Thứ Tư, 16/7/2014 18:20'(GMT+7)
Thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”
(TG)- Góp phần thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và
Nhà nước, trong những năm qua, Đảng bộ thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã
có nhiều chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả,
phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quan tâm chỉ đạo và được duy trì thường xuyên, phát triển ngày càng sâu rộng trong các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng luôn được xem là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ thành phố. Nhiều chính sách, chủ trương đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo nên các phong trào như phong trào phong trào sửa chữa nhà ở và xây dựng nhà tình nghĩa, phong trào tặng sổ tiết kiệm và hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống,…
Hiện nay, tổng số đối tượng chính sách người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng trên địa bàn thành phố là 2.779 người/216.297 người (dân số của toàn thành phố), chiếm hơn 1,6%. Trong đó, cán bộ lão thành cách mạng có 6 người; cán bộ Tiền khởi nghĩa 22 người; Anh hùng lực lượng vũ trang 02 người; người có công giúp đỡ cách mạng 120 người; bệnh binh 152 người; thương binh 1.201 người; gia đình liệt sỹ 294 gia đình; quân nhân xí nghiệp từ 15-20 năm 24 người; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học 950 người và tù chính trị 170 người.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo cho các đối tượng người có công được quan tâm và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các cuộc họp của địa phương, khu dân cư và nhất là gia đình người có công với cách mạng. Hàng năm, thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi cho các đối tượng, thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp, lập danh sách mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng người có công kịp thời; phối hợp với các cơ quan có liên quan đưa các đối tượng chính sách đi điều dưỡng, kết hợp thăm quan các danh lam thắng cảnh của đất nước và thực hiện trợ cấp điều dưỡng tại gia đình. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 52 hộ (11 hộ xây mới, 41 hộ sửa chữa) người có công khó khăn về nhà ở đề nghị tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Đồng thời, thành phố triển khai ra soát tình trạng nhà ở của 57 hộ gia đình người có công để có kế hoạch xây dựng, sửa chữa trong năm 2014 nhằm góp phần tích cực vào việc cải thiện nhà ở cho người có công.
Thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 02 năm 2014 – 2015. Trong đó, tập trung vào 7 đối tượng: liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong kháng chiến. Những việc làm có ý nghĩa này đã khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người có công để phát hiện những vấn đề chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để kiến nghị với Nhà nước điều chỉnh trong thời gian tới.
Công tác xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” từ thành phố đến các xã, phường luôn được các cấp, các ban, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang, người lao động và toàn thể nhân dân thành phố quan tâm; bình quân số tiền đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng/năm để hỗ trợ cho người có công khi ốm đau, hoạn nạn, khó khăn. Ngoài sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” còn được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân thông qua các hoạt động thiết thực, từ năm 2010 đến nay đã hỗ trợ xây dựng 10 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 350 triệu đồng, giúp cho các gia đình chính sách có nhà ở ổn định. Chế độ ưu đãi cho con em của các đối tượng chính sách đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong cả nước được giải quyết kịp thời, hơn 300 em đang được nhận trợ cấp học tập hàng năm; bình quân mỗi năm, thành phố đã chi hơn 2 tỷ đồng để chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, hàng năm, nhân các dịp lễ, tết và kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7), thành phố đều tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” như: tổ các đoàn do lãnh đạo thành phố thăm hỏi, động viên, tặng quà đến người có công và gia đình người có công; tham gia chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ, đền tưởng niệm liệt sỹ Hội Phú, nhà lao Pleiku, nhà bia tưởng niệm liệt sỹ tại xã Gào; tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Gia Lai, các hoạt động về nguồn, thăm các khu căn cứ cách mạng.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các gia đình thương binh, bệnh binh phát triển sản xuất và kinh doanh; tham gia các hoạt động, công tác của xã hội. Nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình liệt sỹ đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp nối truyền thống anh hùng trong học tập, công tác và lao động sản xuất, vượt lên mọi khó khăn, làm kinh tế giỏi được các ban, ngành các cấp tuyên dương như gia đình ông Nguyễn Văn Nhương (tổ 8, phường Diên Hồng), bà Bùi Thị Năm (tổ 5, phường Yên Đỗ), Ông A Ngoanh (làng Đal, xã Biển Hồ),... Đó là những hình ảnh, tấm gương tiêu biểu cho tinh thần, ý chí phấn đấu không mệt mỏi của người có công và gia đình người có công.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển ngày càng sâu rộng, được toàn dân tích cực tham gia và trở thành một hoạt động thường xuyên của toàn xã hội, khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời, qua đó thể hiện lòng tri ân của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố dành cho người có công, gia đình người có công như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Để tiếp tục phát huy đạo lý tốt đẹp này, trong thời gian tới các cấp, các ngành từ thành phố đến xã, phường, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội thành phố cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung như:
Một là: Tuyên truyền những chính sách mới đối với người có công như: Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi số 04/2013/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ; Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH ngày 20/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 02 năm 2014 – 2015.
Hai là: Kịp thời nêu gương những thương binh, bệnh binh điển hình, các gia đình chính sách, gia đình liệt sỹ vượt khó làm giàu chính đáng; chú trọng những nhân tố mới và khuyến khích những gương điển hình có truyền thống phấn đấu liên tục nhiều năm.
Ba là: Thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Quản lý và thực hiện việc chi trả trợ cấp đảm bảo đúng chính sách quy định hiện hành, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, làm thất thoát kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách để kịp thời ngăn chặn và uốn nắn những sai sót có thể xảy ra.
Bốn là: Tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong thực hiện chính sách người có công dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; đẩy mạnh phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở địa phương nhằm phát huy nguồn lực tại chỗ tham gia vào thực hiện chính sách.
Năm là: Phát động và đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động như: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, tu sửa nhà ở cho các gia đình chính sách, khảo sát tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên các liệt sỹ, đảm bảo để các công trình được chăm sóc chu đáo, thường xuyên phục vụ tốt việc thăm viếng của các đoàn thể và nhân dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình có công với cách mạng.
Sáu là: Thường xuyên tuyên truyền nâng cao truyền thống yêu nước và đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sỹ và những người có công với nước, biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Qua đó, tạo động lực phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần giữ vững, ổn định tình hình chính trị xã hội và phát triển kinh tế, xây dựng thành phố Pleiku ngày càng văn minh, giàu mạnh./.
Bùi Thị Lan - Ban Tuyên giáo Thành ủy Pleiku, tỉnh Gia Lai