Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 3/9/2011 9:12'(GMT+7)

Thông điệp của Hồ Chí Minh về giáo dục vẹn nguyên giá trị thời đại

 Không phải ngẫu nhiên mà ngày 5-6-1911 Hồ Chí Minh lại quyết định đi sang nước Pháp, tới các nước phương Tây mà lại không đi theo cách nghĩ và cách làm của các bậc cha chú như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám. Trước khi ra nước ngoài, Hồ Chí Minh đã có những tư duy mới mẻ, độc lập, tự chủ, sáng tạo. Người không chấp nhận suy nghĩ cho rằng chỉ bằng nhiệt huyết yêu nước, lòng căm thù xâm lược và khát vọng độc lập tự do là có thể đánh bại quân xâm lược. Tư duy của Người cũng hoàn toàn xa lạ với kiểu “đồng văn đồng chủng”. Suy nghĩ và hành động của Người với ý chí dù chỉ một mình cũng quyết tâm sang Pháp, nơi có khoa học kỹ thuật phát triển, nơi tôi luyện những khái niệm về cách mạng, tiến bộ, dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái... cho thấy ngay từ lúc đó Hồ Chí Minh đã muốn hiểu biết, khám phá thế giới theo tinh thần “muốn đánh Pháp phải hiểu nước Pháp, muốn hiểu Pháp phải học chữ Pháp”, phải có trí tuệ để nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng. Thông điệp của Người là muốn đánh kẻ thù thì phải hiểu kẻ thù. Chính vì vậy khi được cha cho học trường Pháp – bản xứ ở Vinh, rồi trường Tiểu học Đông Ba, trường Quốc học Huế, Người rất tích cực học tập. Những ngày trước khi ra nước ngoài, Hồ Chí Minh đã có ý định xin vào học trường Kỹ nghệ thực hành ở Sài Gòn. Người quyết định sang Pháp không phải để chống lại nước Pháp mà để tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, văn minh Pháp, lấy cái đó làm “vũ khí” trí tuệ để chống lại bọn thực dân xâm lược trên đất nước mình.

Những tháng năm hoạt động ở nước ngoài, Người tiếp tục thực hiện ý định của mình về việc khám phá, học tập, tiếp thu trí tuệ của thời đại. Người đã có đơn gửi Tổng thống nước Pháp từ Mácxây, đề ngày 15-9-1911 xin vào học trường Thuộc địa (với lá đơn này, các thế lực thù địch đã có hành động xuyên tạc xấu xa mục đích tìm đường cứu nước chân chính của Nguyễn Tất Thành và đã bị các nhà sử học chân chính của nước Pháp và nhiều nhà nghiên cứu bóc trần). Cùng với hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh tích cực nghiên cứu lý luận, tiếp thu có chọn lọc văn minh Âu, Mỹ. Bằng sự trải nghiệm của bản thân, Hồ Chí Minh thấy rằng muốn làm cách mạng thành công phải “trồng người”, huấn luyện, đào tạo cán bộ. Từ những năm hai mươi, phát hiện ra sự hạn chế về tư duy lý luận của những người yêu nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ, rồi gửi những học viên ưu tú tiếp tục được đào tạo ở nước ngoài tại trường quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu, Trung Quốc) và trường Đại học phương Đông (Mátxcơva, Liên Xô).

 Khi Đảng ra đời, Hồ Chí Minh cùng Đảng lãnh đạo dân tộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời gian ngắn trên đường về nước, được tin hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng, vì bị đế quốc Pháp khủng bố đã vượt biên giới sang Quảng Tây (Trung Quốc), Hồ Chí Minh nghĩ ngay tới việc tổ chức một lớp huấn luyện cho anh em, sau đó đưa họ trở về củng cố và mở rộng phong trào ở Cao Bằng. Lớp học đã được tổ chức tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Các tài liệu huấn luyện được tổ chức biên soạn thành cuốn sách nhan đề Con đường giải phóng. Thông điệp và việc làm của Hồ Chí Minh về đào tạo, huấn luyện cán bộ cho cách mạng có ý nghĩa to lớn cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh-con người đã từng là thầy giáo và có ba mươi năm lăn lộn ở ngoài nước, hiểu rõ ý nghĩa sâu xa và vai trò to lớn của tri thức - đã xác định sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và kháng chiến là cuộc đấu tranh chống lại ba kẻ thù: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thông điệp của Người ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (3-9-1945) là: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Và Người đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Hàng loạt sắc lệnh liên quan tới giáo dục được Hồ Chí Minh ký như Sắc lệnh về việc thành lập Nha bình dân học vụ (6-9-1945); Sắc lệnh về việc thiết lập một Quỹ tự trị cho trường Đại học Việt Nam (10-10-1945); Sắc lệnh về việc thành lập Hội đồng Cố vấn học chính (10-10-1945); Sắc lệnh về việc thiết lập một ban đại học Văn khoa tại Hà Nội (10-10-1945)... Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cùng với việc ra đời của nhiều Bộ, Bộ Giáo dục cũng được thành lập...Để thực hiện nhiệm vụ của Nha Bình dân học vụ là cấp tốc xóa nạn mù chữ trong nhân dân, ngày 4-10-1945, Hồ Chí Minh đã có lời hiệu triệu “Chống nạn thất học”. Người nhấn mạnh: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”. Người kêu gọi:“Muốn giữ vững nền độc lập, Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.

Điều thú vị là Hồ Chí Minh cho rằng xóa bỏ nạn mù chữ là tạo nên một phong trào giáo dục đại chúng. Người chỉ ra rằng học đọc và học viết có thể được tiến hành bất cứ ở đâu, dùng than, mặt đất hoặc lá chuối làm bút và giấy. Ai cũng có thể học được. Đặc biệt sự chú trọng của Người đối với tình trạng bất bình đẳng về điều kiện sống và về thế giới cho đến nay vẫn mang tính toàn cầu và đúng với mọi lứa tuổi. Chúng ta có thể thấy tinh thần của thông điệp đó được phản ánh đầy đủ trong báo cáo mới đây về phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người mang tên “Tiếp cận những người bị gạt sang bên lề xã hội”.

Năm 1955, kỷ niệm 10 năm Bình dân học vụ, Hồ Chí Minh đưa ra một thông điệp: “Dốt thì dại, dại thì hèn. Vì không chịu dại, chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của nhân dân các các nước dân chủ mới”(1). Trong giai đoạn nhân dân miền Bắc bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi bàn về nhiệm vụ giáo dục, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm giáo dục “học đi đôi với hành”, nội dung giáo dục ở từng cấp học tiểu học, trung học, đại học phải góp phần giải quyết nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử , phù hợp với lứa tuổi. Đó phải là một nội dung toàn diện về văn hóa, đạo đức, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chuyên môn. Đại học phải đi sâu nghiên cứu lý luận, góp phần giải quyết được những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam. Về phương pháp giáo dục, Hồ Chí Minh chú trọng tự học, học suốt đời, học từ thực tiễn, học nhân dân, học bạn, học thầy, càng tiến bộ càng phải học. Giáo dục theo quan điểm Hồ Chí Minh không chỉ nhằm nâng cao dân trí, giữ nền độc lập, xây dựng đất nước mà còn là một yếu tố cần thiết cho việc xóa nghèo, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, kiềm chế sự phát triển dân số, đạt được sự bình đẳng giới và bảo đảm phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “kế hoạch xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường “nửa ngày học tập nửa ngày lao động”.

Theo bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, từ khi được thành lập vào năm 1946, UNESCO đã đi đầu trong nỗ lực xóa bỏ nạn mù chữ trên toàn cầu với những chương trình như Giáo dục cho mọi người. Điều này đã được Hồ Chí Minh nêu lên từ năm 1945 khi Người trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bà nhấn mạnh mối tương liên giữa ý nghĩ của Hồ Chí Minh rằng “mục tiêu cuối cùng của việc học là trở nên con người theo đúng nghĩa của từ này với bốn trụ cột của việc học đã được Ủy ban về Giáo dục cho thế kỷ XXI xác định trong báo cáo của họ trình lên UNESCO trong thập kỷ 1990 như là những nguyên tắc cơ bản cho việc định hình lại giáo dục”. Bốn trụ cột của giáo dục đã có trong di sản Hồ Chí Minh là:

 “Học để biết, ngụ ý cung cấp những công cụ nhận thức cần có để hiểu biết thế giới và những điều phức tạp của nó một cách tốt hơn, và để có nền tảng đủ và phù hợp để học tập trong tương lai.Học để làm, có nghĩa là cung cấp các kỹ năng giúp các cá nhân tham gia một cách có hiệu quả vào nền kinh tế và xã hội toàn cầu.
Học để làm người, có nghĩa là cung cấp những khả năng tự phân tích và kỹ năng xã hội để giúp các cá nhân phát huy đầy đủ nhất tiềm năng của mình về mặt tâm lý – xã hội, về tình cảm cũng như thể chất, để trở thành một “con người toàn diện” về mọi mặt. Học để chung sống ngụ ý là hướng các cá nhân vào những giá trị tiềm ẩn trong các nguyên tắc dân chủ, sự hiểu biết giữa các nền văn hóa, tôn trọng và hòa bình ở mọi cấp bậc xã hội và quan hệ giữa người với người nhằm giúp cho các cá nhân và các xã hội cùng sống trong hòa bình và hòa thuận”(2).Cũng với tinh thần này, ông Hans D’Orville nhận xét rằng: “Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống tiếp thu trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”(3).

Xu hướng của thế giới toàn cầu hóa hiện nay là học suốt đời, là giáo dục đại chúng, giáo dục cho mọi người. Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thấy được trở lực trên con đường phát triển nhanh, bền vững là nghẽn về giáo dục. Đảng ta xác định: “Yêu cầu cấp bách trong thời kỳ chiến lược tới là tái cấu trúc nền kinh tế trong đó một nội dung quan trọng là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào sự gia tăng vốn đầu tư và nguồn chất lượng thấp hiện nay sang kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý hiện đại”.

Từ buổi khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9-1945), Hồ Chí Minh đã nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Quan điểm của Hồ Chí Minh cách đây hơn 65 năm đã nói trước được điều mà ngày nay thế giới đang rất quan tâm, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Và Việt Nam đang trở lại với tư tưởng của Người khi Đảng ta khẳng định “cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Nhận thức được vai trò của giáo dục với ý nghĩa “quốc sách hàng đầu” là điều có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng biến nó thành hiện thực mới là điều có ý nghĩa quyết định nhất./.

PGS.TS Bùi Đình Phong



------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.8, tr.64.(2) Bài phát biểu tại Hội thảo khoa học Quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” tổ chức trong hai ngày 12 và 13-5-2010, tại Hà Nội. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.(3) Tuanvietnam.net, ngày 20-5-2010

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất