Thứ Bảy, 30/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 1/12/2017 23:8'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Biến lời hứa thành hiện thực trong chỉ đạo, điều hành



Phấn đấu đạt kết quả toàn diện hơn nữa

Dù tình hình kinh tế xã hội đạt kết quả khả quan sau 11 tháng, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được có tâm lý “thỏa mãn non” mà phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tốt hơn nữa. Trong đó có những việc như triển khai các cam kết và tuyên bố Đà Nẵng tại Tuần lễ Cấp cao APEC; khắc phục hậu quả bão lũ, giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu tháng 12 và những tháng đầu năm 2018, phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra, tập trung vào khâu thực thi. “Người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả toàn diện hơn nữa” so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.

Nhấn mạnh công tác khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tháng 12/2017 và những tháng đầu năm 2018, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, chú trọng đến kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Lưu ý các thành viên Chính phủ cần thực hiện tốt, liên tục lời hứa của mình trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh: “Mình nói và làm đi liền với nhau, nhất là trong hành động cụ thể, chứ không phải trước Quốc hội, trong thảo luận ở Quốc hội thì sôi nổi, trách nhiệm, sau đó chúng ta không xem lại những lời hứa của mình, kiến nghị của các cơ quan chức năng đối với Chính phủ”. Thủ tướng bày tỏ mong muốn tập thể Chính phủ “biến lời hứa của mình, cam kết của mình thành hiện thực trong chỉ đạo, điều hành.”

Ba nội dung chính của nhiệm vụ năm 2018

Về định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018, văn bản định hướng công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu không đưa ra quá nhiều các nhiệm vụ, giải pháp, trùng với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, trùng lắp với các Nghị quyết khác của Chính phủ và tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả.” Theo đó, Thủ tướng nêu lên ba nội dung chính mà Nghị quyết phải hướng tới:

Quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó là quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Nghị quyết phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Thủ tướng cho biết sẽ viết thư gửi các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ tự đánh giá hiệu quả công việc năm 2017 và xác định các nhiệm vụ của bộ, ngành trong năm 2018 trên cơ sở những định hướng quan trọng mà Chính phủ nêu trong phiên họp này. Chỉ ra một số công trình dự án, nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng mong muốn các bộ ngành “phải tạo được chuyển biến cả hệ thống chứ không chỉ một bộ phận.”

Cũng tại phiên họp, giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Liên quan đến việc tăng giá điện, Thủ tướng nêu rõ theo tính toán, việc tăng giá điện chỉ làm tăng CPI khoảng 0,08% năm 2017 và 0,1% năm 2018 và yêu cầu các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường; chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất; trong đó phải hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, vật tư để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các địa bàn chịu ảnh hưởng thiên tai.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ đối với công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện; “không để kéo dài tình trạng này.”

Người đứng đầu Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp lớn khác...).

Lên án những hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em, gây nhức nhối trong xã hội thời gian qua./.

Phản hồi

Các tin khác

Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý hàng hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển

Thủ tướng chỉ đạo việc xử lý hàng hải sản tồn đọng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Hà Nội (TTXVN 30/11) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Để hoàn thành dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016, Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 về ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Trên cơ sở báo cáo của UBND 4 tỉnh, kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về báo cáo số liệu hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác theo Thông báo số 506/TB-VPCP, ý kiến thống nhất của lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế và Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý hỗ trợ chủ cơ sở có hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với sản phẩm sứa, hỗ trợ 100% giá trị lô hàng; đối với hàng hải sản tồn đọng khác, hỗ trợ 30% giá trị lô hàng. Khối lượng hàng hải sản tồn đọng của 4 tỉnh tối đa là 5.453,8 tấn với tổng kinh phí tối đa là 242,6 tỷ đồng. Cụ thể như sau: Tỉnh Hà Tĩnh 2.708,6 tấn, kinh phí hỗ trợ 150,2 tỷ đồng; tỉnh Quảng Bình 1.101,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 48,5 tỷ đồng; tỉnh Quảng Trị 1.501,0 tấn, kinh phí hỗ trợ 42,7 tỷ đồng; tỉnh Thừa Thiên - Huế 143,1 tấn, kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng. Hàng hải sản tồn đọng được hỗ trợ phải được kiểm tra và xác nhận là có thật trong kho đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền kiểm kê kho hàng (có biên bản kiểm kê của cơ quan có thẩm quyền); có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng xác thực khác chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được, hoặc trường hợp không có hóa đơn, chứng từ hay bằng chứng chứng minh nêu trên thì phải có xác nhận của đại diện cộng đồng dân cư khu vực (lưu ý đại diện cộng đồng dân cư khu vực ít nhất phải gồm có đại diện các thành phần: Mặt trận Tổ quốc, Chi bộ, Tổ dân phố, các đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh….) để làm căn cứ hỗ trợ. Đối với các đối tượng tồn đọng khác: Tổng mức kinh phí hỗ trợ tối đa là 341,3 tỷ đồng, cụ thể: tỉnh Hà Tĩnh 121,8 tỷ đồng (hỗ trợ 4.244 lao động vùng cửa sông, ven cửa sông, 2.954 chủ và người lao động tại các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá); tỉnh Quảng Bình 214,4 tỷ đồng (hỗ trợ 15.022 lao động thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua tạm trữ thủy sản; người lao động thường xuyên thuộc địa bàn các xã/phường/thị trấn ven cửa sông); tỉnh Quảng Trị 0,32 tỷ đồng (hỗ trợ Trung tâm giống thủy sản bị thiệt hại 3,6 triệu con giống); tỉnh Thừa Thiên - Huế 4,73 tỷ đồng (lưu ý không hỗ trợ đối tượng là chủ và người lao động trong các cửa hàng ăn uống ở trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển và bán quán, dịch vụ khách du lịch ven quốc lộ 1 ở thị trấn Lăng Cô). Định mức hỗ trợ: Áp dụng định mức chi trả, hỗ trợ các đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 và Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trình tự, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND 4 tỉnh thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 506/TB-VPCP ngày 30/10/2017, bảo đảm xử lý chặt chẽ, không có khiếu kiện, khiếu nại. Trường hợp tỉnh nào phát sinh thêm số lượng, tỉnh đó có trách nhiệm thu xếp kinh phí của tỉnh chi trả. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hỗ trợ theo đúng nội dung quy định, quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định, đúng tiêu chí, đúng đối tượng, đảm bảo công tác chi trả phải công khai, minh bạch; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 408/TB-VPCP ngày 1/9/2017 về việc chuyển kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá đã được giao tại Quyết định số 12/QĐ-TTg sang thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá (tập trung vào cảng cá, bến cá), đồng ý phân bổ cho mỗi địa phương 400 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND 4 tỉnh chủ động đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương, đảm bảo hiệu quả gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tổng hợp, cân đối trên cơ sở đảm bảo phù hợp với phương án phân bổ kinh phí đã được phê duyệt và nhu cầu của địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc hỗ trợ theo quy định./. Lưu ra file

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất