Trưa 10-8, có thêm 184 lao động từ Libya đã về đến sân bay Nội Bài, nâng
tổng số lao động trở về Việt Nam an toàn lên 453 người, trong đó có 29
lao động từ hai vùng đang có nội chiến ác liệt là Tripoli và Benghazi.
184 lao động về nước hôm nay nằm trong số 682 lao động của công ty Vinamex cung ứng cho nhà thầu Hàn Quốc Hyundai Amco.
Trước đó, 682 lao động này dự kiến rời Libya từ ngày 7-10/8 bằng máy bay của hàng không Ai Cập và về Việt Nam bằng máy bay của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc xin phép cho máy bay vào Libya để đón số lao động này nên kế hoạch bị chậm hơn so với dự kiến.
Đối với việc hỗ trợ lao động trở về, đại diện Công ty Vinamex cho biết, công ty sẽ hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng và xe ôtô đưa lao động đến các bến xe để về quê. Về phía nhà thầu Hàn Quốc Huyndai Amco, đại diện nhà thầu cho biết sẽ ưu tiên số lao động này đi làm việc tại các công trình khác của nhà thầu tại Ai Cập và một số quốc gia khác trong thời gian tới.
Kế hoạch sơ tán 682 lao động Việt Nam khỏi Libya bằng đường hàng không qua Ai Cập đã bắt đầu được thực hiện dưới sự phối hợp giữa nhà thầu Hàn Quốc Huyndai Amco với Vietnam Airlines, công ty Vinaconex và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập.
Số lao động nói trên đang làm việc tại dự án "2.000 Housing Projet" ở thị trấn Al-Qubbah thuộc thành phố Al-Beida, miền Đông Libya, cách khu vực chiến sự Benghazi khoảng 200km.
Trong ngày 9-8, hai chuyến bay thuê riêng của Hãng hàng không quốc gia Libya (Libyan Airlines) cất cánh từ sân bay Misrata đến sân bay quốc tế Cairo chở 182 lao động.
Dự kiến, Libyan Airlines sẽ huy động bốn chuyến bay để chở khoảng 360 lao động Việt Nam vào ngày 10-8 và hai chuyến cuối cùng vào ngày 11-8 để đưa số lao động còn lại từ Libya sang Cairo.
Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện hai chuyến bay thẳng Cairo-Hà Nội vào hai ngày 10-11/8. Các máy bay được Vietnam Airlines huy động gồm Airbus 330-200 và Boeing 777-200 với 250-270 ghế.
Để chuẩn bị cho kế hoạch sơ tán lao động Việt Nam tại Libya bằng đường không, công ty Huyndai Amco đã cử ba cán bộ sang Ai Cập làm công tác tiền trạm từ cách đây một tuần. Công ty Vinaconex cũng cử hai cán bộ sang để phối hợp sơ tán lao động. Về phần mình, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và các cơ quan ngoại giao khác tại Cairo sẽ huy động toàn bộ nhân lực để hỗ trợ nhà thầu Hàn Quốc và công ty phái cử lao động giải quyết các thủ tục pháp lý và hành chính nhằm nhanh chóng đưa công dân Việt Nam về nước.
Trong hai ngày tới, số lao động còn lại trong nhóm 682 lao động sẽ tiếp tục về nước theo kế hoạch.
Theo Vietnam+