1. Việt Nam chúng ta quá độ từ chưa có CNTB đi lên CNXH khác về chất so với quá độ từ CNTB lên CNXH theo cách khái quát của Mác. Quá độ kiểu “gián tiếp” đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc tính biện chứng giữa mục tiêu và bước đi trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong quá trình cách mạng nếu xa rời mục tiêu sẽ có nguy cơ đi đến cơ hội và xét lại. Chính vì vậy, khi quyết định đổi mới đất nước, Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Đổi mới chứ không đổi hướng, đổi mới để có CNXH nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu không biết từ mục tiêu để định ra đường đi nước bước thì có nguy cơ dẫn đến ảo tưởng, khi biết ảo tưởng mà “mưu toan thực hiện ảo tưởng sẽ trở thành trọng tội”. Đây là điều C. Mác và Ăngghen đã cảnh báo trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
Cũng không ít cuộc cách mạng, sự thất bại không phải là ở xác định mục tiêu mà sự thất bại lại diễn ra ở sự nhận thức không sâu sắc tính biện chứng và tổ chức thực hiện “đường đi nước bước” không phù hợp để tiến tới mục tiêu. Vì vậy, quán triệt sâu sắc biện chứng giữa mục tiêu và bước đi là vấn đề trọng yếu bảo đảm cho cách mạng thành công.
Nhìn lại quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam thời gian qua, có thể xem xét việc nhận thức và vận dụng biện chứng giữa mục tiêu và bước đi trước hết được thể hiện rõ nét ở:
Một là, mục tiêu xây dựng CNXH của Việt Nam là xây dựng chế độ không có người bóc lột người, nhưng đường đi nước bước Việt Nam lại phải chấp nhận hiện tượng người bóc lột người. Tuy nhiên, chấp nhận hiện tượng người bóc lột người không phải để xây dựng xã hội người bóc lột người mà chấp nhận hiện tượng người bóc lột người là để xây dựng xã hội không có người bóc lột người.
Có một thời gian chúng ta chưa nhận thức sâu sắc tính biện chứng này, do vậy nhiều chủ trương chính sách của chúng ta tuy xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm tốt đẹp nhưng xã hội ta đã không phát triển được, thậm chí đã có một thập kỷ sa vào khủng hoảng kinh tế - xã hội (1975-1986).
Thực tiễn Việt Nam hôm nay, nhiệm vụ chủ yếu đang phải nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, kém phát triển; đang phải lo giải quyết công ăn việc làm, đang phải lo ổn định xã hội.
Huy động mọi tiềm năng, nguồn lực, giải quyết công ăn việc làm, làm ra sản phẩm cho xã hội, góp phần thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh là mục đích phấn đấu của chúng ta hôm nay. Trên thực tế, việc bóc lột đúng luật pháp hiện nay vẫn đang còn có ích, chúng ta còn phải chấp nhận nó chí ít cũng là trong thời kỳ quá độ.
Lênin đã từng nhấn mạnh, bản chất và linh hồn sống của học thuyết Mác là phải phân tích những vấn đề cụ thể trong bối cảnh cụ thể. Ngày hôm nay, trong quá trình xây dựng CNXH từ một nước còn nghèo, trình độ khoa học công nghệ còn yếu kém, chất lượng lao động thấp, công ăn việc làm đang là nhu cầu cấp bách trong một bộ phận dân cư. Vì vậy, huy động vốn, công nghệ, các nguồn lực vào phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội, ổn định xã hội mới là thước đo cho việc đề ra các chủ trương, chính sách thực hiện “đường đi nước bước” để tiến tới mục tiêu.
Hai là, chấp nhận quan hệ tư bản trong đường đi nước bước để xây dựng CNXH trong mục tiêu đi tới.
Chúng ta xây dựng CNXH từ một nước chưa có CNTB. Lịch sử - tự nhiên trong sự phát triển của nhân loại là phương thức trước tạo điều kiện và tiền đề cho phương thức sau. Điều này có nghĩa là CNXH chỉ có thể ra đời từ CNTB. Nói cách khác chưa có CNTB thì cũng không hi vọng nói đến CNXH. Đây là tính tất yếu lịch sử- tự nhiên trong sự phát triển của xã hội loài người.
Tuy nhiên, lịch sử - tự nhiên trong sự phát triển của mỗi quốc gia mỗi dân tộc lại có thể thực hiện những bước bỏ qua một hoặc thậm chí một vài phương thức sản xuất trong sự phát triển khi biết căn cứ vào trình độ phát triển của nhân loại. CNTB thế giới hiện nay đã phát triển ở trình độ cao, điều này cho phép Việt Nam có thể bỏ qua phương thức sản xuất TBCN với tư cách là phương thức sản xuất thống trị khi xây dựng CNXH. Như vậy trong đường đi nước bước, Việt Nam chỉ có thể bỏ qua phương thức sản xuất TBCN với tư cách là phương thức sản xuất thống trị, chứ không phải bỏ qua quan hệ sản xuất TBCN. Thực tiễn ngày nay khi Việt Nam chấp nhận nhiều thành phần kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế liên doanh; chấp nhận đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân, chấp nhận hiện tượng người bóc lột người… thực chất chúng ta đã chấp nhận quan hệ TBCN. Trong vòng một vài năm chấp nhận quan hệ tư bản trong đường đi nước bước, chỉ riêng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm 37% giá trị Công nghiệp, 55% giá trị xuất khẩu và giải quyết trên 1,2 triệu lao động. Dự báo sắp tới, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là một trong những hướng đột phá để tăng tốc con tàu kinh tế Việt Nam. Như vậy việc chấp nhận quan hệ TBCN trong đường đi nước bước đã thành cái phải thực hiện khi chúng ta đi vào kinh tế thị trường. Nói cách khác không có kinh tế tư nhân thì không có kinh tế thị trường. Tuy nhiên về mặt nguyên tắc không thể chấp nhận quan hệ TBCN với tư cách là quan hệ thống trị.
Đi vào kinh tế thị trường, quan hệ tư bản tồn tại là khách quan và chấp nhận nó cũng là khách quan. Tuy nhiên, chấp nhận quan hệ tư bản không phải để đi đến xây dựng xã hội tư bản, mà chấp nhận quan hệ tư bản là để xây dựng xã hội XHCN.
2. Để có CNXH ở Việt Nam, yêu cầu phát triển kinh tế phải đi liền với công bằng và tiến bộ xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Vấn đề phân hóa giàu nghèo nếu hợp lý là công bằng, nhưng nếu không hợp lý sẽ lại là nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị xã hội.
Chúng ta vừa sống quá lâu trong kiểu phân phối bình quân, cào bằng của cơ chế quan liêu, bao cấp. CNXH đúng ra phải thực hiện “phân phối theo lao động” là hình thức phân phối chủ yếu. Tuy nhiên, thời kỳ trước đổi mới (nhất là thời kỳ 1975-1986), chúng ta đã ngộ nhận chia đều sản phẩm làm ra là công bằng. Hệ quả là “nhốt tất cả vào một rọ”: siêng năng, biếng nhác; tích cực, tiêu cực; làm tốt, làm xấu; có hiệu quả và kém hiệu quả... đều hưởng thụ như nhau. Cách phân phối này đã triệt tiêu động lực phấn đấu, mài mòn cá tính con người. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng kinh tế-xã hội ở nước ta thời 1975-1986. Những năm đổi mới chúng ta thay đổi về nhận thức: phân phối công bằng không phải là chia đều sản phẩm làm ra, mà chính chia không đều mới là công bằng. Cách phân phối phải trở lại thực chất “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” là chủ yếu. Mọi công dân có quyền làm giàu tất cả những gì luật pháp không cấm và được hưởng thụ tương ứng. Mọi chủ trương, chính sách cản trở năng lực làm giàu phải được dỡ bỏ. Khi đầu giàu được giải phóng, đầu giàu sẽ càng giàu, sẽ bỏ xa đầu nghèo. Một bộ phận người nghèo vẫn tồn tại và trong những hoàn cảnh nhất định, có thể về “mo” hoặc về “âm” (vay tiền ngân hàng nuôi trồng thủy sản do bão lụt bị trôi hết chẳng hạn).
Như vậy, khoảng cách giàu nghèo sẽ khó mà thu hẹp, ngược lại sẽ ngày càng giãn ra trong thời gian trước mắt, chí ít cũng là từ nay đến 2020.
Một thực tế khác, bài học về sự phát triển ở Việt Nam vừa qua, đã nêu tấm gương về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đi liền với chăm lo con người và phát triển xã hội. Tỉ lệ đói nghèo ở Việt Nam tính bằng số người sống dưới mức 1 USD/ngày đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 16% năm 2006, 14% năm 2007 và 13% năm 2008 (nếu như không có “bão giá” diễn ra).
Như vậy, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong quá trình đổi mới là thu hẹp diện người nghèo (chứ không phải là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo).
Từ nay đến 2020 nếu chủ trương thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các đối tượng sẽ dễ dẫn đến 3 hệ quả:
- Người giàu sẽ rất e ngại, sợ “chưa mở đã khép”, sợ “vỗ béo rồi vặt lông”.
- Người nghèo sẽ cho rằng, “nói không đi đôi với làm”, vì khó mà trở thành hiện thực trong tương lai gần.
- Trong chỉ đạo thực hiện, tổ chức thực tiễn sẽ dễ do dự, chập chờn, thiếu nhất quán.
Cái mà chúng ta có thể thực hiện được, trong tính hiện thực của vấn đề là: giải phóng mọi năng lực làm giàu, đồng thời thu hẹp diện người nghèo.
Một mặt khác, đất nước chúng ta vừa trải dài qua nhiều năm chiến tranh, chúng ta phải có trách nhiệm nghĩa vụ đền ơn đáp nghĩa với những người đã có công với nước, làm nên chế độ xã hội hôm nay. Đó là những thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng... Trong các cống hiến, phải thấy cống hiến máu xương, sức lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là cống hiến vô giá, phải được xã hội tôn vinh, đền đáp.
Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người mà hậu quả nặng nề của chiến tranh vẫn còn đeo bám: tàn tật, chất độc da cam, neo đơn... đó là chưa kể đến thiên tai, bất trắc, tai họa, rủi ro...
Như vậy từ nay đến 2020, theo tôi, chủ trương của chúng ta nên là: Giải phóng mọi năng lực làm giàu, thu hẹp diện người nghèo, biết ơn, đáp nghĩa những người có công, chăm lo những người neo đơn, rủi ro, bệnh tật...
Đây là chủ trương vừa hợp quy luật, vừa hợp lòng dân. Với chủ trương này, thực sự sẽ phát triển lực lượng sản xuất; đồng thời mọi giai tầng trong xã hội đều được phát huy và đều được quan tâm. Mặt khác, cũng không nên quan niệm: phân hóa giàu nghèo là động lực. Thực ra, phân hóa giàu nghèo là cái chúng ta phải chấp nhận, là hệ quả của chính sự phân phối công bằng: làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Đây mới thực sự là động lực đích thực. Bởi vậy, chúng ta khuyến khích, tôn vinh làm giàu chính đáng (là động lực), nhưng phản đối và nghiêm trị làm giàu bất chính (lực cản)./.
PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ