Sáng 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 64 điểm cầu trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, lãnh đạo một số bộ, ngành.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ; ở cấp tỉnh, cấp huyện có gần 4.200 văn bản đã được ban hành, tính cả nhiệm kỳ là gần 35.000 văn bản.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 405 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản.
Năm 2020, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản, tính cả nhiệm kỳ là hơn 40.000 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.
Năm 2020, ngành tư pháp đã tập trung rà soát được hơn 32.000 VBQPPL. Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với gần 8.800 văn bản.
Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự (THADS) chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, đã thi hành xong 363 việc (tăng 68 việc so với năm 2019).
Tính chung trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,3% so với nhiệm kỳ trước), tương ứng trên 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Kết quả công tác THADS, thi hành án hành chính đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hộ tịch. Năm 2020 đã có gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử, tăng 1,4 lần so với năm 2019 và chiếm khoảng 40% tổng số từ năm 2016 đển nay.
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, có trên 14 triệu thông tin cá nhân được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gần 1,5 triệu thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông TTHC điện tử và hàng triệu trường hợp đăng ký hộ tịch khác./.
Theo chinhphu.vn