(TG) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo triều cường và gió mạnh, sóng lớn trên biển, rét đậm, rét hại để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo dự báo, ngày và đêm 26/12, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4,5m, biển động. Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m, biển động. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có mưa dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Bên cạnh đó, từ ngày 25-26/12/2022, khu vực ven biển Nam Bộ xuất hiện đợt triều cường cao, mực nước lớn nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 4,3-4,35m. Độ cao sóng tại khu vực ven biển Bình Thuận-Cà Mau dao động 2-4,5m, biển động.
Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai để nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo triều cường và gió mạnh, sóng lớn trên biển, rét đậm, rét hại để chủ động ứng phó.
Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Phong Duy