Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Bảy, 27/6/2009 8:8'(GMT+7)

Thừa Thiên- Huế: Ngầm hóa 100% cáp vào năm 2010

Trước ngày 31/12/2009, ngầm hóa toàn bộ cáp ở 22 tuyến đường tại TP Huế sẽ diễn ra Festival Huế. Các khu vực còn lại của TP và các trung tâm huyện lị sẽ hoàn thành ngầm hóa trước ngày 31/12/2010.

Thách thức

Đó là chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đối với các doanh nghiệp viễn thông và truyền hình trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cảnh quan đô thị để đón chào Festival Huế 2010. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế đến ngày 17/6 vẫn chưa có tuyến đường gắn tên tại TP. Huế nào được triển khai việc ngầm hóa (trừ những doanh nghiệp đã có hạ tầng ngầm và ngầm hóa trước đó), kể cả 22 tuyến đường sẽ diễn ra Festival Huế 2010. Chỉ có VNPT Thừa Thiên-Huế đã hoàn thành hệ thống cáp ngầm tại 22 tuyến đường gắn tên tại TP. Huế và các trung tâm huyện lị. Lý do, từ sau cơn bão lịch sử năm 1985 với sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên hợp quốc và chính quyền địa phương, mỗi năm VNPT Thừa Thiên-Huế đã xây dựng và mở rộng thêm khoảng 30km cáp ngầm. Còn các doanh nghiệp khác như Viettel, Trung tâm truyền hình cáp Việt Nam, EVN Telecom… đều chưa triển khai ngầm hóa. Tại cuộc họp triển khai kế hoạch ngầm hóa do Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức ngày 17/6/2009, đại điện của Viettel chi nhánh Thừa Thiên- Huế cho biết, khó khăn lớn nhất của đơn vị là hiện chưa có một mét cáp nào được ngầm hóa. Vì vậy, quan điểm của Viettel là muốn xây dựng riêng một hệ thống cáp ngầm vì giá thuê hạ tầng của VNPT quá cao, khoảng 80 triệu đồng/tháng/29km cáp ngầm ở 22 tuyến đường diễn ra Festival Huế. Trong khi đó, truyền hình cáp Hà Nội có chi nhánh tại Huế lại mong muốn VNPT cung cấp sơ đồ cũng như kích cỡ cống bể ngầm để đơn vị tham khảo triển khai dự án mạng truyền hình trên địa bàn TP. Huế và các huyện lân cận cho phù hợp…

Theo ghi nhận của Báo BĐVN, ngoài những khó khăn riêng, các doanh nghiệp đều đang lúng túng khi triển khai ngầm hóa. Nhiều tuyến đường mặc dù đã có hạ tầng viễn thông nhưng doanh nghiệp vẫn xin làm tiếp một hệ thống ngầm mới. Trên thực tế, các tuyến đường đã gắn tên tại TP. Huế như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hùng Vương… thời gian qua đã được triển khai xây dựng theo mẫu thiết kế sử dụng vĩnh cửu. Vì vậy, xây dựng thêm hệ thống cáp ngầm, ngoài việc tốn kém kinh phí đầu tư, thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trước sự phản ứng của các sở, ban, ngành liên quan và người dân - chủ nhân của thành phố Festival đầu tiên của Việt Nam.

Ngoài ra, khi triển khai xây mới hệ thống cáp ngầm, nhất là tại các tuyến đường thuộc khu vực Thành Nội (bờ Bắc sông Hương), doanh nghiệp còn phải đối mặt với rào cản, đó là quần thể di tích cố đô Huế mà cụ thể là hệ thống thành quách, thủy đạo thuộc kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai việc cắm mốc khoanh vùng, bảo vệ di tích theo Luật Di sản thế giới.

Sở TT&TT gỡ rối cho doanh nghiệp

Ông Hồ Xuân Phán, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bên cạnh những khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh cáp viễn thông và truyền hình đóng trên địa bàn vẫn có nhiều thuận lợi hơn một số tỉnh bạn khi triển khai lộ trình ngầm hóa cáp viễn thông và truyền hình. Minh chứng, 100% tuyến đường có gắn tên tại TP. Huế đã được Viễn thông Thừa Thiên - Huế và Công ty Môi trường và Đô thị Huế xây dựng hệ thống hạ tầng cống bể ngầm. Đây là một thuận lợi mà các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các thành phố bạn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... không có được khi liên kết sử dụng chung hạ tầng viễn thông ngầm.

Để gỡ rối cho lộ trình ngầm hóa cáp viễn thông và truyền hình, Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế với vai trò trung gian đã tiến hành đề xuất các bước triển khai ngầm hóa và tổ chức các cuộc họp bàn triển khai kế hoạch giữa các doanh nghiệp cũng như các sở, ban, ngành liên quan. Cụ thể, đối với doanh nghiệp có nhu cầu hạ cáp nổi xuống hệ thống bể ngầm thì phải lập bản đồ chi tiết (hoặc bản thiết kế) các tuyến đường, các khu phố mà đơn vị có nhu cầu ngầm hóa cáp viễn thông. Doanh nghiệp đã có hạ tầng ngầm thì phải lập bản đồ chi tiết các tuyến đường, khu phố, các tuyến cống bể ngầm (bao gồm dung lượng thiết kế, dung lượng đã sử dụng, dung lượng đã phát triển và dung lượng cho thuê với mức giá trên từng tuyến). Qua đó, Sở TT&TT sẽ tổng hợp, phân tích tuyến cáp treo nào đi ngầm trong cống bể có sẵn; tuyến cống bể nào đã hết dung lượng thì chủ đầu tư nghiên cứu nâng cấp mở rộng hoặc thay cáp đồng bằng cáp quang…

Ông Phán nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông và truyền hình độc lập cho từng doanh nghiệp tại TP. Huế khó có thể thực hiện được. Vì vậy, chủ trương của Sở là vận động các doanh nghiệp dùng chung bể cống ngầm và trực tiếp thương thảo với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được mức giá thuê, Sở TT&TT sẽ kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính tính toán và áp dụng mức giá trần. Sở TT&TT sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp liên kết thực hiện lộ trình ngầm hóa.

Mục đích cuối cùng của lộ trình ngầm hóa cáp viễn thông và truyền hình trên địa bàn là dành những gì tốt đẹp nhất cho người dân, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của cho doanh nghiệp. Đây là một phần định hướng quy hoạch phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố Trung ương vào năm 2020.

(Theo ICTnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất