“Chính quyền và doanh nghiệp đều phải có tư duy hội nhập,” Thủ tướng nói và yêu cầu Cà Mau tăng cường công khai, minh bạch hóa trong quản lý điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Sáng 11/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau - một trụ trong “Tứ giác động lực” phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Cà Mau được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, lĩnh vực du lịch và cụm công nghiệp khí-điện-đạm.
Tỉnh có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254km, thuộc hành lang ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ, lại nằm ở trung tâm vùng biển của các nước Đông Nam Á - những khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển, đảo.
Tất cả những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trên đã tạo cho Cà Mau những lợi thế so sánh không dễ có được đối với một số tỉnh khác trong khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung Cà Mau nói riêng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.
Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, phân cấp giữa địa phương và Trung ương còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; các cơ chế điều phối phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy tác dụng.
Theo báo cáo của địa phương, năm 2019, dự kiến thu ngân sách của Cà Mau chỉ đạt ở mức 5.519 tỷ đồng (vượt 20,8% dự toán), nhưng chi ngân sách ở mức 12.840 tỷ đồng, hơn gấp đôi nguồn thu và vượt 32,4% dự toán.
Mặc dù vậy, dự kiến việc giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này trong cả năm cũng chỉ đạt 63% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 47,1 triệu đồng. Ngành dịch vụ chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế ở mức hơn 40%.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Cà Mau là địa phương cực Nam của Tổ quốc, một địa bàn vùng sâu, vùng xa. Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và phát triển tương đối toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của tỉnh không cao nhưng mức tăng trưởng trong nông nghiệp đạt cao hơn bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thế mạnh về nuôi tôm, trồng rừng và dịch vụ được chú trọng đầu tư, phát triển.
Hạ tầng kinh tế xã hội tại Cà Mau cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là giao thông nông thôn, qua đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
"Cà Mau là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nuôi tôm và cũng là tỉnh có kết quả giảm nghèo bền vững tiến bộ," Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ ra một số khó khăn của Cà Mau, Thủ tướng cho rằng quy mô nền kinh tế còn hạn chế và đặc biệt là đặc thù của một địa phương chịu tác động nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu của cả nước. Bên cạnh đó, chất lượng lao động còn hạn chế, chưa có nguồn lao động chất lượng cao đảm bảo, tương xứng với yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhất trí với các định hướng phát triển của tỉnh và đề nghị Cà Mau làm tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, đi liền với nâng cao dân trí, đổi mới giáo dục.
Cà Mau cần tập trung đầu tư phát triển một cách chủ động không chỉ danh mục mà còn cả các nội dung các chương trình, dự án để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi. Đặc biệt, tỉnh cần chủ động có biện pháp đối phó với hạn hán, thiên tai của năm 2020.
Thủ tướng gợi ý Cà Mau tập trung phát triển các mô hình doanh nghiệp công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Trong tiến trình phát triển, tỉnh cần chú ý hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nguồn động lực của khối kinh tế tư nhân; đồng thời gìn giữ màu xanh, phát triển rừng và bảo vệ môi trường. Trong tuyển chọn dự án đầu tư, tỉnh cần cân nhắc, chọn lựa những nhà đầu tư bài bản, có tiềm năng tài chính, nguồn lực tốt.
Thủ tướng gợi ý rằng đầu ra của phát triển nông nghiệp tại Cà Mau phải hướng đến thị trường quốc tế, đi đôi với không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Chính quyền và doanh nghiệp đều phải có tư duy hội nhập,” Thủ tướng nói và yêu cầu Cà Mau tăng cường công khai, minh bạch hóa trong quản lý điều hành; tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhiều hơn nữa.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh cần coi “khoa học và công nghệ là chìa khóa” trong hội nhập và phát triển, nhất là công nghệ sinh học và công nghệ mới phù hợp với đặc thù của địa phương và tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong mua bán, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Đi liền với đó là phải “thay đổi tư duy quy hoạch phát triển,” Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu tỉnh tái bố trí dân cư theo hướng tập trung, chủ động hơn theo hướng mô hình cụm, tránh manh mún, nhỏ lẻ.
Đặc biệt, để tăng cường khả năng phòng, chống thiên tai, tỉnh cần hết sức lưu ý đến việc trồng rừng, phát triển rừng; đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực cho phát triển. Tỉnh cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Thủ tướng căn dặn chính quyền tỉnh phải chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.
Về những kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Trung ương là tăng cường phân cấp cho địa phương trong quản lý, phát triển. Do đó, tỉnh cần xác định tâm thế, củng cố năng lực thực hiện các chương trình, dự án trong kế hoạch 5 năm 2015-2020.
Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phải sớm triển khai, hoàn thành dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau bởi đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng lưu ý Cà Mau cần xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.
Theo TTXVN