Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 6/7/2016 10:24'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ hội nhập

Khu du lịch sinh thái Rừng Sác- Cần Giờ

Khu du lịch sinh thái Rừng Sác- Cần Giờ

Du lịch là một ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị kinh tế cao được nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển, nhất là phát triển du lịch bền vững, nhằm “giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường thiên nhiên và cộng đồng địa phương, và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái mà du lịch phụ thuộc vào”. Mạng lưới tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc (United Nation World Tourism Organization Network) chỉ ra rằng du lịch bền vững cần phải sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường đóng vai trò chủ yếu trong phát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, và giúp duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên. Tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống  đã được xây dựng và đang sống động, và đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ liên văn hóa. Đồng thời  bảo đảm sự hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế xã hội tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng, bao gồm cả những nghề nghiệp và cơ hội thu lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, và đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo.

Mục đích chính của phát triển bền vững chính là để 3 trụ cột của du lịch bền vững:  môi trường, văn hóa - xã hội và kinh tế được phát triển một cách đồng đều và hài hòa. Vì thế, du lịch bền vững (sustainable tourism) là một phần quan trọng của phát triển bền vững (sustainable development) của Liên hợp quốc và của Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2004), bởi: 1/Giúp bảo vệ môi trường sống cho các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó. Nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ việc không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. 2/Giúp phát triển kinh tế, thông qua việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. 3/Giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.4/Góp phần đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bào cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.

Với vị trí nằm ở trung tâm có mạng lưới giao thông đường bộ, hàng không và đường thủy, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cầu nối giữa Việt Nam và quốc tế. Với lịch sử hơn 300 năm tuổi, có nhiều tài nguyên du lịch hấp dẫn, đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn như: di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, di tích lịch sử văn hoá Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố và các trung tâm giải trí như Công viên văn hoá Đầm Sen, khu du lịch Suối Tiên, hệ du lịch sinh thái biển Cần Giờ… Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu về việc thu hút khách du lịch. Những năm 2006 – 2010, lượng khách du lịch quốc tế đến Thành phố tăng bình quân 15% năm, năm 2000 - năm đầu tiên của chương trình hành động quốc gia về du lịch - khách quốc tế đến thành phố là 1.100.000 lượt đến năm 2006 đã đạt 2.350.000 lượt và năm 2010 đạt 3,1 triệu lượt khách quốc tế, chiếm hơn 60% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch nội địa tăng đều đặn hàng năm, ngay cả trong thời kỳ chịu tác động của suy thoái kinh tế với tỷ lệ từ 20 đến 30%/năm. Doanh thu ngành du lịch Thành phố tăng bình quân 30%/ năm: năm 2006 đạt 16.200 tỷ đồng, đến năm 2010 đã là 41.000 tỷ đồng, chiếm 45% tổng doanh thu du lịch cả nước và đóng góp 5,5% GDP của Thành phố[1].

Lượng du khách đến Thành phố ngày càng tăng càng đặt ra cho ngành du lịch những cơ hội và thách thức để duy trì và phát triển bền vững. Từ điều kiện cụ thể của địa phương, những năm qua, theo hướng phát triển du lịch bền vững, Đảng bộ Thành phố đã chủ trương: “Đưa ngành du lịch thành phố thực sự là một ngành công nghiệp với sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch của các nước trong khu vực”[2], coi du lịch là thế mạnh và là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình số 05-CTr/TU, về “Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2006 - 2010)” đã lập kế hoạch một cách cẩn thận, nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch của Thành phố; liên kết với các tỉnh, thành xây dựng và phát triển các khu du lịch đạt chuẩn quốc tế. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống khách sạn của Thành phố, xây dựng sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến vào các thị trường trọng điểm, gắn với mở rộng hợp tác liên kết và kêu gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực”[3].

Theo đó, việc tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá đầu tư, thương mại, du lịch để giới thiệu hình ảnh Thành phố với các nước trên thế giới, nhằm thu hút khách du lịch tới Thành phố và tìm kiếm cơ hội đầu tư, từ đó tranh thủ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế Thành phố nói chung cũng như đầu tư thương mại du lịch nói riêng được quan tâm. Đặc biệt là việc chú trọng phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn để vừa làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch, vừa tạo cơ sở động lực cho sự phát triển kinh tế của Thành phố được thực hiện đồng bộ.

Trong đó, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm đặc biệt. Bằng nguồn vốn đầu tư của Trung ương cũng như nguồn vốn địa phương, Thành phố đã ưu tiên đầu tư và hoàn thiện các công trình hỗ trợ cho tuyến du lịch đường Rừng Sác, tuyến đường vành đai Tân Sơn Nhất, xây dựng cầu Phú Mỹ, đường hầm Thủ Thiêm, xây dựng Công viên Lịch sử Văn hoá các dân tộc... Ngành du lịch đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường, củng cố và cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch đã có; tiếp tục nâng cao chất lượng các điểm tham quan có sức thu hút cao như: Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, hệ thống các chùa… Đồng thời xây dựng các sản phẩm mới và mang tính đặc thù như: Triển khai đề án khu phố đi bộ ở quận 1 tại đường Đồng Khởi - Nguyễn Huệ; xây dựng tuyến du lịch tham quan khu phố Đông y quận 5 kết hợp với nhà hàng thực dưỡng. Chú trọng các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, với khu vực phụ cận và ra các nước như Campuchia, Thái Lan, Xingapo…

Cùng với đó là việc phát động chiến dịch nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố thông qua việc lựa chọn và biểu dương các dịch vụ hàng đầu của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh với Chương trình có tên gọi là “Thành phố Hồ Chí Minh 100 điều thú vị”. Trong đó, lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao; du lịch đường sông cũng là một sản phẩm du lịch mới hiệu quả đã và đang chinh phục nhiều du khách…

Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong những năm qua được đổi mới không chỉ về nội dung mà cả hình thức, nhất là thông qua lễ hội Tết Nguyên đán với hoạt động đường hoa, phố hoa, Tết Nguyên tiêu, lễ hội Kỳ Yên Lăng Ông - Bà Chiểu, ngày hội Hội du lịch Thành phố. Ngành du lịch Thành phố tham gia các sự kiện và hội chợ du lịch thương mại với các địa phương trong nước, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến ra nước ngoài như tổ chức các Road show và tham gia các hội chợ quốc tế ở những thị trường trọng điểm; đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông như hệ thống truyền hình, phát thanh và báo chí; tổ chức các Famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, giới thiệu), Press tour (du lịch khảo sát) cho các hãng lữ hành, các hãng truyền hình và nhà báo du lịch quốc tế đến tham quan Thành phố Hồ Chí Minh để tuyên truyền quảng bá về sản phẩm và hình ảnh của Thành phố đến với thị trường du lịch thế giới được sâu rộng hơn. Ngành du lịch Thành phố cũng tăng cường phối hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng chuyên mục du lịch trên truyền hình (VTV, HTV, VCTV), đài phát thanh và một số tờ báo lớn; đẩy mạnh hoạt động câu lạc bộ phóng viên du lịch; phát huy vai trò của Tạp chí Du lịch... Đẩy mạnh xúc tiến du lịch ở ngoài nước thông qua Tổng cục du lịch Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Việt Nam; tổ chức các sự kiện du lịch hàng năm; đẩy mạnh tổ chức du lịch MICE (hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm)... là những điểm mạnh trong hoạt động phát triển du lịch của Thành phố.

Việc đào tạo nguồn nhân lực thông qua các hình thức: Tổ chức các hội thảo, báo cáo chuyên đề về hội nhập kinh tế thế giới, kinh doanh du lịch trong tiến trình tham gia WTO; tổ chức các lớp đào tạo Giám đốc lữ hành, Giám đốc quản lý khách sạn vừa và nhỏ, các khóa đào tạo điều hành tour và Trưởng đoàn Outbound, các khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ để cấp thẻ hướng dẫn viên tạm thời cho các ngoại ngữ hiếm như: Nhật, Hàn, Đức, Tây Ban Nha, Thái… Ngành du lịch Thành phố đã phối hợp với Lãnh sự quán một số nước tại Thành phố để tổ chức các buổi chuyên đề về đặc điểm tâm lý, thị hiếu và nhu cầu của khách du lịch. Tranh thủ sự giúp đỡ tài trợ của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội du lịch châu Á- Thái Bình Dương, WTO trong việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và báo cáo chuyên đề về du lịch, đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo du lịch với các trường và các học viện du lịch nổi tiếng trên thế giới...

Thành phố chủ động đẩy mạnh công tác cải cách và tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, trong đó quan tâm phát huy vai trò Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố trong việc tham mưu, đề xuất để Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối những hoạt động phối hợp các sở, ngành, quận - huyện với Sở Du lịch. Nâng cao năng lực quản lý về du lịch, công tác quy hoạch, kế hoạch thanh kiểm tra; xây dựng và xác lập hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về du lịch được chính xác đồng bộ và đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng bảo vệ du khách, bảo vệ các địa bàn trọng điểm du lịch, tăng cường các biện pháp khuyến cáo du khách về an ninh, thành lập các đội tình nguyện hỗ trợ du khách…

Chủ trương phát triển du lịch bền vững đúng hướng của Đảng bộ Thành phố cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành đã mang lại kết quả đáng khích lệ cho sự phát triển du lịch của Thành phố. Năm 2013, tổng lượng khách quốc tế đến Thành phố trong năm 2013  đạt 4.109.000 lượt, tăng 8,1% so cùng kỳ, đạt 100,2% kế hoạch năm 2013, chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tổng doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) năm 2013  đạt 83.191 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ, đạt 100% kế họach năm 2013, chiếm 44% tổng doanh thu du lịch Việt Nam. Năm 2014 đón 4.400.000 lượt khách quốc tế, tăng 7% so với năm 2013, chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt. Tổng doanh thu du lịch đạt 94.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013, chiếm 43% doanh thu du lịch Việt. Doanh thu từ du lịch của Thành phố trong năm 2015 đạt 94.600 tỷ đồng, tương đương 4,2 tỷ USD, chiếm 9,88% GDP của Thành phố và 30,2% doanh thu du lịch của cả nước[4].

Tiếp tục triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh những năm 2015-2020 và những năm tiếp theo, tạo bước phát triển mới cho du lịch Thành phố và các vùng lân cận; phát huy sức mạnh nội lực, khai thác các thế mạnh tiềm năng, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm du lịch cả nước; phát triển du lịch đồng thời với việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn Thành phố, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định rõ chủ trương: “Liên kết xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch đạt hiệu quả, ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch vào các thị trường trọng điểm, gắn với mở rộng hợp tác liên kết và kêu gọi đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch vào các thị trường trọng điểm, gắn với mở rộng hợp tác và liên kết đầu tư… xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch của Thành phố…”[5]. Để đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X vào cuộc sống, trong đó có phát triển mạnh du lịch giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, chức năng các cấp của Thành phố cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố đối với ngành du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, đi vào chiều sâu, từ đưa ra chủ trương tới giải pháp phát triển và sâu sát trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân Thành phố về vai trò và hiệu quả kinh tế - xã hội của ngành du lịch. Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 – 2020 (nằm trong đề án Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030). Chú trọng việc chỉ đạo phát triển du lịch theo hướng bám sát xu hướng nhu cầu, thị hiếu du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài tạo ra thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và khẳng định được giá trị thương hiệu. Đẩy mạnh phát triển những loại hình du lịch cao cấp mà Thành phố có tiềm năng như du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, du lịch mua sắm... nhằm tăng giá trị gia tăng của ngành…

Hai là, nâng cao hình ảnh “Thành phố Hồ Chí Minh – Điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn”, thúc đẩy tăng trưởng du lịch phát triển theo xu hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên cơ sở tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện với du khách, hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với du lịch trong khu vực. Tham gia tích cực vào các hoạt động của các Tổ chức du lịch quốc tế mà trọng tâm là Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO); thực hiện kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm, thiết lập các văn phòng, trung tâm xúc tiến quảng bá du lịch Thành phố đến với đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Qua các kênh truyền hình lớn trong và ngoài nước, thông qua các mạng xã hội cũng như tổ chức các hội chợ du lịch, các cuộc thi tìm hiều về du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng các ấn phẩm, phim quảng bá về du lịch Thành phố gắn với các cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam", "Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc".

Ba là, chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích sự chủ động, năng động của mọi thành phần kinh tế, mọi nguồn lực tham gia xây dựng và phát triển du Thành phố. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại Cần Giờ, địa đảo Củ Chi với phát triển du lịch đường thủy, sinh thái, du lịch trang trại và du lịch nghỉ tại nhà dân "homestay"; khai thác các khu dân cư, làng nghề truyền thống và phần đầu mỗi quận, huyện đều có ít nhất một sản phẩm du lịch phát huy được ưu thế, đặc thù của địa phương.

Bốn là, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thành phố hòa bình, thu hút khách quốc tế. Đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch, chú trọng kích cầu du lịch nội địa gắn với thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Duy trì và phát triển mạnh hơn nữa hệ thống dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, chương trình nghệ thuật phục vụ du khách; kết hợp với công tác nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới và đa dạng hơn, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội; phát huy tinh thần mến khách, thân thiện trong giao tiếp, thể hiện lối sống văn minh, văn hóa giao tiếp, văn hóa kinh doanh cho các tầng lớp nhân dân và cá nhân có ngành nghề liên quan đến lĩnh vực du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách đến với Thành phố.

 

TS. Lê Thị Hòa - Đại học Giao thông vận tải

Lê Thị Hà- Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh                                                                                                       

----------------------------

[1] Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo công tác năm 2011- 2015.

[2] Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII, nhiệm kỳ 2000 – 2005, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.12.

[3]Chương trình số 05 – CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VIII về “Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế (giai đoạn 2006 – 2010)”, tr.2.

[4] Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo công tác năm 2011- 2015.

[5] Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.25.

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất