Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 14/6/2014 15:20'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp chuyên đề về công tác giáo dục mầm non




Ngày 14/6, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 13, kỳ họp chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và bầu bổ sung thêm một Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua đề án Hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó sẽ thí điểm mô hình nhà trẻ công lập cho trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi từ năm học 2014 –2015.

Theo đề án của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học 2013 – 2014, thành phố có 907 trường mầm non với 336.008 trẻ ở độ tuổi mầm non, trong đó ngoài công lập là 172.274 trẻ; tổng số giáo viên là 18.544 người, có trên 71% giáo viên đạt chuẩn. Ở bậc học mầm non, hiện thành phố đang thiếu khoảng 2.000 giáo viên, phải sử sụng bảo mẫu làm công việc của chuyên môn của giáo viên. Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là tăng tỉ lệ trẻ tại các cơ sở mầm non công lập từ 31,9% hiện nay lên 40%, cơ sở ngoài công lập từ 26% lên 50%, giảm tỉ lệ trẻ tại nhóm trẻ gia đình từ 41% xuống 10%.

Bên cạnh đó, để thu hút nguồn nhân lực cho phát triển giáo dục mầm non, thành phố sẽ bổ sung các chức danh nhân viên nuôi dưỡng, bổ sung biên chế cho một số phòng Giáo dục – Đào tạo quận, huyện làm công tác giáo dục mầm non; có chế độ hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân đang làm việc tại đây. Trong đó đề xuất các giải pháp như ưu tiên xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất cho ngành giáo dục; kêu gọi nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục mầm non.

Trong lộ trình thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, từ năm học 2014 – 2015, thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng tại 5 quận (thí điềm tại 1 – 2 trường công lập mỗi quận), nơi có đông công nhân sinh sống và làm việc. Năm 2015 – 2016 sẽ phát triển thêm 4 quận, huyện và thí điểm tại 24 quận, huyện vào năm học 2016 – 2017. Từ giai đoạn năm 2017 – 2020, sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố, để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, khi thực hiện lộ trình thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, Sở sẽ lựa chọn giáo viên, bảo mẫu tại các khu vực này để đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thí điểm. Việc thực hiện lộ trình nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tại các cơ sở công lập chủ yếu phục vụ cho những công nhân, công chức, viên chức không có điều kiện để chăm sóc trẻ ở nhà. Ở độ tuổi này, nếu có điều kiện thì gia đình nên nhà chăm sóc trẻ ở nhà là tốt nhất.       

Tại kỳ họp, các đại biểu đã bầu bổ sung ông Tất Thành Cang, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải làm Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, là thạc sĩ Luật, cử nhân Chính trị. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng của thành phố như: Bí thư Thành đoàn, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Quận 2/.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất