Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng các hãng thông tấn có một vai trò vô cùng quan
trọng trong việc truyền đi thông tin chất lượng và kịp thời. Đây vừa là
phương tiện và mục tiêu của những thay đổi mang tính tích cực.
Đại diện gần 100 hãng thông tấn tham dự Đại hội các hãng thông tấn toàn
thế giới lần thứ năm tại Baku, Azerbaijan, đã nghe thư của Tổng Thư ký
Liên hợp quốc Ban Ki-moon gửi cùng ngày tới Đại hội trong phiên bế mạc
vào ngày 17/11/2016, tại Baku, Azerbaijan.
Trong thư gửi tới Đại hội, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định truyền
thông truyền thống và hiện đại có vai trò chính đối với pháp trị, quản
trị tích cực và dân chủ. Các quốc gia thành viên của LHQ khẳng định
nguyên tắc này Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, được
thông qua vào năm 2015, với mục tiêu vì hòa bình, thịnh vượng, nhân phẩm
và cơ hội cho tất cả mọi người.
Ông Ban Ki-moon cho rằng các hãng thông tấn có một vai trò vô cùng quan
trọng trong việc truyền đi thông tin chất lượng và kịp thời. Đây vừa là
phương tiện và mục tiêu của những thay đổi mang tính tích cực. Theo TTK
LHQ, chưa bao giờ mà con người có thể dễ dàng tiếp cận, tạo ra và chia
sẻ thông tin như ngày nay.
Việc trao đổi tin tức và ý tưởng, trong một quốc gia hay giữa các quốc
gia, tạo ra triển vọng lớn lao cho những điều tốt đẹp. Mặt khác, việc
lan truyền những thông tin sai trái, đặc biệt là những phát biểu mang
tính hận thù, là mầm mống đe dọa hòa bình và phát triển. Các cơ quan
truyền thông có trách nhiệm đặc biệt trong việc đẩy lùi xu thế này bằng
cách thúc đẩy sự tha thứ và hiểu biết và phản ánh sự thật một cách không
sợ hãi.
Đề cập đến sự cần thiết phải bảo vệ nhà báo, Tổng Thư ký LHQ đưa ra dẫn
chứng, trong một thập kỷ qua, ít nhất 827 nhà báo đã bị giết hại trong
khi đang tác nghiệp trong những hoàn cảnh khác nhau không chỉ tại các
khu vực chiến sự. Ông Ban Ki-moon cũng cho rằng để xóa bỏ những mối đe
dọa đối với các nhà báo cần có sự cam kết của tất cả các Chính phủ trước
tiên, và các cơ quan chức năng, trong đó có LHQ.
Trong phiên bế mạc, Tổng Giám đốc hãng thông tấn chủ nhà AZERTAC, ông
Aslan Aslanov đã chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch NAWC nhiệm kỳ
2016-2019 và Tổng Giám đốc hãng Thông tấn Bulgaria (BTA), ông Maxim
Minchev, chính thức trở thành Tổng Thư ký của NAWC lần thứ năm. Đại hội
cũng nhất trí NAWC lần thứ sáu sẽ được tổ chức tại Sofia, Bulgaria, vào
năm 2019. Đại hội cũng đã thông qua Tuyên bố Baku 2016.
|
Tổng Giám đốc AZERTAC, ông Aslan Aslanov đã trở thành Chủ tịch NAWC nhiệm kỳ 2016-2019. (Nguồn: AZERTAC) |
Trước đó, trong hai ngày diễn ra, các đại biểu đã đại diện các hãng
thông tấn có 5 phiên thảo luận về các chủ đề như: Tiêu thụ tin tức trong
tương lai; Các hãng thông tấn – thách thức và cơ hội của công nghệ mới
và truyền thông xã hội; Sáng kiến của các hãng thông tấn; Đào tạo nhà
báo cho truyền thông đa phương tiện trong tương lai và Bảo vệ các nhà
báo.
Đại diện một số hãng thông tấn đã phát biểu về những vấn đề mà báo chí
đang phải vượt qua trong thời kỳ chuyển đổi với tốc độ nhanh chưa từng
có, các hình thức hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các hãng thông tấn,
các sáng kiến truyền thông mới, các nền tảng truyền thông xã hội và vai
trò của các hãng thông tấn, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ và khởi
nghiệp với các sáng kiến truyền thông hiện đại, và bảo vệ nhà báo trong
quá trình tác nghiệp.
Việc hình thành NAWC là sáng kiến của Hãng thông tấn Nga TASS, Đại hội
lần đầu tiên được tổ chức tại Moskow, Nga, tháng 9/2004. Các đại hội
tiếp theo lần lượt được tổ chức tại Tây Ban Nha, Argentina, và Saudi
Arabia. WNAC lần thứ năm thu hút sự tham dự của 77 đại biểu từ 39 hãng
thông tấn của 31 nước châu Á, 51 đại biểu từ 30 hãng thông tấn từ 23
nước châu Âu, 25 đại biểu đến từ 16 quốc gia châu Phi, 17 đại biểu đến
từ 9 hãng thông tấn của Mỹ./.
(TTXVN)