Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo an toàn thì có thể trở thành nguồn gây bệnh. Các khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến thực phẩm đều có nguy cơ gây bệnh nếu làm không đúng cách. Hiện nay, thực phẩm không an toàn đang là vấn đề xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng, nhất là trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, làm giảm chất lượng dân số Việt Nam.
* Ảnh hưởng lớn sức khỏe trẻ em
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây, có hơn 600 triệu người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm không an toàn và khoảng 420.000 ca tử vong. Đáng chú ý, gần 1/3 ca tử vong là trẻ em. WHO cũng nhận định, cứ 10 người thì có 1 người bị bệnh do thực phẩm nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, chất độc và hoá chất.
Đặc biệt, các mầm bệnh trong thực phẩm không an toàn rất ưa thích những cơ thể có hệ thống miễn dịch chưa đủ mạnh như trẻ em. Thế nên dù chỉ chiếm 9% dân số nhưng số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh do thực phẩm không an toàn chiếm tới 40% số người mắc và chiếm 1/3 số ca tử vong.
Ở các nước đang phát triển, ước tính mỗi năm có 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra. Trong đó tiêu chảy do thực phẩm và nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 2,2 triệu người mỗi năm, trong đó hầu hết là trẻ em.
Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết: Hệ thống miễn dịch tốt sẽ giúp con người chống lại nhiễm trùng nhưng hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ, bà mẹ mang thai, người già và người bị bệnh mạn tính thường yếu hơn người bình thường và những người này có nguy cơ cao nhất mắc bệnh khi ăn phải thực phẩm, nguồn nước không an toàn. Phụ nữ độ tuổi sinh sản thường xuyên ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Là đối tượng có nhu cầu cao về các chất dinh dưỡng để đáp ứng sự phát triển về thể chất, trí não nên nếu trẻ thường xuyên ăn phải thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành do thiếu chất dinh dưỡng cần thiết nhất. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, do axit trong dạ dày chưa đầy đủ nên các em rất dễ bị mắc bệnh truyền qua thực phẩm.Thậm chí, nếu trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, cơ thể khó đào thải và tích lũy dần trong người gây suy gan, suy thận, ung thư...
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh: Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, nhất là thể lực, chiều cao, giống nòi, quá trình chuyển hóa, ảnh hưởng đến các chức năng (như: tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, bài tiết, hô hấp). Nếu ăn phải thực phẩm không an toàn, mọi người đều có nguy cơ bị ngộ độc cấp tính, ngộ độc mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm, huyết áp, ung thư (thực quản, tiền liệt tuyến, dạ dày, đại tràng...)…
PGs.Ts Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Viện K Trung ương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư khẳng định: Trong những năm gần đây, nhiều loại ung thư liên quan tới chế độ ăn uống đang gia tăng tại Việt Nam. Tiêu biểu là ung thư đại trực tràng. Tỷ lệ bệnh này ở nam giới tăng khá nhanh trong hơn 10 năm gần đây.
* Bảo đảm an toàn thực phẩm hộ gia đình
Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết: Hầu hết thực phẩm dùng trong bữa ăn hàng ngày ở nước ta đều sản xuất ở nông thôn: gạo, ngô, khoai, thịt, cá, trứng, đậu, lạc, vừng, rau, củ, quả… Gần đây một phần do cơ chế thị trường, chạy theo lợi nhuận, lợi dụng việc thanh, kiểm tra còn lỏng lẻo hoặc do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, thói quen làm bừa làm ẩu nên nhiều người, cơ sở sản xuất, chăn nuôi đã không chấp hành quy định về sử dụng hoá chất, chất kích thích tăng trưởng, các chất bảo quản thực phẩm, phụ gia trong sản xuất và chế biến món ăn...
Các hóa chất này hoặc là các chất độc không được phép sử dụng hoặc dùng quá liều lượng cho phép đã gây ngộ độc cấp tính, gây đau bụng đi ngoài, có trường hợp tử vong hoặc mỗi ngày tích luỹ lại một ít trong cơ thể gây nhiều bệnh nguy hiểm khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) nêu rõ: Khẩu phần ăn cân đối, hợp lý rất quan trọng với cơ thể, giúp mọi người phòng chống bệnh tật. Do đó, nếu ăn uống hợp lý sẽ giúp phòng tránh nguy cơ ung thư. Khẩu phần ăn giàu chất béo, ít chất xơ và carbonhydrat làm tăng nguy cơ ung thư.
Để đảm bảo sức khỏe, ngoài việc nên chọn thực phẩm tươi, sạch, biết rõ nguồn gốc, người tiêu dùng nên ăn đa dạng thực phẩm, chọn rau quả có màu sắc: rau có màu xanh thẫm, màu tím, quả có màu vàng, màu đỏ thường giàu các chất chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ tế bào, tốt cho sức khỏe.
Người dân không nên ăn thực phẩm bị nấm mốc, củ quả đã lên mầm. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm rau củ có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Do đó, người tiêu dùng nên mua rau củ quả ở những nơi có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu có điều kiện, tốt nhất người dân nên tự trồng rau củ quả hoặc tìm nguồn cung cấp an toàn.
Đặc biệt, tại các hộ gia đình cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm từ lúc mua tới khi chế biến tại nhà. Các gia đình cần bảo quản thịt tươi sống: lợn, gà, bò, cá… ở khu vực riêng, tránh tiếp xúc với hoa quả tươi; đặt thịt, hải sản tươi sống ở nơi thấp nhất trong rổ đi chợ, tủ lạnh… để tránh nhỏ nước, tiếp xúc với các thực phẩm khác. Người dân nên kiểm tra bao gói, thời hạn sử dụng để bảo đảm thực phẩm còn tốt. Thức ăn nên để ở nơi cao, khô ráo, sạch sẽ bảo đảm tránh bụi, súc vật…; cần ăn thức ăn ngay sau khi nấu, tránh để thức ăn đã nấu chín lâu quá 2 giờ ở nhiệt độ trong phòng, nhất là vào mùa hè nóng bức.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo: Những thực phẩm có chất tạo màu trong kẹo, bánh, thực phẩm ăn nhanh, thịt quay, trà chanh, trà sữa chân trâu cũng không tốt cho sức khỏe. Người dân nên tránh hoặc hạn chế ăn thức ăn nhanh, đồ chiên rán, vì dầu mỡ chiên rán nhiều lần đã bị oxy hóa cũng là một trong nguyên nhân gây ung thư…/.
Thu Phương/TTXVN