi sinh sống ở miền Bắc, mới đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh thì bị phát bệnh và được đưa đến bệnh viện điều trị. Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi ngụ tại Quận 6 và trường hợp thứ 3 mắc bệnh là bệnh nhân 23 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận.
Qua điều tra dịch tễ và thực hiện công tác khoanh vùng dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố xác định các ca bệnh trên không có sự liên quan về nguồn lây nhiễm, bệnh xuất hiện ở cả đối tượng cả người lớn và trẻ em.
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết thời điểm giao mùa Đông Xuân, khi nhiệt độ hạ thấp, bệnh sởi dễ phát sinh và lây lan rộng; bệnh phổ biến nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc, khu vực phía Nam bệnh sởi xuất hiện rải rác.
Đặc tính dịch tễ học của bệnh sởi là bùng phát lại theo chu kỳ, thông thường cứ 3-5 năm lại xảy ra một đợt dịch, trong khi trước đó, vào năm 2014 dịch sởi xảy ra trên diện rộng bao gồm cả các tính phía Nam, vì thế nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát trong năm 2018 hoặc năm 2019 là rất lớn. "Nếu không chích ngừa đầy đủ thì nguy cơ dịch sởi có thể quay lại và bùng phát bất cứ lúc nào," bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.
Cũng theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp nên dễ lây lan trên diện rộng. Bệnh có thể tự điều trị tại nhà nhưng khi có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm não... cần nhập viện để điều trị. Đặc biệt, nếu trẻ mắc sởi có biến chứng viêm não sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, nguy cơ tử vong cao.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ tiêm chủng phòng bệnh tại các điểm tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Do ai cũng có thể mắc bệnh sởi nên người dân nếu chưa chích ngừa hoặc không rõ lịch sử chích ngừa thì cần đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng.
Khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh sởi như sốt, phát ban, mắt đỏ, chảy nước mũi... cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng. Người mắc bệnh sởi cần được cách ly điều trị, tránh tiếp xúc với người khác, nhất là với những người chưa được tiêm chủng và trẻ nhỏ./.
(TTXVN)