Thứ Bảy, 23/11/2024
Thể thao
Thứ Năm, 29/12/2016 20:52'(GMT+7)

Thể thao Việt Nam và năm của những dấu ấn lịch sử

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập chiến công rực rỡ tại đấu trường Olympic. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập chiến công rực rỡ tại đấu trường Olympic. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Có thể kể đến những thành tích đáng tự hào như: Lần đầu tiên đội tuyển Futsal Việt Nam giành vé trực tiếp tham dự Vòng Chung kết Futsal thế giới 2016 khi đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản trong trận tứ kết giải Futsal châu Á 2016. Năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên đội tuyển bóng đá trẻ U19 Việt Nam giành vé dự World Cup U20 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào năm 2017 khi đánh bại chủ nhà U19 Bahrain…

Đặc biệt, năm 2016 lần đầu tiên thể thao Việt Nam đoạt 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, thiết lập kỷ lục tại Olympic Rio 2016 qua thành tích thi đấu xuất sắc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Có thể nói đây là thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng đi vào lịch sử của thể thao lần này, thành tích của anh đã giúp cho Việt Nam lần đầu tiên có được vị trí 48/206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia thế vận hội.

Tại đấu trường Paralympic 2016, lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành 1 huy chương vàng, phá kỷ lục Paralympic, phá kỷ lục thế giới ở mức tạ 183 kg do vận động viên khuyết tật Lê Văn Công mang lại. Đây cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên của thể thao người khuyết tật Việt Nam tại đấu trường thể thao khuyết tật thế giới từ khi bắt đầu hòa nhập vào năm 2000. Tấm huy chương này được xem là biểu tượng cho ý chí, nghị lực phi thường cỉa con người Việt Nam luôn vươn lên chiến thắng số phận.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên - cô gái vàng của thể thao Việt Nam cũng không làm người hâm mộ nước nhà thất vọng khi đạt được huy chương vàng đầu tiên cho Việt Nam tại Giải vô địch Bơi châu Á. Với thành tích thi đấu xuất sắc, phá kỷ lục ở nội dung 400 mét hỗn hợp, Nguyễn Thị Ánh Viên đã ghi danh vào lịch sử thể thao Việt Nam tới tư cách là vận động viên đầu tiên giành huy chương vàng bơi châu Á...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho biết: Trước đây, thể dục thể thao nước nhà chủ yếu tập trung cho đấu trường khu vực Đông Nam Á - SEA Games và đầu tư dàn trải ở nhiều môn thể thao. Nhưng nay, ngành đã có những đổi mới căn bản, hướng vận động viên đạt thành tích cao đến các sân chơi quốc tế mang tầm lớn hơn như ASIAD, Olympic... Đồng thời, thể thao Việt Nam rút gọn phạm vi đầu tư, tập trung cho các môn thể thao trọng điểm như: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Cử tạ, Thể dục dụng cụ...

Ngay từ đầu năm 2016, ngành thể thao Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu, tập trung thực hiện tốt 9 nhiệm vụ đã đặt ra, trong đó tập trung đầu tư cho các vận động viên các môn thể thao Olympic, các môn thể thao trọng điểm. Chính từ cách làm mới này, năm 2016, ngành thể thao nước nhà đã đón nhận một số dấu ấn mà chưa bao giờ có được. Có thể thấy, việc tập trung cho những môn thể thao trọng điểm là chủ trương đúng và trúng của ngành thể thao Việt Nam những năm gần đây là bước đi đúng đắn, mang lại thành tích cao cho thể thao nước nhà...

Để thể thao nước nhà tiếp tục phát triển bền vững, trong thời gian tới, ngành tiếp tục phấn đấu, phát huy sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại và trình độ khu vực. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật đã phát triển mạnh và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở các nước, trong các giải khu vực và thế giới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Có những bài học tự chúng ta phải rút kinh nghiệm để tiến xa hơn trong tương lai. Để có được thành công năm 2016, thể thao Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ Thế vận hội 2012, từ đó có sự chuẩn bị chu đáo hơn, triển khai nhiều giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Quốc Trị (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất