Trưa 3/4, ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã ký công văn số 548/TB-SYT, thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí về việc phát nhầm thuốc cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Nội vụ sự việc như sau. trong tháng 3/2018, Trung tâm Y tế huyện Tân Phước tiếp nhận điều trị ba thai phụ là Huỳnh Thị Kim Cúc ( sinh năm 1986, cư ngụ tại ấp Mỹ Bình, xã Phước Lập, Tân Phước) nhập viện lúc 15 giờ 30 phút ngày 7/3/2018 với chẩn đoán dọa sẩy thai/thai khoảng 7 tuần; xuất viện vào lúc 15 giờ ngày 9/3/2018. Khi xuất viện, bác sĩ điều trị cho thêm Miprotone 100mg, số lượng 20 viên, uống ngày 2 lần.
Bệnh nhân Mai Bích Ngân ( sinh năm 1993, cư ngụ tại ấp Mỹ Đức, xã Mỹ Phước, Tân Phước), nhập viện lúc 16 giờ 10 phút ngày 5/3/2018 với chẩn đoán dọa sẩy thai/thai khoảng 8-9 tuần; xuất viện vào lúc 15 giờ ngày 9/3/2018. Bác sỹ điều trị cho xuất viện cũng chỉ định Miprotone 100 mg, số lượng 20 viên, uống ngày 2 lần.
Bệnh nhân Dương Diễm My ( sinh năm 1988, cư ngụ tại Phường 2 (thành phố Bạc Liêu) nhập viện ngày 8/3/2018 với chẩn đoán dọa sẩy thai/thai khoảng 5 tuần; xuất viện lúc 14 giờ ngày 9/3/2018. Bác sỹ điều trị cho xuất viện cũng chỉ định toa Miprotone 100 mg, số lượng 20 viên, uống ngày 2 lần.
Tuy nhiên, thay vì cấp Miprotone 100 mg, nhân viên Khoa Dược thiếu kiểm tra, đối chiếu nên đã phát nhầm thuốc Misoprostol 200 mcg. Sau đó, nữ hộ sinh Khoa Sản cũng thiếu kiểm tra, đối chiếu khi phát thuốc.
Đến tối 9/3, bệnh nhân Huỳnh Thị Kim Cúc bị đau bụng và ra huyết âm đạo nên quay lại tái khám. Tại đây, nhân viên y tế phát hiện có việc nhầm lẫn trong việc phát thuốc, đã tư vấn cho bệnh nhân để tiếp tục theo dõi, điều trị phù hợp. Bệnh nhân Huỳnh Thị Kim Cúc sau đó đến Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang siêu âm lại. Tại đây, bệnh viện siêu âm và chẩn đoán thai khoảng 7 tuần tuổi 3 ngày đã chết lưu, được tư vấn, thực hiện chấm dứt thai kỳ và đã xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Bệnh nhân Mai Bích Ngân, bị ra huyết âm đạo, tái nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước. Hiện đã ổn định, thai nhi phát triển bình thường. Bệnh nhân Dương Diễm My do phát hiện kịp thời, chưa dùng thuốc nên không ảnh hưởng.
Theo ông Trần Thanh Thảo, khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo ngành y tế đã họp Hội đồng chuyên môn, xem xét vụ việc và kết luận nguyên nhân sự cố trên do nhân viên Khoa Dược và Khoa Sản chưa thực hiện đầy đủ quy trình cấp phát thuốc, thiếu bước kiểm tra, đối chiếu nên dẫn đến cấp phát thuốc chưa đúng theo đơn thuốc đã được bác sỹ chỉ định.
Nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu của bệnh nhân Huỳnh Thị Kim Cúc chưa thể khẳng định là do thuốc Misoprotol bởi lẽ trước đó, thai rất yếu. Mặt khác, thuốc Misoprotol chỉ có tác dụng làm mềm cổ tử cung, tăng co bóp tử cung dễ dẫn đến xảy thai chứ không đủ khiến thai chết lưu.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Tân Phước khẩn trương thực hiện các công việc: cử người thăm hỏi, động viên gia đình bệnh nhân; tăng cường xây dựng và giám sát việc thực hiện các quy chế, quy trình chuyên môn. Mặt khác, Trung tâm Y tế huyện tổ chức họp Hội đồng kỷ luật xem xét, xử lý sai phạm phù hợp đối với các dược sỹ và nữ hộ sinh phát nhầm thuốc cho bệnh nhân./.
Minh Trí/TTXVN