Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 13/11/2008 16:28'(GMT+7)

Thực thi Trách nhiệm xã hội: Doanh nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ?

Công nhân đình công đòi tăng lương (Ảnh minh hoạ)

Công nhân đình công đòi tăng lương (Ảnh minh hoạ)

“Các doanh nghiệp sẽ không thể làm ăn lâu dài với khách hàng nước ngoài nếu điều kiện lao động của công nhân tại doanh nghiệp đó không an toàn hay nhà máy sản xuất của doanh nghiệp đó làm ô nhiễm môi trường... Chính vì thế trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần phải được nhìn nhận như một cơ hội để kinh doanh tốt hơn” - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt đã chia sẻ như vậy trước những đòi hỏi từ thực tế về thực thị trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể khẳng định, tại những nước có nền kinh tế phát triển, vấn đề thực thi trách nhiệm xã hội này không còn xa lạ và được đặt lên hàng đầu đối với mỗi doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, đây là vấn đề đã được đề cao nhưng chưa được quán triệt thực hiện, thậm chí không ít doanh nghiệp rũ bỏ trách nhiệm của mình đối với xã hội, hoặc có chăng thực hiện cũng chỉ đối phó. Các chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm này chưa đủ mạnh; vậy nên hàng loạt các sai phạm liên tiếp xảy ra trong suốt thời gian qua. Điển hình như các vụ Vedan, Miwon, đình công tại nhiều nhà máy xí nghiệp tại các khu công nghiệp phía nam...

Quá trình phát triển kinh tế ở mọi quốc gia trên thế giới đều nảy sinh các vấn đề xã hội. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội chính là tạo điều kiện ổn định để phát triển kinh tế. Trong doanh nghiệp cũng vậy, sự phát triển của một doanh nghiệp luôn kèm theo trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp phải quan tâm giải quyết, đây là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời. Doanh nghiệp không thể chỉ quan tâm đến phát triển sản xuất, doanh thu, lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội của mình hoặc ngược lại. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình không chỉ thể hiện cái tâm, đạo đức kinh doanh của nhà đầu tư mà qua đó còn giúp cho các nhà đầu tư tạo dựng được thiện cảm, uy tín với các đối tác xã hội, qua đó càng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển. Điều này càng đặc biệt trở nên có ý nghĩa hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức WTO.

Trước đây, yếu tố trụ cột gắn liền với mục tiêu của bất cứ doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân đó là yếu tố kinh tế, lợi nhuận. Nhưng ngày nay trong xu thế toàn cầu hoá, các yếu tố cấu thành lợi nhuận không chỉ là yếu tố kinh tế, mà còn phải kể đến những yếu tố bên ngoài như môi trường, xã hội... Ví dụ, vài năm trước đây các doanh nghiệp thường cho rằng việc ô nhiễm môi trường chưa nghiêm trọng mấy ở những nước đang phát triển, do vậy ít ai quan tâm tới vấn đề này. Tại các nước công nghiệp phát triển, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nan giải, luật pháp xử nghiêm việc thải chất độc ra môi trường, thậm chí các doanh nghiệp sẽ phải trả tiền cho sự ô nhiễm môi trường do mình gây ra. Còn tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, hiện tượng gây ô nhiễm môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái, huỷ hoại môi trường sống như đất canh tác, nguồn nước, không khí, tiếng ồn... từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, hầm lò, trang trại... đã được các cơ quan thông tấn, báo chí nhắc nhiều song vấn đề này vẫn còn tiếp diễn và hầu như vẫn chưa có giải pháp xử lý thích hợp và triệt để.

Xu thế phát triển kinh doanh trên thế giới đang tập trung "phụng sự xã hội" cũng như đáp ứng những nhu cầu mà xã hội, khách hàng, người tiêu dùng của mình quan tâm. Làn sóng này không thể nào đảo ngược. Tại Việt Nam, qua trường hợp làm ô nhiễm môi trường của công ty Vedan thì không chỉ Nhà nước, các doanh nghiệp đang hướng tới các giá trị phục vụ cộng đồng.

Khi các doanh nghiệp vẫn còn chưa nhận thấy được việc phát triển bền vững chính là phương thức tối đa hoá lợi nhuận một cách hiệu quả nhất, thì những biện phát xử lý nghiêm minh, chế tài bằng pháp luật của chính quyền đối với đối tượng sai phạm cùng việc xây dựng một cơ chế khuyến khích dư luận đứng ra tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình sẽ là những điều tối cần thiết để hình thành ý thức "trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp" ở ta trong thời gian hội nhập sắp tới.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng, vì họ hiểu rằng hành động “té nước theo mưa” sẽ khiến nền kinh tế biến động hơn và chính họ là những người bị ảnh hưởng. Ngược lại các hành động vì thị trường, chấp nhận chịu lỗ trước mắt, sẽ được thị trường ghi nhận và giành được tình cảm của khách hàng. Cũng có một số doanh nghiệp cố tình tăng giá, đầu cơ nhằm trục lợi trong bối cảnh nền kinh tế bị lạm phát. Nhiều ý kiến cho rằng hành vi này phải được xử lý theo pháp luật; cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ buộc nhà sản xuất phải bán theo giá quy định. Tất cả những biện pháp nêu trên hoặc là không khả thi hoặc sẽ mất nhiều thời gian để sửa luật mới thực hiện được, hoặc sẽ đi ngược lại các cam kết về kinh tế thị trường mà Chính phủ theo đuổi.

Ông Phùng Quang Huy- Giám đốc Văn phòng giới thiệu sử dụng lao động VCCI cho rằng, hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp rất bối rối vì họ cảm thấy có sự giằng xé về trách nhiệm về kinh tế doanh nghiệp và trách nhiệm đối với xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay của các doanh nghiệp, chắc chắn vấn đề trách nhiệm xã hội sẽ nảy sinh, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cách xử lý thoả đáng và thực tế sẽ chứng minh việc giải quyết vấn đề xã hội cũng là một yếu tố làm nên lợi nhuận doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, khi thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, sẽ cải thiện tình hình tài chính, giảm chi phí hoạt động, nâng cao uy tín, quản lý rủi ro và giải quyết khủng hoảng tốt hơn, thúc đẩy cam kết với người lao động, quan hệ tốt với Chính phủ và cộng đồng, tăng năng suất... Bên cạnh đó nếu người lao động có các điều kiện môi trường làm việc thuận lợị sẽ thúc đẩy họ làm việc tốt hơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới, mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình.

Theo ông Khúc Tiến Học - Ban Chính sách và Kinh tế xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Hiện nay vấn đề trách nhiệm xã hội đã bắt đầu được các doanh nghiệp quan tâm và coi trọng, ví dụ như làm từ thiện, xây trường học... Tuy nhiên việc thực hiện còn ít và chưa mang tính xã hội hoá. Chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện tốt vấn đề này, doanh nghiệp phần lớn vẫn chỉ quan tâm tới lợi nhuận chứ chưa quan tâm nhiều tới trách nhiệm xã hội. Chỉ có những doanh nghiệp lớn, hoặc đã phát triển tới trình độ cao rồi thì họ mới bắt đầu nghĩ tới việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Vũ Hữu Kiên- Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằngDN ở Việt Nam đã bắt đầu có ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, bởi vì họ muốn mở rộng sản xuất và hội nhập quốc tế thì đây là điều mà họ bắt buộc phải quan tâm, nhất là khi tham gia vào AFTA chứ chưa nói gì tới WTO. Để thực hiện tốt việc này, các cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền, và "chỉ đường" cho các doanh nghiệp thực hiện, nêu gương các doanh nghiệp làm tốt. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được trách nhiệm xã hội có liên quan như thế nào tới quá trình phát triển của doanh nghiệp mình, chẳng hạn vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề nước thải... họ vẫn cho rằng đây là vấn đề công cộng.

Theo Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ nâng cao được sức cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vì đặc trưng chung của những ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam (may mặc, giầy dép, thuỷ sản…) là sử dụng nhiều lao động. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là những hoạt động từ thiện, trợ giúp cộng đồng như nhiều người vẫn quan niệm mà nó còn là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động, cho cộng đồng và cho toàn xã hội theo cách có lợi cho cả “đôi bên” là doanh nghiệp và xã hội./.

Yến Nhi
Cục Tài chính-Doanh nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất