Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 8/12/2009 21:49'(GMT+7)

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II: Thành tựu lớn, nhưng thiếu sót không nhỏ

Đời sống của bà con các dân tộc ở miền núi còn rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh hoạ).

Đời sống của bà con các dân tộc ở miền núi còn rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh hoạ).

Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) với mục tiêu tổng quát là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.

Sau ba năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào, nhưng bên cạnh đó cũng đã bộc lộ không ít sai sót, cần phải chấn chỉnh.

Chương trình 135 giai đoạn II có 4 dự án thành phần: Hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lí để nâng cao nhận thức pháp luật, được thực hiện trên địa bàn 1.946 xã đặc biệt khó khăn và 3.149 thôn, bản đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II, thuộc 337 huyện ở 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Vùng có trên 10 triệu người sinh sống, trong đó có 6,7 triệu đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2009, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán Chương trình 135 giai đoạn II thực hiện năm 2008 tại 14 tỉnh. Kết quả các cuộc kiểm toán này vừa được công bố cho thấy, công tác quản lí, chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II trong năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. Các dự án bước đầu đã góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước thì chương trình vẫn còn nhiều sai sót. Một số địa phương chưa xây dựng đầy đủ kế hoạch đầu tư dài hạn cả giai đoạn, chưa ban hành khung lộ trình thực hiện (tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh Bình Phước…), chưa cụ thể hóa kinh phí hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân (tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bình Phước…)

Một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc công tác đấu thầu theo quy định như không thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, không gửi thư cho các nhà thầu trước 10 ngày về các thông tin của công trình và điều kiện tuyển chọn…; không thực hiện đấu thầu đối với công trình có giá trị hơn một tỉ đồng (tại huyện Hòa An, Cao Bằng).

Tại hầu hết các đơn vị được kiểm toán, việc nghiệm thu công trình hoàn thành đều chưa đúng quy định như nghiệm thu sai khối lượng, không đúng thực tế thi công. Một số bản vẽ hoàn công được sao chép từ bản vẽ thiết kế với số liệu không chính xác, không thể hiện các số liệu thi công thực tế, thiếu chứng chỉ thí nghiệm chất lượng vật tư…

Việc hỗ trợ máy móc, thiết bị chưa đúng quy định của chương trình như không giao theo nhóm hộ mà giao theo thôn (huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc); giao máy móc cho người dân không có kĩ năng vận hành dẫn đến hỏng hóc (tại tỉnh Bình Định); mua máy móc không đúng chủng loại (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Một số địa phương có chứng từ quyết toán chưa đầy đủ, hợp lệ (tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Bình Định…); lập biên bản nghiệm thu, quyết toán sai thực tế: Mô hình trồng cây đậu tương vụ hè thu tại xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, thực tế phát tiền cho dân, nhưng lại quyết toán là phát giống và phân bón với số tiền là 94,7 triệu đồng; dự án hỗ trợ bò cái sinh sản tại thôn 6, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, quyết toán hỗ trợ một con bò trị giá 5,5 triệu đồng, nhưng thực tế hộ dân không được nhận; huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang quyết toán 584 cuộn vòi xả nước không đúng chủng loại theo hợp đồng, quyết toán ống nhựa Tiền Phong nhưng thực tế là Thanh Hà Plastic, số tiền sai phạm là 186,88 triệu đồng. Một số địa phương hỗ trợ chưa giao cho dân nhưng vẫn lập biên bản bàn giao, kí nhận để quyết toán kinh phí (Cao Bằng, Đắc Lắc), quyết toán cả số tạm ứng (Bình Phước).

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị với UBND các địa phương và Ban chỉ đạo Chương trình 135 giai đoạn II của các tỉnh xử lí tài chính hơn 27 tỉ đồng, trong đó thu nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 813 triệu đồng; giảm cấp phát, thanh toán hơn 1,33 tỉ đồng; bố trí nguồn để hoàn vốn cho chương trình gần 20 tỉ đồng…

Tuy còn nhiều thiếu sót, nhưng theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước và các đại biểu Quốc hội, Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả cao. Tại kỳ họp vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị nên tiếp tục kéo dài chương trình này đến năm 2015 và mang tên là “Chương trình 135 giai đoạn III (2011-2015)”./.

(Theo: Đỗ Phú Quý/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất