Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Tư, 25/3/2009 17:54'(GMT+7)

Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số

Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc (1959)

Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc (1959)

Nước ta có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh (thường gọi là dân tộc đa số) có hơn 74 triệu người, 53 dân tộc còn lại là các dân tộc thiểu số (có khoảng trên 11 triệu người, chiếm 13% tổng dân số cả nước). Các dân tộc cư trú xen cư với nhau. Trên địa bàn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có người dân tộc thiểu số sinh sống, 52 tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng tương đối ổn định như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.... Trải qua các giai đoạn lịch sử, các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều cùng chung một vận mệnh lịch sử, đoàn kết bên nhau để sinh tồn và phát triển. Chính vì vậy, từ những năm đầu mới ra đời, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, quan tâm phát triển toàn diện và bền vững vùng dân tộc thiểu số, tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhờ có sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà chúng ta đã chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhờ thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc với nhiều chính sách cụ thể, phù hợp với các giai đoạn mà chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn, cơ bản sau:

Một là, trên đất nước Việt Nam, công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng đều có quyền bình đẳng như nhau về chính trị, tự do - dân chủ - nhân quyền, các quyền về dân sự, quyền bảo tồn, sử dụng và phát huy văn hóa dân tộc mình, quyền tự do tín ngưỡng... Số lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia các cơ quan trong hệ thống chính trị ở các cấp ngày càng tăng về số lượng và được nâng lên về chất lượng. Tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở mọi vùng, miền đất nước đều được Đảng và Nhà nước ghi nhận, quan tâm xem xét giải quyết thỏa đáng, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của Nhà nước và đáp ứng được mong đợi của đồng bào.

Hai là, so với những năm 80 của thế kỷ XX, ngày nay vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi lớn, rõ rệt. Kết cấu hạ tầng (tập trung là 10 nhóm công trình chính: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường - lớp học, trạm y tế, thông tin, phủ sóng phát thanh - truyền hình, chợ, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng) được Nhà nước đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh ở trên 5.000 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo cộng đồng. Phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số được đẩy mạnh. Đến nay, hơn 40 tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (trên 2 vạn người) đã cơ bản xóa hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ hơn 50% xuống dưới 30%, trong số này có hơn 20 tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%. Hầu hết các tỉnh đều có nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình về các hộ gia đình người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Mức sống và chất lượng dân số trong vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên qua từng năm.

Ba là, sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đã và đang đạt nhiều thành tựu rất nổi bật. Năm 1995, cơ bản xóa xong mù chữ; năm 1997, cơ bản phổ cập giáo dục tiểu học. ở các tỉnh có hơn 1 vạn người và các huyện có hơn 5.000 người là người dân tộc thiểu số đều có trường phổ thông dân tộc nội trú thu hút hàng vạn học sinh người dân tộc thiểu số vào học qua các năm. Năm 2008 đã có 46/53 tỉnh cơ bản phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Từ năm 1995 đến nay, mỗi năm Nhà nước bố trí bình quân ít nhất 1.000 xuất cử tuyển đại học, cao đẳng cho con em các dân tộc thiểu số. Hơn 10 dân tộc thiểu số có người có trình độ tiến sĩ...

Bốn là, văn hóa (vật thể và phi vật thể) của các dân tộc thiểu số được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện bảo tồn và phát huy trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của các dân tộc, tăng cường các lễ hội giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, các vùng, miền của đất nước. Hầu hết tiếng nói của các dân tộc đều được tôn trọng, giữ gìn và sử dụng hằng ngày trong cuộc sống của mỗi dân tộc. Cả nước có khoảng hơn 10 dân tộc thiểu số có chữ viết đều được Nhà nước tạo điều kiện để duy trì và sử dụng. Nhà nước khuyến khích, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các dân tộc bảo tồn và phát huy bản sắc riêng trong văn hóa các dân tộc như trang phục, dân ca, dân vũ, kiến trúc, lễ, hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán tốt đẹp... Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở (như nhà văn hóa, hệ thống truyền thanh, phủ sóng phát thanh - truyền hình, báo chí...) ở các xã vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các làng, bản, phum, sóc của các dân tộc...

Năm là, đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các dân tộc trong cả nước và ở từng địa phương ngày càng được tăng cường, củng cố vững chắc. Nhiều địa phương xây dựng các mô hình kết nghĩa giữa các dân tộc giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện cho con cháu đi học, tăng cường quan hệ, giao lưu văn hóa, lễ hội giữa các dân tộc... tạo sự gắn bó, tôn trọng và chân thành giúp đỡ nhau giữa các dân tộc trong một địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc đoàn kết cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt hơn 60 năm qua, các thế lực thù địch đã liên tục tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo hòng phá hoại đoàn kết dân tộc, chống Đảng, chống Nhà nước ở các vùng dân tộc thiểu số. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, thống nhất, nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, ý đồ thâm độc của chúng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng các dân tộc thiểu số về cơ bản được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân không ngừng được tăng cường, củng cố vững chắc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững.

Để vùng đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển bền vững, hội nhập với cả nước, chúng ta phải nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức lớn sau:

- Nhiều vùng, nhất là miền núi và trung du rất khó khăn về điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, mới đáp ứng mức tối thiểu phục vụ dân sinh bình thường, vẫn còn hàng chục xã vùng dân tộc thiểu số chưa có đường ô tô, chưa có điện... Kỹ năng, tập quán lao động sản xuất của đa số các dân tộc thiểu số còn lạc hậu, tính bảo thủ cao. Đây là khó khăn, thách thức thuộc chủ quan nội tại của các dân tộc thiểu số, cần phải có bước đột phá quyết liệt.

- Đa số các khu dân cư vùng dân tộc thiểu số chưa được quy hoạch, còn rất nhiều nơi ở vùng miền núi, vùng trung du và bán sơn địa dân cư cư trú phân tán, tự phát. Còn gần 300.000 hộ dân phải tổ chức định cư lại và khoảng 33.860 hộ còn du canh du cư. Dân trí vùng dân tộc thiểu số nhìn chung thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của các tỉnh và so với cả nước. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số về tri thức và năng lực thực tiễn còn nhiều hạn chế. ở nhiều địa phương, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số rất ít về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội.., nhất là khi xuất hiện “điểm nóng” về an ninh chính trị và trật tự xã hội.

- Văn hóa (vật thể và phi vật thể) của các dân tộc thiểu số đang mất bản sắc riêng như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, dân ca, dân vũ... Nhiều vùng đời sống văn hóa chưa thực sự vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển của cộng đồng.

- Các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân phản cách mạng trong và ngoài nước luôn luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để kích động phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, chống phá Nhà nước xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số của cả nước.

Từ những khó khăn, thách thức lớn trên, Đảng và Nhà nước ta cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp với cả những chính sách đồng bộ giúp đỡ, hỗ trợ tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để hội nhập với sự phát triển chung của cả nước. Muốn vậy phải tập trung thực hiện những giải pháp lớn ở vùng các dân tộc thiểu số, cụ thể là:

Thứ nhất, quy hoạch gắn với đầu tư xây dựng, nâng cấp chất lượng công trình, kết cấu hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số; đầu tư cho phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh việc đưa khoa học - kỹ thuật vào các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, đến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng phát triển trồng trọt, nghề rừng và chăn nuôi theo hướng sản xuất gắn với thị trường. Đẩy mạnh việc dạy nghề, giải quyết việc làm, thu hút lao động là người dân tộc thiểu số vào làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và thu hút lao động người dân tộc thiểu số, thực hiện vai trò “bà đỡ” hai đầu cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng dân tộc thiểu số...

Thứ hai, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp học, ngành học. Ngay từ bây giờ, Đảng và Nhà nước cần có chiến lược và chính sách cụ thể về đào tạo nhân tài cho các dân tộc thiểu số. Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phải được coi là giải pháp đột phá; có chính sách chăm lo cải thiện, nâng cao mức sống cho các vùng nghèo, các hộ dân tộc thiểu số nghèo; bảo đảm các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, y tế...; từng bước nâng cao chất lượng đời sống và chất lượng dân số cho các dân tộc thiểu số.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quốc gia về bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số đồng bộ, hài hòa trong chiến lược xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà nước cần khẩn trương chỉ đạo quyết liệt hơn nữa sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ các nguồn nước, môi trường sinh thái vùng nông thôn miền núi; tạo mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm môi trường sống và con người phải là trung tâm của mối quan hệ đó.

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số ở tất cả các ngành, các cấp. Không ngừng chăm lo, củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số.

Thứ năm, chăm lo công tác thông tin tuyên truyền để đồng bào các dân tộc thiểu số nắm bắt được những thông tin bổ ích, thiết thực cho cuộc sống và lao động của họ. Kiên trì làm tốt công tác vận động tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình và cho cả cộng đồng; chủ động, tích cực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, làm thất bại âm mưu thâm độc của các tổ chức và cá nhân phản cách mạng trong và ngoài nước; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia./.

K’ Sor Phước

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội

(Theo Tạp chí Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất