Trao đổi về các vấn đề hợp tác quốc tế và khu vực, Thủ tướng và Đại sứ Nga nhất trí hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN.
Chiều 3/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko tới chào xã giao.
Cùng dự buổi tiếp có ông Leonid Mikhelson, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novatek của Nga.
Trong không khí chân thành, hữu nghị, Thủ tướng chúc mừng Đại sứ Gennady Bezdetko đã nhận nhiệm vụ và nhấn mạnh Chính phủ, các bộ, ngành sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn những hỗ trợ quý báu mà Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Việt Nam luôn coi trọng và xác định Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại; mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga ngày càng chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả hơn.
Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực, tiếp xúc các cấp, bao gồm cấp cao được duy trì thường xuyên thông qua điện đàm và trực tuyến.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hợp tác kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, với kim ngạch thương mại hai chiều 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn Liên bang Nga và Tập đoàn NOVATEK tặng vaccine Sputnik V phòng COVID-19 cho Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Đại sứ chuyển thông điệp tới Lãnh đạo cấp cao của Nga về việc tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam về vaccine, đẩy nhanh thực hiện các hợp đồng cung cấp vaccine COVID-19 đã ký để Việt Nam nhận được sớm nhất trong năm 2021, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đặc biệt là sản xuất thuốc điều trị COVID-19.
Bên cạnh đó là thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị bệnh khác cho Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh việc hỗ trợ, hợp tác phòng, chống dịch COVID-19 thể hiện tình cảm, truyền thống hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong những lúc khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Việt Nam phát huy truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-kỹ thuật, giáo dục- đào tạo, nhất là nghiên cứu khoa học cơ bản và nhân văn, văn hóa, nghệ thuật và thể thao.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế nói chung và các nhà đầu tư Liên bang Nga nói riêng trong việc tìm hiểu và tham gia các dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà phía Nga và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nga có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hạ tầng, năng lượng, dầu khí; trên quan điểm phát triển bền vững, theo chiều sâu, bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường sống của nhân dân và môi trường cho phát triển kinh tế-xã hội; vì lợi ích của hai nước và hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Nga Bezdetko khẳng định Việt Nam luôn là đối tác ưu tiên của Liên bang Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đại sứ Nga nhất trí cao với các đánh giá, định hướng và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu và khẳng định sẽ nỗ lực đóng góp nhằm củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở cả hai nước và trên thế giới đang diễn biến phức tạp.
Trao đổi về các vấn đề hợp tác quốc tế và khu vực, Thủ tướng Chính phủ và Đại sứ Nga nhất trí hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN...
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại khu vực cũng như việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982./.
(TTXVN/Vietnam+)