(TG)-Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019 diễn ra mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực và thực chất hơn.
“Câu chuyện huyền thoại,” “ngôi sao đang lên” “nền kinh tế sáng giá nhất châu Á”... là những cụm từ được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam gần đây.
Việt Nam đang được xem là câu chuyện thành công của thế giới khi tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong tốp đầu suốt thập niên vừa qua.
Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016-2020, tô đậm thành tựu của 35 năm Đổi mới với những bước tiến vượt bậc.
Nâng cao vị thế và xây dựng cơ đồ vững mạnh
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật, đột phá.
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019 diễn ra mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực và thực chất hơn.
Tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng trưởng dựa trên chất lượng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Việt Nam đã có 4 năm liên tiếp 2016-2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước, tạo đà để Việt Nam đứng vững trong sóng gió.
Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, cải cách thể chế được đẩy mạnh, tổng số doanh nghiệp tăng gấp 1,5 lần... Đây là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8% vượt mục tiêu đề ra; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống dưới 4% giai đoạn 2016-2020; xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần, xuất siêu 5 năm liên tục; thương mại điện tử tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế; du lịch tăng trưởng bình quân gần 30%/năm, đạt 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, tăng hơn 10 triệu lượt so với năm 2015.
Phân tích kết quả phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Phó giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng dù vẫn còn có những mặt tồn tại, nhưng công tâm đánh giá, 5 năm qua là 5 năm thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong 5 năm qua (2016-2020) cơ cấu nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ. Trong đó, kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp đến 40% tổng GDP. Đây là sự phát triển đúng hướng, tạo đà cho nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng phát triển.
Trong 5 năm qua, nhất là năm 2020, việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đây được xem là động lực trong thời cơ mới, để giúp nền kinh tế tăng trưởng, năng suất lao động cao.
Không chỉ đạt thành tựu về các chỉ số kinh tế, các chỉ số xã hội khác cũng có những dấu ấn đáng khen ngợi. Nhiệm kỳ qua, phát triển văn hoá xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.750 USD.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến cuối năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%). Nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Dấu ấn không thể không nhắc đến trong nhiệm kỳ qua đó là thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/12/2020, đến năm 2020, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định FTA (năm 2020 Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam-Anh), đang đàm phán 2 FTA; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường...
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần Việt Nam là bạn và đối tác với mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tích cực đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương.
Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu.
Việc có quan hệ FTA với các nền kinh tế lớn và phát triển tại các khu vực địa lý khác nhau đã giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại và có được cơ cấu thị trường hợp lý hơn, không quá phụ thuộc vào một khu vực thị trường nào. Đây là minh chứng cho các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy sự ổn định cũng như tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam, vì thế cũng tăng lên rõ rệt trên trường quốc tế. Các hiệp định thương mại đi vào thực thi đã giống như các “tuyến cao tốc” rộng mở, nối gần hơn doanh nghiệp Việt với thế giới.
Đó là những con số biết nói, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, không phải trong một sớm một chiều. Những thành tích đạt được đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một “câu chuyện huyền thoại” trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước, tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số Phát triển nguồn nhân lực (HDI) cao nhất trên thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN...
Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018; năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020 của Liên hợp quốc, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được năm mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2010-2020, Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69.
Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn.
Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020 do đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ Việt Nam có được vị thế và cơ đồ vững chắc như hiện nay”...
Những thành công đó không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.
Dấu ấn lãnh đạo của Đảng
Những kết quả, thành tựu đạt được trong 5 năm qua có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
Dấu ấn lãnh đạo kinh tế của Đảng trong nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét thông qua các cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chính thức Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII, cũng như một loạt quyết sách quan trọng khác được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành.
Qua đó nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế.
Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhiều lần tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương.
Tại những Hội nghị này, người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Quốc hội đều đưa ra những định hướng, và đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong các ưu tiên của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được đặt lên là hàng đầu.
Với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ, và người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện các loại thị trường.
Qua đó, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hình thành hệ thống thể chế có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh.
Chính vì vậy, nhiều "điểm nghẽn" về thể chế đã được Chính phủ phát hiện, xử lý. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh được tháo gỡ. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh.
Trong nhiệm kỳ, cùng với việc Đảng đã ban hành Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Chính phủ đã phát động thành công “đợt sóng” cải cách hành chính lớn.
Nhờ vậy, Việt Nam đã tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh theo các bảng xếp hạng toàn cầu.
Khoảng cách điểm số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với nhóm các nước dẫn dầu ASEAN đang thu hẹp lại.
Với phương châm hành động xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân,” đã mang lại thành quả là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.
Những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào Kế hoạch 2021-2026 và Chiến lược mới 2021-2030, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững./.
Một số Nghị quyết quan trọng của Trung ương được ban hành trong nhiệm kỳ:
- Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết có thể coi là đột phá trong tư duy, giúp kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
- Nghị quyết số 11-NQ/TW hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết nhằm hoàn thiện và định hình rõ nét hơn đường lối phát triển này.
- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
TG