Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 19/4/2014 19:14'(GMT+7)

Thừa Thiên Huế: phát triển đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”

Những thành tựu nổi bật sau 5 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Kết luận 48, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch về quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Kết luận đó. Sau 5 năm thực hiện, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thêm thế và lực mới để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh là 10,2%/năm; năm 2013, đạt 7,89%, cao hơn mức bình quân chung cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 1.700 USD, tăng hơn 1,62 lần so với năm 2009. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, khu vực du lịch - dịch vụ 53,8%; công nghiệp 35,6%; nông nghiệp còn 10,6% trong GDP.  Thu ngân sách nhà nước bình quân đạt gần 5.000 tỷ đồng/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 38,8%/năm; năm 2013 đạt trên 540 triệu USD, tăng 14,1% so năm 2012, gấp 3,7 lần so năm 2009. Hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, chương trình tái định cư dân thủy diện trên sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với hơn 2000 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%.

Hệ thống đô thị được đầu tư phát triển, công tác chỉnh trang đô thị được tăng cường. Trong 5 năm từ 2009 đến 2013, vốn đầu tư trên địa bàn đạt gần 54.000 tỷ đồng, năm 2013 đạt trên 13.700 tỷ đồng (gấp 2 lần so với năm 2009). Đã thành lập thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Phú Đa theo các nghị quyết của Chính phủ. Hiện nay, toàn tỉnh có 01 đô thị loại I, 03 đô thị loại IV, 07 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52,7%.

Hệ thống đô thị được đầu tư phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh; công tác chỉnh trang đô thị tạo được dấu ấn rõ nét; quy mô đô thị được mở rộng. Các trung tâm tiểu vùng Thanh Hà, An Lỗ, Phong An, La Sơn, Vinh Thanh... đang được đầu tư đạt chuẩn đô thị loại V.

Công tác xây dựng và chỉnh trang thị xã Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Phú Đa, Thuận An, thị trấn Sịa và các đô thị khác được đẩy nhanh. Nhiều công trình kiến trúc, công cộng được ưu tiên đầu tư; hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, nâng cấp hè phố, điện chiếu sáng... được đầu tư xây dựng bảo đảm phát triển chức năng đô thị.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Hệ thống giao thông đối ngoại được cải thiện đáng kể; hoàn thành nâng cấp đường cất hạ cánh cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, khởi công nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua Thừa Thiên Huế và hai hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia. Hệ thống giao thông kết nối các đô thị được tập trung đầu tư, hình thành trục kết nối Huế - Tứ Hạ - Bình Điền (đường Tỉnh lộ 16, 12B), đường Nguyễn Chí Thanh (Huế - Hương Trà - Quảng Điền) kết nối đô thị ven biển phía Bắc với thành phố Huế... Hoàn thành trục giao thông Thuỷ Dương - Thuận An kết nối đô thị Thuận An với thành phố Huế và thị xã Hương Thủy. Hoàn thành đường La Sơn - Nam Đông giai đoạn 1. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố hóa, hoàn thành một số tuyến giao thông quan trọng phá thế chia cắt ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai như: xây mới Cầu Tam Giang, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ kết nối trung tâm tiểu vùng, xây mới hệ thống đường tránh lũ giải quyết cơ bản tình trạng chia cắt cục bộ trong mùa mưa lũ.

Nhờ liên tục tập trung nguồn lực triển khai Chương trình trọng điểm chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn đồng bộ, quyết liệt cả phần thể chế hóa và đầu tư nên bộ mặt các đô thị, nhất là đô thị Huế đã được cải thiện đáng kể. Các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương đã cơ bản hoàn thành. Theo đánh giá của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia thuộc Bộ Xây dựng đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị thì khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận, đạt 78,84/100 điểm tối đa, vượt 8,84 điểm so với điểm chuẩn tối thiểu của đô thị loại I.

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của cả nước. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể gắn với quy hoạch đô thị. Trọng tâm là bảo tồn, tôn tạo Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hoá được UNESCO công nhận đầu tiên của Việt Nam. Đầu tư trên 310 tỷ đồng  trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế. Nhiều công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác: Điện Long An, hệ thống Trường lang Tử Cấm Thành, Thái Bình Lâu, Lầu Ngũ Phụng, Điện Thọ Ninh - Đại Nội...; Hệ thống di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh lam thắng cảnh tiếp tục được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.

Các loại hình văn hoá phi vật thể, nhất là Nhã nhạc Cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; các loại hình ca Huế, ca kịch Huế, hò Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy. Văn hoá ẩm thực Huế, kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế và nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn, khôi phục và phát triển, tạo bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế.

Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước. Trung tâm y tế chuyên sâu ngày càng khẳng định vai trò, vị thế với hệ thống thiết chế phát triển mạnh và đồng bộ, bao gồm Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành và mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở.

Bệnh viện Trung ương Huế - một trong bốn bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước ngày càng được đầu tư hoàn thiện, hiện đại hoá trang thiết bị; đã triển khai trên 3.500 loại kỹ thuật y tế về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến trong các lĩnh vực tim mạch, ghép tạng, điều trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh, nội soi can thiệp, ngoại sản, hồi sức cấp cứu; trong đó, đã phẫu thuật thành công 10.000 ca mổ tim, 14.000 ca chụp mạch vành đặt stent, triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với 500 em bé ra đời; đặc biệt, đã thực hiện thành công ca ghép thận phức tạp và ca ghép tim đầu tiên do thầy thuốc Việt Nam thực hiện, đưa Việt Nam vào bản đồ ghép tim trên thế giới.

Đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ quản lý ngành y tế phát triển nhanh về số lượng, được đào tạo căn bản, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, y đức tốt, có khả năng đáp ứng yêu cầu triển khai các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác khám và chữa bệnh. Có 60 giáo sư và phó giáo sư, 7 thầy thuốc nhân dân, 84 thầy thuốc ưu tú, 122 tiến sĩ, 126 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 425 thạc sĩ, 321 bác sĩ chuyên khoa cấp I.

Tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn ở miền Trung - Tây Nguyên, một trong 14 đại học trọng điểm quốc gia; với 7 trường thành viên, 3 khoa trực thuộc và phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị, cùng với nhiều trung tâm, viện nghiên cứu. Tổ chức đào tạo 108 ngành bậc đại học, 71 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 31 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 62 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II, bác sĩ nội trú và 15 chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín nước ngoài; hàng năm đào tạo trên 95.000 sinh viên.

Học viện Âm nhạc Huế, Trường Đại học dân lập Phú Xuân, các cơ sở đào tạo, các viện, học viện của Trung ương trên địa bàn tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh và mở rộng quy mô đào tạo. Hệ thống và quy mô trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển nhanh (7 trường cao đẳng, 9 trường THCN, trung cấp nghề và dạy nghề với hơn 120 chuyên ngành cao đẳng, gần 50 ngành trung cấp chuyên nghiệp và 30 chuyên ngành dạy nghề).

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển nhanh về số lượng; trình độ và năng lực ngày càng cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có 205 giáo sư, phó giáo sư, 24 giáo sư danh dự, hàng trăm giáo sư, phó giáo sư bán cơ hữu và thỉnh giảng; 470 tiến sĩ, 2.372 thạc sĩ, 164 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đạt gần 20% số lượng giảng viên cơ hữu, 67% giảng viên có trình độ sau đại học. 100% giáo viên các ngành học mầm non, phổ thông đạt chuẩn.

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước. Khoa học - Công nghệ phát triển theo hướng khai thác các thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn, y dược, công nghệ thông tin.  Hạ tầng, thiết chế về khoa học - công nghệ ngày càng phát triển hiện đại với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành Trung ương. Đã tập trung đầu tư đưa vào hoạt động các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại như Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Trung ương Huế), Trung tâm nội soi tiêu hoá (Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế), Trung tâm kỹ thuật, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trung tâm kiểm định hoá dược, mỹ phẩm... Đã hoàn thành quy hoạch Khu công nghệ cao và dự án Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung.

Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trên địa bàn đông đảo và có trình độ cao, gồm: 11 giáo sư, 24 giáo sư danh dự, 195 phó giáo sư; hơn 550 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và chuyên khoa II; hơn 4.000 thạc sĩ và chuyên khoa I; 164 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; 91 thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú. Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tập trung phát huy mạnh mẽ nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, gồm 38 tổ chức, 7 trung tâm, 2 câu lạc bộ, với 20.000 thành viên tham gia.

100% cơ quan Đảng, chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở đã kết nối mạng LAN và áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001 : 2008. Tỉnh thuộc trong nhóm đứng đầu toàn quốc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Hoàn thành Xây dựng hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế (GISHue), đưa vào khai thác, sử dụng.

Tăng cường xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Để tiếp tục thực hiện tốt Kết luận 48, Thừa Thiên Huế đã xác định mục tiêu định hướng phát triển kinh tế xã hội và đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2015 là “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”; phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã xác định chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt Kết luận 48, Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các Chương trình và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh đến cán bộ, đảng viên, nhân dân tạo quyết tâm phấn đấu để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Các ngành, địa phương tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch  hành động có phân giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị. Các cấp ủy đảng, các ngành, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc giám sát việc chấp hành các nhiệm vụ được phân công, tiến độ thực hiện để có giải pháp điều chỉnh, tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch đô thị; đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, theo hướng thành  phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.

Thứ ba, phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp.  Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, nhất là các lĩnh vực du lịch,  y tế, giáo dục, văn hóa, tài chính, viễn thông. Phấn đấu giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 13-14%/năm. Liên kết các địa phương trong vùng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hỗ trợ nhà đầu tư sớm đưa các dự án du lịch vào khai thác sử dụng.

Thứ tư, phát triển các lĩnh vực xã hội, xây dựng các trung tâm văn hóa – du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu. Trong đó, chú trọng các nội dung: xây dựng môi trường văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa Huế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Quan tâm nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển giáo dục, đào tạo; xây dựng các chính sách về tôn vinh, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng hợp lý cán bộ khoa học, giảng viên và nhà giáo có trình độ cao.

Thứ năm, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội. Tập trung giải quyết việc làm và ổn định đời sống của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, ưu tiên các xã chưa thoát nghèo và bảo đảm giảm nghèo bền vững.  Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chăm lo các gia đình chính sách. Tập trung xây dựng và thực hiện chương trình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tạo lập môi trường đô thị xanh, sạch đẹp.

Thứ sáu, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đẩy  mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ và phát sinh điểm nóng. Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân. Coi trọng và giữ vững quan hệ đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào.

Thứ bảy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chuẩn bị nguồn lực quản lý đô thị trong tương lai. Nâng cao chất lượng công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, kiến trúc đô thị. Chuẩn bị bọ máy, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đnưgs đầu, gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Xuân Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất