Sáng 29/11, với 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết
tán thành (chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông
qua Luật Địa chất và khoáng sản.
Luật Địa chất và khoáng sản
gồm 12 Chương, 111 Điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều
tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa
khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng
sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng
sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền,
hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dầu khí; các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng thiên
nhiên, nước nóng thiên nhiên; hoạt động chế biến khoáng sản không gắn
với dự án đầu tư khai thác khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác
khoáng sản hoặc giấy phép khai thác tận thu khoáng sản không thuộc phạm
vi điều chỉnh của Luật này.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo
Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê
Quang Huy cho biết, về quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng
sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản (Điều 12), có ý
kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung tên gọi của quy hoạch là quy hoạch thăm
dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; đồng thời, chỉnh sửa tương
ứng tại quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi tên quy
hoạch khoáng sản tại khoản 1 Điều 12 là quy hoạch khoáng sản nhóm I và
quy hoạch khoáng sản nhóm II để bảo đảm ngắn gọn, bao hàm các nội dung
liên quan. Đồng thời đã rà soát, chỉnh lý đồng bộ tên quy hoạch tại các
quy định liên quan đến quy hoạch khoáng sản trong dự thảo Luật. Để bảo
đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã
chỉ đạo chỉnh lý tên gọi quy hoạch khoáng sản tại nội dung sửa đổi, bổ
sung Luật Quy hoạch trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công
tư và Luật Đấu thầu.
Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 56), có ý kiến đề nghị điều
chỉnh quy định thời gian cấp phép không quá 50 năm và thời gian gia hạn
không quá 15 năm.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoáng sản là
tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có
cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Việc quy định
thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ
chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các
tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm
quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa
là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều
kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm
thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.
Điểm a khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật đã quy định giấy phép khai thác
khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều
lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm,
bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định
của pháp luật về đầu tư. Trên thực tế, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn
thành việc khai thác, kết thúc dự án. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định
việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép
khai thác khoáng sản đã hết thời gian (kể cả thời gian gia hạn) nhưng
còn trữ lượng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho
phép được giữ quy định về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản như
tại điểm a khoản 4 Điều 56, đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để bảo
đảm thuận lợi, dễ dàng về thủ tục gia hạn giấy phép.
TTXVN