Thứ Ba, 23/8/2011 13:43'(GMT+7)
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Giảm tải nội dung dạy học theo 5 tiêu chí chính
Năm học mới 2011 - 2012 sắp bắt đầu. Để việc học tập không trở thành gánh nặng đè lên con trẻ, để mỗi ngày đến trường thực sự “là một ngày vui”, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) chủ trương sẽ giảm tải mạnh mẽ nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK). Trong trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc giảm tải năm học 2011 - 2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính:
Thứ nhất là giảm tải những kiến thức có cùng nội dung nhưng lại được viết trong chương trình SGK để giảng dạy ở nhiều môn học khác nhau. Ví dụ như cùng bài “Trạng thái của chất” đã có trong SGK môn Hóa học lớp 8 lại có cả trong SGK môn Vật lý; hay bài “Những nhu cầu của cây trồng” đã có ở SGK môn Hóa học lớp 9 lại có cả ở môn Sinh THCS...
Nhóm kiến thức giảm tải thứ hai là những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình, SGK theo quan điểm đồng tâm. Ví dụ, cùng là bài hàm số bậc nhất và bậc hai có trong Toán lớp 10 và cả trong Chương II, Đại số lớp 9.
Nội dung giảm tải thứ ba là những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Ví dụ: Ở cấp Tiểu học, không yêu cầu học sinh xây dựng tiểu phẩm khi học môn Đạo đức; ở môn Địa lý lớp 6 (Bài 18) có câu hỏi 2 về: “Tại sao lại có sự khác nhau giữa khí hậu đại dương và lục địa?”. Câu hỏi này yêu cầu kiến thức chuyên sâu, không phù hợp với học sinh (HS) lớp 6.
Việc giảm tải cũng quan tâm đến các kiến thức mang đặc điểm địa phương. Ví dụ, đối với môn Công nghệ thì ở các thành phố có thể dạy về kĩ thuật trồng cây cảnh hay kĩ thuật thủy canh thay vì phải dạy kiến thức về trồng cây gây rừng.
Việc thứ năm là những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại. Điều này rõ nhất ở môn Mỹ thuật cấp THCS. Ví dụ: Bài “Mỹ thuật thời Trần” của lớp 7 và bài “Một số công trình mỹ thuật thời Trần” trước đây được dạy cách nhau 8 tuần thì nay sắp xếp hai tiết này ở hai tuần liền nhau để giáo viên (GV) và HS thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy - học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng.
Thưa Thứ trưởng, việc giảm tải được tiến hành như thế nào, có phải cứ “cắt chương trình” là sẽ giảm tải được không?
Chủ trương của Bộ GD - ĐT là cắt giảm mà vẫn giữ được yêu cầu tính thống nhất của chương trình SGK.
“Giảm tải” không có nghĩa là “cắt” chương trình một cách cơ học mà tiến hành điều chỉnh nội dung dạy học, chỉ cắt những phần không hợp lý, vẫn phải giữ được tính logic của kiến thức và tính thống nhất của nội dung môn học.
Chúng tôi hiểu rất rõ, sự quá tải lâu nay gây bức xúc nhiều trong ngành và toàn xã hội bởi rất nhiều nguyên nhân. Quá tải vì thời gian dạy học ít nhưng lượng kiến thức đòi hỏi phải trang bị cho các em lại nhiều. Chương trình SGK chúng ta viết tương đương trình độ các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng ở các nước đó phần lớn học sinh được học 2 buổi/ngày, số HS/lớp ít, số GV/HS thấp. Trong khi ở nước ta số HS được học 2 buổi/ngày không nhiều; điều kiện trang thiết bị dạy học của chúng ta cũng chưa đầy đủ; đội ngũ giáo viên tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng còn hạn chế nên việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hiệu quả cũng không thể ngày một ngày hai có kết quả ngay.
Những hạn chế nêu trên chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục khắc phục. Còn trong năm học này, giảm tải bằng điều chỉnh nội dung dạy học hợp lý là việc làm trong phạm vi khả năng và điều kiện thực tế của chúng tôi nên toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhằm mang lại sự hứng thú trong học tập cho học sinh.
Ngành GD – ĐT kỳ vọng việc giảm tải sẽ mang lại những tác động gì trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục?
Chúng tôi tin rằng, việc giảm tải lần này khắc phục được sự nhàm chán cho học sinh do phải học các kiến thức trùng lặp và giảm bớt việc dạy thêm, học thêm... Giảm tải cũng sẽ giúp các giáo viên và học sinh có thêm thời gian dạy và học tốt hơn các yêu cầu kiến thức phổ thông cần thiết hoặc cho việc rèn luyện kĩ năng sống...
Mục tiêu cuối cùng của chúng ta khi thực hiện giảm tải chính là để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhân đây tôi muốn nói thêm một chút về quan điểm thế nào là giáo dục có chất lượng. Lâu nay chúng ta vẫn đánh giá chất lượng giáo dục thông qua việc đánh giá các kiến thức văn hóa của học sinh. Vì thế, mới nảy sinh xu hướng học nhồi nhét, quá đề cao thành tích trong các kỳ thi... Chúng tôi cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục còn phải chú ý hơn nữa đến việc rèn luyện nhân cách cho học sinh: Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giáo dục sức khỏe, khả năng tự lập và khả năng sáng tạo giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Có như vậy, học sinh mới có được hứng thú và phương pháp để tự học suốt đời...
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Hoàng Hoa (Báo Tin Tức)