Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 13/11/2008 15:34'(GMT+7)

Thủ tướng trả lời chất vấn: Vừa khái quát vừa cụ thể

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể

Viều hành xuất khẩu gạo là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra với Chính phủ. Thủ tướng khẳng định chủ trương của việc điều hành xuất khẩu gạo là phải đạt các yêu cầu: tiêu thụ hết lúa hàng hóa với giá hợp lý, có lợi cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, ổn định giá gạo trong nước ở mức phù hợp.

Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, giúp nông dân vươn lên cải thiện đời sống trong kinh tế thị trường, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cho biết, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu định hướng điều hành xuất khẩu cho cả năm là 4 - 4,5 triệu tấn và sẽ được xem xét điều chỉnh vào đầu quý 3. Chính phủ cũng yêu cầu tiến độ giao hàng xuất khẩu phải phù hợp với nguồn hàng hóa lương thực của từng mùa vụ, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, không để đầu cơ tăng giá.

Trên cơ sở sản xuất vụ mùa năm 2007 và dự báo sản lượng lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long, sau khi cân đối đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn và đã ký hợp đồng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm trên 2,4 triệu tấn.

Đến cuối tháng 3, giá lương thực thế giới tăng cao và theo nhu cầu dự báo, thế giới có thể thiếu lương thực nghiêm trọng, kéo theo giá lương thực trong nước tăng cao; trong khi đó không ít doanh nghiệp lại tăng cường mua vào (để tích trữ cho xuất khẩu) nên tiếp tục đẩy giá gạo trong nước lên.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực và các cơ quan liên quan  về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, ngày 25/3, Thủ tướng chỉ đạo tạm ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới, vì mấy lí do:

Một là, nguồn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm được cân đối là 2,3 - 2,5 triệu tấn, chỉ đảm bảo đủ để thực hiện những hợp đồng đã ký là 2,4 triệu tấn. Vào thời điểm cuối tháng 3, chúng ta mới giao được 800 nghìn tấn, còn phải giao 1,6 triệu tấn trong 3 tháng tiếp theo. Việc tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới để tập trung lượng gạo hàng hóa cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký là cần thiết vì nguồn hàng cân đối cho xuất khẩu không còn.

Hai là, vào thời điểm này, các tỉnh miền Bắc bị rét đậm, rét hại kéo dài lịch sử. Dự báo lúc đó là 50% được mùa, 50% mất mùa. "Lúc đó tôi chủ trì mà rất suy nghĩ bởi không ai dám nói là sẽ được mùa hay mất mùa. Điều này khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo. Chúng ta đã gặp tình hình mất mùa như vậy 2 lần, khi gió Lào, nắng nóng về".

Việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới cho đến khi đánh giá được kết quả các vụ mùa này là nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong trường hợp bị mất mùa.

Từ cuối tháng 3, giá gạo trên thế giới tăng cao, có đề nghị cho ký hợp đồng xuất khẩu thêm để tận dụng cơ hội thị trường.

"Nhưng nếu chúng ta cho ký hợp đồng mới, bán thêm gạo và giao hàng ngay trong các tháng 4, 5, 6 thì có thể bán được một số ít gạo với giá cao hơn nhưng các doanh nghiệp sẽ phải mua vét phần gạo cân đối để tiêu dùng trong nước đem đi xuất khẩu. Điều này sẽ đẩy giá gạo trong nước, vốn đã cao lại càng cao hơn, kéo theo giá các hàng hóa khác tăng mạnh, chắc chắn là chỉ số lạm phát tăng cao, gây thiệt hại cho toàn xã hội, ngay cả người trồng lúa".

"Lúc này trong kho dự trữ còn 187 ngàn tấn lúa, tương đương 160 ngàn tấn gạo. Nếu thất mùa bán hết, không biết chuyện gì xảy ra" - Thủ tướng cho biết.

 "Việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5, 6 là cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, giữ giá gạo trong nước hợp lý, không bị đẩy lên quá cao, góp phần quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong tình huống bất trắc khó lường".

Để tận dụng giá xuất khẩu gạo cao, Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đàm phán với khách hàng điều chỉnh tăng giá với các hợp đồng đã ký và nhiều hợp đồng đã được điều chỉnh.



Hiện đã ký được hợp đồng bán 4,5 triệu tấn gạo

Từ đầu tháng 6, khi triển vọng mùa vụ tốt, Chính phủ đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Đến ngày 10/11, các doanh nghiệp đã ký được trên 4,5 triệu tấn. Hiện các doanh nghiệp đang đàm phán để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn (trên 1,5 triệu tấn) và sẽ giao hàng ngay trong tháng 12/2008.

Để tiêu thụ lúa hàng hóa còn lại cho nông dân, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo và hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu, các doanh nghiệp tiếp tục mua thêm, trong đó có 300 nghìn tấn gạo mua theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thủ tướng khẳng định "Trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể, toàn cục của đất nước và cơ bản đã đạt các yêu cầu đề ra".

Không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt vấn đề: Liên quan đến bảo vệ môi trường, tôi nhất trí với thái độ của Thủ tướng và quyết tâm của Chính phủ bảo vệ môi trường, nhưng hiện số doanh nghiệp gây ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng khá nhiều. Xử lý không khỏi ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người lao động. Chính phủ làm thế nào để thực hiện những gì Thủ tướng nêu mà vẫn đảm bảo an sinh xã hội?

Chúng tôi có ấn tượng sau Vedan, nhiều địa phương lôi ra nhiều vụ việc vi phạm môi trường khác, nhưng bây giờ lại chững lại, quan sát. Ý kiến của Thủ tướng hôm nay rất quan trọng. Ý Thủ tướng thế nào? Vừa rồi Chính phủ đưa ra 8 chỉ tiêu về môi trường, cơ quan nào chỉ đạo, tiền lấy từ đâu?

Về chống tham nhũng, tiến độ và kết quả phối hợp điều tra của cơ quan điều tra Việt Nam với phía Nhật Bản trong đưa và nhận hối lộ vụ PCI, đã xử ở Tokyo, tin tức đưa lên mạng. Nếu chúng ta không xử lý nhanh, thái độ thiếu kiên quyết sẽ có ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:

Về xử lý môi trường, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương. Hiện đã có chương trình, kế hoạch xử lý với những cái gây ô nhiễm hiện tại. Như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói, trước đây ta chưa quan tâm tới môi trường và cũng chưa có điều kiện quan tâm đúng mức, xử lý môi trường. Những cái hiện đang gây ô nhiễm phải xử lý nhưng cũng cần thời gian. Đó là mong muốn nhưng còn điều kiện nữa.

Như chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Y tế đã nêu, hàng ngàn bệnh viện như thế, không phải chúng ta không biết có vấn đề môi trường nhưng chúng ta không có điều kiện xử lý. Trước mắt, bệnh viện nào thuộc quản lý ở Trung ương, Trung ương bố trí ngân sách, bệnh viện thuộc quản lý địa phương, địa phương sẽ bố trí ngân sách để xử lý từng bước. Mà ngân sách của ta như thế nào, các đại biểu biết cả rồi.

Các chỉ tiêu nêu về môi trường, tôi cũng đã chỉ đạo đừng nêu thành chỉ tiêu "chay", nêu mà không bố trí ngân sách. Chúng ta cũng cần xác định rõ vi phạm nào thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ chức năng và địa phương. Từng năm để giải quyết cụ thể những vi phạm môi trường hiện có. Đồng thời phải có từng đề án cụ thể như đề án sông Cầu, sông Đông Nai... phê duyệt từng chương trình.

Chính phủ cũng chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi Chính phủ đã từ chối dự án thép trị giá 4 - 5 tỷ USD vì vấn đề môi trường. Nhiều địa phương cũng đã làm như vậy.

Còn xử lý, tinh thần thế này: Đã là cơ quan hành chính, dứt khoát phải xử lý theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải xem có lợi nhất. Ví dụ, Vedan, chính tôi yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra nếu chưa thấy thực hiện đúng quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải xử lý. Xử lý làm sao để Vedan không thải nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định, nhưng Vedan còn tiếp tục hoạt động và hoạt động được vì đây là năng lực sản xuất của xã hội. Chúng ta xử lý vừa đúng pháp luật, vừa đạt lợi ích.

Về xử lý trường hợp đưa và nhận hối lộ ở PCI có liên quan tới Nhật Bản: Khi báo chí Nhật Bản loan tin việc đưa và nhận hối lộ có liên quan đến một cán bộ của Việt Nam, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ với bạn, chủ động yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta quản lý, xử lý, không thể để công dân Việt Nam để cơ quan tư pháp nước khác xử lý. Bạn một thời gian dài mới gửi "gọi là" hồ sơ, nhưng hồ sơ chưa đủ cơ sở pháp lý. Chính phủ đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận xử lý, làm rõ, làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo pháp luật Việt Nam.

Chúng ta cùng với Nhật Bản cũng lập Ủy ban phối hợp đấu tranh ngăn chặn và xử lý tham nhũng liên quan đối với dự án ODA.

Phải cố gắng hơn trong công tác dự báo

ĐB Trịnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp)
nêu câu hỏi: Công tác tham mưu, dự báo, phối hợp giữa các bộ, ngành nhiều lúc chưa chặt và chuẩn xác, dẫn tới nhiều quyết định của Thủ tướng gây ảnh hưởng đến công tác điều hành. Thủ tướng đề xuất giải pháp cụ thể gì để tăng hiệu quả và trách nhiệm Bộ, ngành rõ hơn?

Thủ tướng tiếp tục trả lời:  Đối với dự báo, đúng là qua tình hình vừa qua, mà cũng không phải chỉ từ tình hình vừa qua, trong lãnh đạo điều hành, công tác dự báo kém thì điều hành cũng chậm, không kịp thời hoặc bị lúng túng. Chính phủ đã thấy việc này, thấy đây là lĩnh vực dù có nhiều tiến bộ, các bộ chức năng, bộ tổng hợp đạt nhiều kết quả nhưng so với yêu cầu còn phải cố gắng nhiều hơn. Qua khủng hoảng tài chính, Chính phủ yêu cầu các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát chức năng để tăng khả năng dự báo.

Chức năng chưa rõ, thể chế chưa đủ thì hoàn thiện, bổ sung để làm tốt hơn, xem có gì cản trở không để điều chỉnh.

Hai là, cán bộ phải được lựa chọn, bố trí đúng có khả năng, trình độ nghiên cứu, phân tích, dự báo. Ba là, tạo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để làm tốt hơn.

Mong ta dự báo đúng, để ta chủ động, nhưng có những cái khó dự báo. Đây là quá trình cố gắng.

Có lẽ dự báo cũng là dự báo thôi, khó nói chính xác 100% được. Tinh thần là các Bộ chức năng, chuyên ngành cố gắng hết sức vươn lên. Cơ quan tổng hợp dự báo, có người đề nghị Thủ tướng lập cơ quan nào đó để tổ chức dự báo. Tôi cho rằng, Chính phủ có rồi, làm chưa tốt thì làm sao làm tốt hơn. Trong chức năng của các Bộ, chúng tôi thường nói khái quát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tổng tham mưu về kinh tế, có 2 Viện to, Viện Chiến lược và quản lý CIEM, trong đó có Viện trước thuộc Trung ương, đầu tư cán bộ đông, được học hành nghiên cứu nhiều nơi, nhiều nước. Tổng tham mưu làm chưa tốt thì nỗ lực cải thiện.

Chính phủ đã chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tốt hơn việc này. Bộ chuyên ngành cũng cần phải tốt hơn.

Theo Cổng TTĐTCP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất