Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 18/3/2012 16:40'(GMT+7)

Thoát nghèo bền vững nhờ chuyển đổi thành công nhân ngay trên quê hương mình


Ghé thăm xưởng chế biến hạt điều của Công ty TNHH Sơn Trung Nguyên, ở ấp Đường Liếu, xã Ngũ Lạc, không khí làm việc sôi nổi, khẩn trương của gần 300 công nhân, hầu hết là nữ người dân tộc Khmer tuổi từ 18 – đến 45. Chị Sơn Thị Thơm, 43 tuổi, làm công nhân bóc tách vỏ lụa hạt điều, vui vẻ cho biết: Gia đình tôi nghèo vì không có đất sản xuất, 3 năm nay, kể từ khi Công ty TNHH Sơn Trung Nguyên tuyển công nhân không đòi hỏi tiêu chuẩn cao nên tôi mới có việc làm ổn định, lương bình quân mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Cùng hoàn cảnh như chị Thơm, Chị Thạch Thị Nương năm nay đã 45 tuổi, cùng người con gái nhờ đi làm công nhân bóc tách vỏ hạt điều mà cuộc sống gia đình đã có dư để tiết kiệm. Con gái chị trước đi làm công nhân ở tận tỉnh Bình Dương, thu nhập khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Nhưng vì xa nhà chi phí ăn ở, đi lại có tiết kiệm chi tiêu lắm mỗi tháng cũng chỉ gửi về được 1 triệu đồng. Bây giờ, cả 2 mẹ con cùng làm công nhân tại đây, thu nhập mỗi tháng từ 4,5 – 5 triệu đồng, cuộc sống gia đình 5 nhân khẩu giờ đã vượt qua nghèo túng.

Không chỉ có Công ty TNHH Sơn Tùng, xã Ngũ Lạc hiện nay còn có 2 công ty chuyên chế biến hạt điều xuất khẩu và một cơ sở may công nghiệp gia công. Các công ty này đã thu hút trên 1200 lao động tại địa phương, với mức lương từ 1, 2 – 3,5 triệu đồng/ người/tháng. Đây là kết quả từ chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh và sự nỗ lực mời gọi các doanh nghiệp của lãnh đạo xã Ngũ Lạc để tháo gỡ khó khăn trong công tác tạo việc làm cho lao đông nghèo. Anh Hà Ngọc Chí, Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc, cho biết: Xã Ngũ Lạc có đến 63 % dân số là đồng bào dân tộc Khmer và có điều kiện KT – XH đặc biệt khó khăn đang được thụ hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Những năm qua, từ nguồn vốn chương trình 135, xã đã xây dựng cơ bản hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nối liền thông suốt với tỉnh lộ, quốc lộ. Vận dụng yếu tố thuận lợi này, cùng với chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, từ năm 2008, xã kêu gọi những nhà doanh nghiệp là người của quê hương đang sản xuất kinh doanh ở các khu công nghiệp lớn như TP. HCM, Bình Dương, Bình Phước đến đầu tư cơ sở, chi nhánh sản xuất nhằm tạo việc làm cho lao động nghèo địa phương. Với nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư như: Doanh nghiệp được hỗ trợ từ 30 – 100 % chi phí để lập hồ sơ lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; giá cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng được tính ở mức 1.440 đồng/ m2/ năm đối với đất chưa có cơ sở hạ tầng và 2800 đồng/ m2/năm đối đất đã được xây dựng cơ sở hạ tầng; miễn thuế thu nhập từ 2 năm – 7 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm thuế từ 50 % trong 6 -7 năm tiếp theo tùy theo lĩnh vực đầu tư; hỗ trợ chi phí dạy nghề cho người lao động đối với vùng KT – XH đặc biệt khó khăn,… nên xã đã thu hút được 4 doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc Chí cho biết, hiện nay xã Ngũ Lạc còn 1882 hộ nghèo. Hầu hết hộ nghèo không đất, ít đất sản xuất đều có ít nhất một người đi làm công nhân tại địa phương. Nhờ vậy 3 năm qua, bình quân mỗi năm trong xã có 60 hộ thoát nghèo. Một kết quả xóa nghèo mà nhiều năm trước chưa bao giờ xã thực hiện được. Có thể nói, nỗ lực thu hút đầu tư để tạo việc làm tại địa phương cho người lao động đã giúp địa phương giải được “bài toán khó” xóa hộ nghèo bền vững./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất