Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 22/10/2008 16:50'(GMT+7)

Thực tế đắng cay!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Mới trải qua hơn 20 năm đổi mới mà đất nước ta đã có quá nhiều những bãi sình lầy chất thải, những hóa chất độc hại, tàn phá sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người nghèo bất kể đô thị hay nông thôn. Có gì bàng hoàng hơn khi Viện Khoa học kỹ thuật và môi trường 1 kết luận, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 870 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, cấp nước, môi trường, du lịch và các điều kiện khác do điều kiện vệ sinh môi trường yếu kém.

Còn Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam phải chi tiêu ít nhất 2,5 tỉ USD/năm để ngăn chặn ô nhiễm. Đó là tính toán theo hiện trạng năm 2007, còn nếu như với tốc độ phát triển bình quân GDP 7% thì mức độ ô nhiễm môi trường sẽ còn trầm trọng theo cấp số nhân gấp bao lần sự tăng tốc của vốn đăng ký đầu từ trực tiếp, nhảy vọt từ 12 tỉ USD lên 62 tỉ USD (dự kiến) trong năm 2008.

Hàng loạt dự án đe dọa gây ô nhiễm ghê gớm như cán luyện sắt thép, sân golf, đóng tàu, xi măng, nhà máy hóa chất, khai thác nguyên vật liệu khoáng sản, nông và thủy hải sản... là mối nguy cơ tiềm ẩn đe dọa môi trường đất nước chúng ta. Nếu chỉ nhìn vào những con số FDI nêu trên thì nhà hoạch định kinh tế vĩ mô có thể vui mừng nhưng nếu đưa mắt nhìn vào thực trạng hay chất lượng cuộc sống của người dân, những con sông ô nhiễm không đâu xa, ngay trong lòng Hà Nội như con sông Nhuệ dòng nước nhuốm màu đen kịt, đầy rác rưởi, hay con kênh Nhiêu Lộc luôn bốc mùi hôi tanh ở TP.HCM, mới thấy hết những nỗi niềm của sự bất cập!

Vụ án Vedan VN bùng lên rồi có được giải quyết "đến đầu đến đũa"? Và cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm? Nhìn vào báo cáo tài chính của Vedan trong ba năm qua với mức doanh thu 120-160 triệu USD/năm thì chỉ trong vài năm là họ có thể hoàn vốn đã đầu tư, vì lợi nhuận từ bột ngọt, phân bón và các sản phẩm khác rất lớn theo tốc độ phát triển 15%-20%/năm. Vì lợi nhuận khổng lồ đó, Vedan tìm mọi cách duy trì sản xuất để sá gì vài triệu đô la nộp phạt vi phạm “hành chính” vì trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường hay các khoản nộp “ngoài sổ sách” cho những ai đó... Đây cũng là lý do tại sao giới doanh nhân Đài Loan (hay nhiều nơi khác) cho rằng Việt Nam là “thiên đường” để đầu tư!

Rồi sẽ có hàng chục, hàng trăm “ông” Vedan lớn nhỏ khác, tiền nộp phạt sẽ nhiều hơn nhưng cuối cùng chính người tiêu dùng những sản phẩm của họ sẽ nộp phạt, kể cả “tiền thầy bỏ túi”. Ngao ngán thay .

Chợt nhớ câu chuyện buồn “Ô nhiễm phức hợp”(1974-1975- Pollution Complex- đăng trên báo Asahi) của nhà văn Sawako Ariyoshi khi nạn ô nhiễm do nước thải có chứa thủy ngân, chì tràn ngập sông ngòi, biển cả Nhật Bản, gây bệnh Minamata, Itai-Itai bùng nổ... mới hiểu ra rằng những người thừa hưởng sự phát triển và tiến bộ vật chất không phải là những “người cùng khổ” mà nằm trong những ai nắm giữ quyền lực. Dù những câu chuyện ấy đã đi qua hơn 30 năm, nhưng tưởng sẽ không bao giờ đến với đất nước mình, thế mà... hôm nay đã trở thành một thực tế đắng cay!./.
 
 (Theo Báo Người lao động)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất