Chiều 2/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,
Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã giao ban trực
tuyến ngắn với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực
hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND
Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố đã siết chặt thực hiện Chỉ
thị 16/CT-TTg theo phương châm “RÕ - NGHIÊM - CHẮC - HIỆU QUẢ”, bảo đảm
thực hiện đồng bộ trên địa bàn, quy định rõ 7 nhóm đối tượng được phép
ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau… Cùng với đó, số phương tiện tham
gia giao thông giảm 79% so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị
16/CT-TTg.
TĂNG CƯỜNG HỆ THỐNG ĐIỀU TRỊ
Thành phố đã huy động các bệnh viện tư
nhân tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 theo mô hình “bệnh
viện tách đôi”, trước mắt, khoảng 5 bệnh viện tham gia với quy mô 675
giường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho
biết, Bộ Y tế nhận thấy, trong thời điểm vừa qua, việc áp dụng Chỉ thị
16 của Thành phố đã đạt được hiệu quả nhất định, đặc biệt, công tác thu
dung, điều trị bệnh nhân theo đúng tinh thần giảm ca mắc, giảm ca tử
vong và tăng cường tốc độ tiêm vaccine. Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế
trực tiếp vào làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và có những chỉ đạo quyết liệt để tăng
cường năng lực cho hệ thống điều trị của Thành phố, trong đó chuẩn bị 3 cơ
sở cho 3 bệnh viện Trung ương; tăng cường năng lực cho bệnh viện hồi sức
1.000 giường của Thành phố Hồ.
“Công tác điều trị tương đối ổn, chúng
ta cũng có thể đảm đương được trong những tình hình khi số lượng những
trường hợp nguy kịch và nặng tăng lên”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Sáng 2/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp nhằm
đánh giá lại tất cả những hoạt động quản lý, bổ sung thêm các quy trình
chuyên môn phù hợp với điều kiện tình hình mới.
Liên quan đến các ca tử vong, Phó Bí thư
Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, các ca tử vong không
chỉ ở lớp thứ năm (hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nặng
và nguy kịch) mà còn ở lớp thứ tư (tiếp nhận các ca nặng có bệnh lý nền
hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các
trường hợp nặng), thậm chí có ca ở lớp thứ ba (điều
trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng
trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền; hồi sức cấp cứu
(thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng).
Ban Chỉ đạo yêu cầu Thành phố phải có
kết nối, phối hợp nhuần nhuyễn trong điều chuyển bệnh nhân giữa các lớp
nhanh chóng, kịp thời.
HỖ TRỢ, SÀNG LỌC F0 CÓ TRIỆU CHỨNG TỪ SỚM
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi
Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo, cho biết, Tổ
thông tin đáp ứng nhanh phối hợp với Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt
Nam, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai mạng lưới thầy thuốc đồng hành để cùng phối hợp
các quận, huyện sàng lọc bệnh nhân.
“Thông qua đầu số 1022, khoảng 3.000
thầy thuốc tình nguyện tham gia tư vấn trực tiếp F0 đang cách ly tại
nhà, F1 có nguy cơ cao, tiếp nhận tất cả các thông tin, đặc biệt hỗ trợ
điều chuyển ca F0 có nguy cơ đến các cơ sở y tế cấp cứu phù hợp”, ông
Bùi Thế Duy cho biết.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng
cường tổ chức hệ thống giám sát y tế cộng đồng đến từng khu, cụm dân cư,
kết hợp với mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” do Hội Thầy thuốc trẻ và
Tổ Thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo đang tổ chức và vận hành ở
Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố cũng đã rà soát lại Trung tâm
cấp cứu 115 với mong muốn tất cả người bệnh đều được cấp cứu, khám và
điều trị kịp thời. Với sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, một số xe
taxi, xe khách đã chuyển đổi công năng sang xe cấp cứu và phục vụ tại
chỗ, giao cho Chủ tịch UBND 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức toàn
quyền sử dụng, phục vụ công tác chữa bệnh khi ca F0 có triệu chứng nặng.
LẬP TRUNG TÂM TIẾP NHẬN, HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO
Để bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã
hội khi kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16, giảm tác động đến mức
thấp nhất đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, Thành phố quyết định hình
thành Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ người dân gặp khó khăn; cung cấp, tổ
chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khoảng 250.000 hộ nghèo, mất việc
với túi an sinh trị giá 500.000 đồng/tuần (không thuộc 5 nhóm đối tượng
của Nghị quyết 09 HĐND Thành phố).
Ngoài ra, Thành phố tập trung hỗ trợ 5
nhóm đối tượng theo Nghị quyết 09 của HĐND Thành phố với hơn 615 tỷ
đồng, trong đó hỗ trợ cho lao động tự do, hộ kinh doanh dừng hoạt động
đạt 100%. Thời gian qua, các địa phương, nhóm tình nguyện hỗ trợ lên tới
351 tỷ đồng.
(Ảnh: VGP)
TĂNG TỐC TIÊM VACCIEN TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH
Thành phố Hồ Chí Minh đang tận dụng thời điểm giãn cách
xã hội để tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5 cho người dân với 821.000
liều, từ ngày 22/7-1/8. Thành phố đã đơn giản hóa quy trình và đội hình,
huy động lực lượng y tế tư nhân, mở rộng 1.200 điểm để tiêm cho nhiều
người, phấn đấu trong tháng 8/2021 sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiêm được mũi 1
cho khoảng 70% dân số trên địa bàn Thành phố. Để bảo đảm tiến độ và kế
hoạch tiêm chủng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y
tế phân bổ vaccine liên tục cho Thành phố.
Bộ Y tế khuyến nghị, dựa trên điều kiện
thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm bớt quy trình, thời gian theo dõi sau tiêm,
đã áp dụng trong đợt tiêm chủng vaccine vừa qua và tốc độ tiêm chủng đã
được tăng.
Ban Chỉ đạo đánh giá Thành phố đã thực
hiện giãn cách nghiêm, chặt hơn và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp tối thiểu 4 triệu liều vaccine trong
tháng 8/2021, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo yêu cầu Thành phố phải có kế hoạch
cụ thể đến từng ngày với phương án cao nhất và phương án bình thường để
Bộ Y tế chủ động cân đối nguồn vaccine.
Thành phố cần tích cực tuyên truyền mạnh
mẽ với người dân về tác dụng bảo vệ của vaccine. Theo đó, người đã tiêm
vaccine vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ hơn nhưng có
thể lây cho người khác do vậy không được chủ quan, vẫn phải thực hiện
nghiêm 5K.
Việc tiêm vaccine không là bắt buộc theo
quy định của pháp luật nhưng là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người
đối với sức khoẻ bản thân và cộng đồng.
Ban Chỉ đạo đánh giá thời gian qua,
Thành phố Hồ Chí Minh đã làm rất tốt, ngày càng chú ý hơn trong việc giữ vùng an toàn
(vùng xanh), chuyển vùng nguy cơ (vùng vàng) thành vùng an toàn xanh.
Ban Chỉ đạo đề nghị Thành phố có những biện pháp làm mạnh mẽ, quyết liệt
hơn để giữ vững vùng xanh, chuyển nhanh vùng vàng ở tất cả các quận,
huyện.
CÁC TỈNH ÍT CA NHIỄM CŨNG PHẢI SẴN SÀNG TÌNH HUỐNG DỊCH NHƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Từ kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh
khác, để sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng hơn, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y
tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố còn ít ca nhiễm tiếp tục kiện toàn
hoạt động của tổ COVID-19 cộng đồng ngoài việc giám sát thực hiện phòng,
chống dịch ở khu dân cư, phát hiện người từ nơi khác về… và sẵn sàng có
trợ giúp y tế ban đầu.
Các tỉnh còn ít ca nhiễm cần thực hiện
ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tập huấn, thí điểm
cách ly tại nhà đối với F1, giữ cho lực lượng y tế không bị quá tải khi
dịch diễn biến phức tạp hơn nữa.
Các địa phương sớm chuẩn bị trung tâm
thu dung F0 không triệu chứng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần để
giảm thấp nhất tỷ lệ chuyển sang F0 có triệu chứng; thành lập các cơ sở
điều trị có triệu chứng nhẹ phải có hệ thống ô xy tập trung, máy thở ô
xy dòng cao… Bộ Y tế hướng dẫn kỹ các địa phương tổ chức hệ thống điều
trị theo mô hình 5 lớp từ kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban Chỉ đạo lưu ý các tỉnh cần thiết lập
hệ thống đường dây nóng có đủ năng lực tiếp nhận, xử lý đầy đủ thông
tin cần trợ giúp về sức khoẻ của của người dân, không chỉ liên quan đến
COVID-19.
Các địa phương tăng cường thực hiện "đi
từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", để nắm tất cả những người từ nơi
khác về, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp./.
Đình Nam (VGP)